Trưởng thành từ "lò" Bách khoa và với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến khuyên các hậu bối nên trau dồi kiến thức và không ngừng học hỏi để đón nhận những cơ hội lớn mà làn sóng công nghệ mang lại.
800 sinh viên đã ngồi kín Hội trường C2, ĐH Bách Khoa, lắng nghe những câu chuyện thú vị về ngành CNTT, từ đó tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và định hướng con đường tương lai của mình.Chiều nay (ngày 19/6), Tập đoàn FPT phối hợp cùng ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức sự kiện định hướng nghề nghiệp cho sinh viên với chủ đề “Transform you - Transform career”, nhằm cập nhật xu hướng phát triển nghề nghiệp lĩnh vực CNTT, chia sẻ kỹ năng và truyền cảm hứng từ chính câu chuyện thực tế của diễn giả Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, Giáo sư Cù Trọng xoay Đinh Tiến Dũng, Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT, thuộc FPT Telecom.
Chủ tịch Hoàng Nam Tiến nhận định sinh viên cần trau dồi thêm ngôn ngữ tiếng Anh. |
Chủ tịch của nhà Viễn thông FPT nói rằng, anh ước ao những sinh viên của trường hiện tại sẽ trở thành người đồng nghiệp của mình trong 1-2 năm tới. Nếu chọn bến đỗ là FPT thì hơn 800 sinh viên có mặt tại khán phòng với anh Tiến sẽ là đồng môn và đồng nghiệp (anh Hoàng Nam Tiến là sinh viên khóa 33 của trường ĐH Bách khoa).
Anh Tiến chia sẻ, các sinh viên CNTT Bách khoa đang đứng trước cơ hội rất lớn, bởi CNTT đang là ngành mũi nhọn tại Việt Nam. CNTT thuộc Top 3 ngành có mức lương cao nhất, dao động từ 1,8 - 2,4 tỷ đồng/năm, trung bình khoảng 18 đến 62 triệu đồng/tháng. Cơ hội việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính rất nhiều, bao gồm: kỹ sư máy tính, kỹ sư hệ thống, người phát triển phần mềm, lập trình viên, trưởng phòng công nghệ, giám đốc kỹ thuật CNTT…
Giáo sư xoay Đinh Tiến Dũng chia sẻ những câu chuyện về trải nghiệm sinh viên. |
Hiện nay, các công ty công nghệ lớn đều tìm cơ hội cho việc hợp tác, phát triển tại Việt Nam. Trong đó, Apple muốn mở rộng chuỗi cung ứng, Samsung có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và cần thêm 4,000 nhân lực. Tại FPT, công ty có hàng nghìn vị trí công việc cho sinh viên công nghệ. Không chỉ tiếp cận với những công nghệ mới, bài toán khó, các sinh viên sẽ được trải nghiệm, kết nối với những cái nôi của công nghệ thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…
Nhưng anh Tiến cũng thừa nhận một nghịch lý rằng, thị trường lao động Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Theo dự báo năm 2020, Việt Nam còn thiếu tới 100.000 lao động CNTT, mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động. Nhưng tính đến cuối năm 2019, có gần 600.000 người trẻ đang không tìm được việc làm. Một trong những nguyên nhân được lý giải là do sinh viên Việt Nam còn thiếu và yếu các kỹ năng mềm hỗ trợ công việc.
Sinh viên Bách khoa ấn tượng với màn chia sẻ của anh Tiến. |
Để tránh cho sinh viên rơi vào trường hợp trên, lời khuyên của anh Tiến cho các hậu bối là cần rèn luyện và trau dồi 2 kỹ năng là: tiếng Anh và tinh thần tự học. Theo anh, thế hệ Z - những người sinh sau năm 1996 nói chung và các sinh viên đang theo học ngành CNTT nói riêng - là thế hệ Lifelong learning, nghĩa là cần học cả đời. Với sự phát triển của công nghệ, máy móc thay đổi hàng ngày, hàng giờ, mỗi người cần liên tục trau dồi các kiến thức và kỹ năng mới nếu không muốn bị đào thải bất cứ lúc nào.
Với tư cách là đồng môn, Chủ tịch FPT Telecom hy vọng, những sinh viên có mặt ở đây và thế hế kế tiếp, sẽ duy trì truyền thống của trường ĐH Bách khoa, trau dồi năng lực hàng ngày để trở thành công dân toàn cầu, cùng FPT mang trí tuệ Việt ra thế giới.
Sau những chia sẻ của người đứng đầu nhà Viễn thông, sinh viên đã được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT Đinh Tiến Dũng. Khi được sinh viên hỏi về việc tìm kiếm trải nghiệm, cơ hội cho nghề nghiệp tương lai, GĐ Sáng tạo Truyền hình FPT nhận định, trải nghiệm sẽ đến từ những điều không thể. Thay vì chỉ chăm chăm vào việc trên giảng đường, sinh viên hãy cho phép bản thân trải nghiệm, dù đôi khi sẽ không liên quan đến công việc tương lai.
“Khoảng cách từ nỗi buồn đến hạnh phúc sẽ là lượng đo đếm trải nghiệm của bạn”, anh Dũng nói và cho biết, nếu cách đây 20 năm, ngành học về Trí tuệ nhân tạo, Big Data sau khi ra trường hầu như đều thất nghiệp thì bây giờ những người có kiến thức, trải nghiệm với lĩnh vực này không bao giờ lo đến việc làm. “Vì vậy bản thân có nhiều trải nghiệm chính là thế mạnh cá nhân”.
Trao đổi với đại diện Tập đoàn FPT, PGS Đinh Văn Hải - Trưởng phòng Công tác sinh viên ĐH Bách Khoa chia sẻ, trường đang đào tạo nhiều kỹ năng mới về làm việc nhóm, hoàn thiện thêm các thế mạnh về công nghệ để sinh viên không bỡ ngỡ sau khi tốt nghiệp. Với bối cảnh thị trường lao động công nghệ hiện tại, nhà trường mong muốn được hợp tác với FPT để có thêm nhiều các buổi định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Em Nguyễn Bảo Khánh - K62 ngành Cơ khí ĐH Bách Khoa Hà Nội, thấy hạnh phúc vì được gặp anh Tiến ở ngoài. Trước đó, Khánh có đón xem chương trình “Ai được chọn” trên VTV3 và có ấn tượng với Chủ tịch Hoàng Nam Tiến. Sau hơn 3 giờ tham dự chương trình, Khánh đã có lời khuyên bổ ích để huẩn bị trở thành công dân toàn cầu. Khánh cũng là 1 trong 2 sinh viên may mắn nhận được học bổng FPT Software Academy Fresher tại chương trình.
Leader Talk là format mới của chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Chương trình cũng giúp sinh viên tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo FPT.
Theo dự kiến, sự kiện sẽ được tổ chức xuyên suốt trong năm 2020 tại các trường Đại học lớn trên cả nước như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp, Đại học Giao thông Vận tải...
Theo Chungta