Để được lưu danh trên bản khắc này, các Viện sĩ phải trải qua một cuộc bình chọn của toàn thể CBNV FPT trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cuối cùng, 8 viện sĩ FPT bao gồm: Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Duy Hưng, Hoàng Nam Tiến, Hoàng Minh Châu, Phan Quốc Việt, Lê Đình Lộc, Nguyễn Anh Quốc đã được bầu chọn.
Ban đầu, ý tưởng thực hiện bản khắc đồng được bắt chước theo mô hình Đại lộ Danh vọng Hollywood nhằm ghi lại công lao của những người đã có đóng góp cho văn hóa STCo của FPT. Bản khắc đồng từng được trưng bày tại sảnh tòa nhà FPT tại 89 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Bản khắc đồng được thực hiện hai lần, lần 1 năm 2001, và lần 2 là năm 2002 khi bầu bổ sung 2 Viện sĩ Lê Đình Lộc và Nguyễn Anh Quốc.
Theo anh Lê Toàn Thắng, nhân viên Văn phòng FPT (người trực tiếp thực hiện công việc này) kể lại: “Thời gian để in dấu lên bản khắc đồng rất nhanh, chỉ trong mấy chục giây nên các Viện sĩ đều phải nghĩ ngay ra ý tưởng của mình muốn lưu lại cái gì để kỷ niệm”.
Sau khi nhận được khuôn đất sét, các Viện sĩ lần lượt lưu lại dấu tích của mình. Viện sĩ Nguyễn Thành Nam (Nguyên TGĐ FPT) in lên đó khuôn mặt. “Vì lấy dấu tích là cả khuôn mặt nên anh Nam phải úp nguyên khuôn mặt mình vào khuôn đất sét, đến khi lấy xong, nhìn mặt anh mốc thếch, ai cũng phì cười” – anh Thắng nhớ lại.
Hình ảnh khuôn đất sét ghi lại dấu tích của các viên sỹ STCo
ĐẶC ĐIỂM CÁC BẢN KHẮC ĐỒNG:
Trọng lượng của mỗi bản khắc đồng là 5kg bản chính; 1,5kg bản tên; kích thước 45cm x 45cm mỗi bản.
Viện sĩ Nguyễn Khắc Thành thì in hình hai bàn chân, kích thước mỗi màn chân là 22,5 cm x 9,5 cm, sâu 2 cm.
Viện sĩ Hoàng Nam Tiến in hình bàn tay phải, dài 18,5 cm, ngang 19 cm, sâu 1,5 cm.
Viện sĩ Hoàng Minh Châu in 3 khớp ngón tay bàn tay trái dài 6 cm, và khớp ngón tay phải dài 7cm, sâu 2 cm.
Viện sĩ Lê Đình Lộc với khắc ghi 13 đặc điểm trên tay tự như vết mèo cào, bán kính 22cm, sâu 1,5 cm.
Viện sĩ Nguyễn Anh Quốc in bàn tay trái tự như “khấu sung” trong tư thế sẵn sang chiến đấu, dài 17 cm, sâu 2,5 cm.
Viện sĩ Nguyễn Duy Hưng in trong tư thế ngồi nên dấu tích lưu giữ của anh là hai cái mông; kích thước: ngang mông 24cm, sâu 3cm. Viện sĩ Nguyễn Duy Hưng nhớ lại: “Ngày ấy, thấy các Viện sĩ khác chọn các bộ phận để in hết rồi, như anh Nam thì chọn khuôn mặt, anh Tiến in hình bàn tay, anh Khắc Thành thì bàn chân… nên tôi phải tạo ra một dấu ấn khác lạ. Vậy là nảy ra ý tưởng in ngay… cặp mông lên khuôn đất sét”.
Viện sĩ Phan Quốc Việt khắc ghi tai phải của mình, chiều cao từ dái tai tới đỉnh tai là 6 cm, ngang tai là 4 cm.
QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN
Sau khi có được vết tích từ các Viện sĩ, những bản khắc này được chuyển ngay đến những người thợ làm thạch cao (Vì để lâu đất sét khô sẽ bị biến dạng các bản in). Khi khuôn đúc thạch cao được hoàn thành thì được mang tới cho những nghệ nhân đúc đồng ở làng Ngũ Xá, để đúc và hoàn thiện những dấu tích của các Viện sĩ.
Bản khắc của 6 viện sĩ đầu tiên được hoàn thành trong thời gian 20 ngày trong năm 2001. Riêng hai Viện sĩ Nguyễn Anh Quốc và Lê Đình Lộc được bầu bổ sung năm 2002, thời gian hoàn thiện bản khắc đồng có lâu hơn một chút vào khoảng hơn 1 tháng.
“Năm 2002, khi mang bản thạch cao đến làng Ngũ Xá để đúc đồng thì Hà Nội mưa rất to, nước dâng lên ngập hết cả để mà phần lớn lò đúc đồng của làng đều ở dưới đê nên bị ngập hết, dù rất muốn lấy nhanh nhưng lò bị ngập không cách nào nung được, cuối cùng sau hơn 1 tháng, trời khô ráo trở lại, bản khắc đồng cũng được làm xong” – anh Thắng nhớ lại.
Hiện tại, Bản khắc đồng khắc ghi dấu tích của các Viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật STCo đang được trưng bày tại Bảo tàng tầng 0, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.
Nguồn: Bảo tàng FPT