Nhờ STCo mà FPT ký được nhiều hợp đồng lớn. Nhờ STCo mà chúng ta gần nhau hơn để khoác vai nhảy múa, hò hét. Và cũng nhờ STCo mà người FPT trở nên hóm hỉnh, thông minh, biết quan tâm nhau hơn. Từ đàn ông đến đàn bà, người già hay con trẻ đều có ngày của riêng mình.
Còn nhớ những ngày đầu khi mới chân ướt chân ráo về FPT, tôi có biết STCo là gì đâu, tra trong từ điển tiếng Anh cũng không thể dịch được nghĩa. Lúc ấy, tôi chỉ thắc mắc rằng, tại sao lại có nhiều người cùng thuộc một bài, rồi hát lung tung từ bài này sang bài khác. Và lạ một điều, chỉ cần có một người khởi xướng câu đầu là y như rằng cả “lò” cùng hò reo hết bài được. Thế mới lạ!
Ấm ức vì mình cũng là “thần dân” của FPT, vậy mà chỉ ngồi nghệt mặt ra nghe họ hát hoặc đập đũa bát hùa theo mà không hát được từ nào. Tôi quyết tâm về học thuộc ít nhất là… một vài câu, để còn tự tin đứng lên “té nước theo mưa” chứ. Vậy mà dần dần, thuộc được một cơ số bài và lại còn tự tin đi đào tạo về văn hóa STCo cho tân binh.
Đúng là không doanh nghiệp nào có văn hóa như của FPT. Sau khi hỏi han các bậc tiền bối và biết được STCo thực chất là các sáng tác ngẫu hứng, mang đậm chất nghề nghiệp trong từng lời ca tiếng hát. Thế mới thấy, có rất nhiều yếu tố để gắn bó một con người với tổ chức, đâu chỉ là lương và thưởng.
Cách đây gần 10 năm, thời kỳ đỉnh cao của STCo, tôi vô cùng tự hào khi bạn bè làm ở doanh nghiệp khác suốt ngày xin lời mấy bài hát để về phổ biến trong công ty. Lúc nào gặp tôi cũng hỏi xem có bài STCo nào mới không, mặc dù họ cũng chả hiểu STCo là gì, chỉ nghe người khác nói.
Nhờ văn hóa STCo mà FPT như một hiện tượng khiến không ít người mong muốn được gia nhập. Có một vài người nghĩ rằng, STCo đơn thuần chỉ là hát nhạc chế, viết lại lời của các ca khúc, nhưng thực ra đó chỉ là một góc rất nhỏ trong văn hóa đặc trưng của FPT. Theo cá nhân tôi, STCo nó lan truyền trong tất cả hoạt động hằng ngày của FPT, từ sự thân tình của sếp với nhân viên, sếp cũng khoác vai, cũng mặc quần đùi, áo số đá bóng với nhân viên, cũng bị “chặt hạ” như chuối trên sân, hay đôi khi phát ngôn “bậy bậy” một chút, đó cũng là biểu hiện của văn hóa STCo.
Ở FPT, nhân viên và sếp rất gần gũi |
Rồi các vở kịch trong Hội diễn 13/9 hằng năm của tập đoàn cũng thế. Có nơi nào mà sếp luôn bị nhân viên đưa lên sân khấu “chửi” mà ở dưới vẫn vỗ đùi đen đét, cười sảng khoái, lại còn thưởng nóng cho đội kịch, đó cũng là một nét STCo. Hay đơn giản là nhân viên tự do trong trang phục khi đến công ty, thoải mái tranh luận, đề xuất các vấn đề không đồng thuận với sếp trực tiếp, không thỏa mãn thì có thể lên cấp cao hơn hoặc lên thẳng cấp cao nhất mà không bị coi là “đốt cháy giai đoạn”, đó cũng là một nét của STCo…
Tất nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó, nhưng với STCo, mặt được có lẽ nhiều hơn. Với những nhân viên đã rời công ty, dấu hiệu để họ nhận biết được đồng nghiệp cũ của mình không phải ở logo, ở trang phục mà là ở những đám đông đang “điên cuồng” hò theo một giai điệu nào đó, tay chân múa may đập loạn xạ những thứ có thể tạo ra tiếng động… trong quán bia, quán nhậu, mặc dù họ không hề biết mặt nhau. Và điều đọng lại trong mỗi người khi rời khỏi FPT vẫn là những nét văn hóa STCo đặc trưng mà không một doanh nghiệp lớn nào ở Việt Nam có, hoặc có thì cũng do những người... đi từ FPT sang gây dựng.
Cứ nhìn vào tình trạng sốt vé xem Hội diễn 13/9 hằng năm là thấy STCo có sức hấp dẫn thế nào. Khán giả biết vẫn là các vở kịch đưa sếp lên sân khấu để phản ánh, rồi những vấn đề thời sự trong tập đoàn, xã hội được đan xen vào nhau nhưng thông qua cách diễn của chính người FPT, họ vẫn hào hứng, hồi hộp và cười sảng khoái. Thậm chí, đây không chỉ đơn thuần là sân chơi của người FPT, cả gia đình, bạn bè của CBNV cũng là “fan” của nét văn hóa này.
Trạng là cuộc thi tìm hiền tài cho công ty |
Nhờ STCo mà FPT ký được nhiều hợp đồng lớn. Nhờ STCo mà chúng ta gần nhau hơn để khoác vai nhảy múa, hò hét. Và cũng nhờ STCo mà người FPT trở nên hóm hỉnh, thông minh, biết quan tâm nhau hơn. Từ đàn ông đến đàn bà, người già hay con trẻ đều có ngày của riêng mình. Rồi các trò chơi “không đâu dám chơi” cũng được bà con FPT chơi nhiệt tình và cổ vũ nhiệt liệt. Các chương trình mang “thương hiệu FPT” còn có sức lan truyền cả ra ngoài như: “Thứ 6 tầng 13”, Hội diễn 13/9…
Nhưng cũng vì STCo mà FPT một vài lần bị báo chí “không đồng tình” như vụ Borat. Cũng vì STCo mà nhiều sếp có chút bực tức thắc mắc “sao cứ đưa tao lên sân khấu chửi” hay thậm chí ngược hẳn lại là “sao tao vẫn quan tâm đến tụi nó mà không bao giờ thấy đả động gì đến trong mỗi Hội diễn STCo”. Nhiều anh còn bị vợ hoặc bạn gái trách móc vì sao từng này tuổi rồi mà còn lên sân khấu nhảy múa lung tung?
Nhưng không thể phủ nhận để FPT vươn lên vị thế ngày hôm nay, văn hóa STCo đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công đó. Tiếc rằng, hình như văn hóa STCo ngày càng có chút phai nhạt dần. Các hạt nhân STCo lui về ở ẩn hoặc do “tuổi cao sức yếu” muốn nhường sân cho đàn em. Các sáng tác mới không có nhiều, đến nỗi Ban Văn hóa - Đoàn thể phải tổ chức hẳn một cuộc thi sáng tác STCo. Nhưng rồi sau khi kết thúc cuộc thi thì các tác phẩm đoạt giải cũng chìm vào quên lãng và hầu như không ai thuộc những bài đó. Nếu cứ thế này, sợ rằng đến một lúc nào đó, STCo sẽ chỉ còn là lịch sử lưu truyền cho những thế hệ về sau như chưởng Kim Dung. Còn đâu những tuyển tập ca khúc STCo chuyền tay nhau hay những vở kịch mang đậm chất FPT…
May mắn là FPT vẫn còn những lãnh đạo vô cùng tâm huyết với văn hóa STCo, bản sắc do chính các anh tạo ra. Các anh vẫn ủng hộ và xuất hiện đều đặn trong những dịp “tụ tập vui vẻ” của FPT. Hy vọng rằng, với ngọn lửa cháy bỏng và sự truyền lửa mạnh mẽ từ các anh, chúng ta sẽ tạo nên một nét văn hóa STCo bất tử, luôn được tiếp nối và phát triển lên tầm cao mới. Để sau này mỗi khi nhắc về FPT, chúng ta đều có thể tự hào cất cao tiếng hát: “Đoàn FPT một lần ra đi, dù có gian nguy nhưng lòng không nề…”.
Nguồn: Chungta