Cách Samsung thúc đẩy nhân viên sáng tạo

Người khổng lồ ngành công nghệ ở Châu Á khuyến khích nhân viên theo đuổi các dự án sáng tạo khác với việc làm hàng ngày.

Hãy tưởng tượng được xây dựng doanh nghiệp riêng với sự hỗ trợ của công ty hiện tại, thậm chí được cung cấp nguồn lực và nghỉ làm những công việc hàng ngày để bảo đảm khoản đầu tư của bạn sẽ thành công. Đó dường như là ý tưởng rất khó thành hiện thực, nhưng điều này đang diễn ra tại Samsung.

Tập đoàn Hàn Quốc đang muốn thúc đẩy tiến bộ trong tương lai thông qua hỗ trợ nhân viên sáng tạo. C-Lab (Creative Lab) là mô hình được Samsung thiết lập từ năm 2012 nhằm nuôi dưỡng các ý tưởng kinh doanh và cung cấp công cụ, thời gian và nguồn lực cho nhân viên.

Chương trình này khuyến khích cách suy nghĩ tiến bộ bằng việc cho phép nhân viên phát triển ý tưởng, ngay cả khi nó không ăn nhập với các lĩnh vực kinh doanh hiện tại. Yêu cầu duy nhất là ý tưởng phải thực sự sáng tạo và được đồng nghiệp đồng tình. Kết quả cuối cùng sẽ là một sản phẩm hoặc dịch vụ mới có thể được phát triển thêm bởi Samsung, hoặc tự tách thành doanh nghiệp độc lập.

Samsung cho phép nhân viên tham gia C-Lab tập trung phát triển ý tưởng liên tục trong 6-12 tháng mà không cần làm việc thường ngày. Họ được tùy ý thử nghiệm nhằm thỏa sức sáng tạo. Giới lãnh đạo Samsung cho rằng biện pháp này sẽ mở khóa tiềm năng của nhiều nhân viên khi để họ làm những việc chưa từng trải nghiệm trước đó.

C-Lab được coi là tình huống đôi bên cùng có lợi. Nhân viên được thử nghiệm những điều khác biệt, trong khi Samsung duy trì lợi thế tiến bộ bằng cách chọn những cách tiếp cận khác biệt.

640-iKhie-n-6707-1593402030.png
Samsung triển khai mô hình C-Lab. Ảnh: Internet. 

Nó dựa trên những kinh nghiệm điều hành của Samsung ở Thung lũng Silicon, nơi chứng kiến môi trường start-up gần như bùng nổ vào năm 2012, với hàng loạt công ty được nhận các khoản đầu tư khổng lồ nhờ ý tưởng độc đáo và liên tục phát triển. Nó khác xa hình thức kinh doanh truyền thống, vốn phát triển mạnh mẽ trong quá khứ. Các start-up có thể hành động và thay đổi rất nhanh mà không bị cản trở bởi suy nghĩ truyền thống và tính quan liêu.

Điều hành start-up tương đối dễ dàng khi chỉ có vài người trong công ty. Một số lợi thế này có thể ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp, nhưng Samsung cũng phải đưa ra nhiều thay đổi mang tính căn bản để bảo đảm hiệu quả.

Một trong những yếu tố được áp dụng tại C-Lab là phương pháp tự quản lý (holacracy). "C-Lab không được điều hành bởi hệ thống thứ bậc của tập đoàn. Mỗi dự án có một trưởng nhóm và thành viên. Mô hình này hiệu quả vì nó cho phép mọi thành viên cùng tham gia làm việc, đóng góp và hợp tác cho đến khi dự án đạt kết quả. Họ không còn phải làm các công việc thường nhật, được thưởng dựa trên thành tích và khuyến khích đặt những mục tiêu thử thách để giúp bản thân thăng tiến", Stan Kim, một giám đốc tại C-Lab, cho hay.

Một trong những nguyên lý đáng chú ý nhất của C-Lab là "thất bại không phải điều xấu". Nó là một phần trong quá trình tìm hiểu, giúp những công ty sáng tạo hàng đầu tìm ra bước đột phá. Nếu nhân viên không sợ thất bại, họ có thể thử nghiệm mọi thứ và tạo ra những sản phẩm độc đáo, không thể xuất hiện trong môi trường bình thường.

Các nhóm tại C-Lab có thể làm việc một cách mềm dẻo, tùy chọn địa điểm và thời gian hoạt động. Lãnh đạo Samsung cho rằng họ có thể thu được nhiều lợi ích khi kết hợp khả năng điều hành mạnh mẽ và nền văn hóa có sẵn của một tập đoàn lớn với thử thách thúc đẩy những tổ chức nhỏ đầy sức sáng tạo.

Thảo luận ý tưởng cũng được thay đổi nhằm thúc đẩy sáng tạo. Mọi nhân viên Samsung đều có thể đề xuất hoặc đánh giá ý tưởng qua nền tảng thu thập dữ liệu MOSAIC hoặc email nội bộ. Họ có thể nộp ý tưởng dưới danh nghĩa cá nhân hoặc theo nhóm.

Các ý tưởng sẽ được đánh giá dựa trên tính riêng biệt, tiến bộ và khả năng đưa ra thị trường, sau đó phát triển sâu hơn với cách tiếp cận đề cao hiệu quả. Ý tưởng sẽ được chuyển sang giai đoạn bình chọn, nơi các lãnh đạo và nhân viên sẽ bỏ phiếu cho ý tưởng họ thích.

Giai đoạn trình bày và đánh giá cuối cùng được tiến hành trước một nhóm chuyên gia, những người sẽ đóng vai trò các nhà đầu tư mạo hiểm và lựa chọn ý tưởng họ muốn bỏ tiền đầu tư. Khoảng 15-20 ý tưởng vượt qua quy trình này mỗi năm và trở thành những dự án chính thức của C-Lab.

Các thành viên C-Lab sau đó bắt đầu phát triển ý tưởng thành một sản phẩm hoặc hình thức kinh doanh hoàn thiện. Trưởng nhóm có thể tuyển người qua chương trình tìm kiếm tài năng nội bộ. Những người còn lại theo đuổi mục tiêu chung và chọn cách tiếp cận tốt nhất. C-Lab được coi là dự án mở nên nhân viên có thể tuyển người từ ngoài Samsung nếu không tìm được thành viên phù hợp trong tập đoàn.

Khi dự án hoàn thành, những người liên quan chặt chẽ tới ngành kinh doanh chính (như TV hoặc thiết bị dân dụng) sẽ được chuyển tới các đơn vị cụ thể nhằm đưa sản phẩm ra thị trường. Những dự án không nằm trong cơ cấu kinh doanh có thể được hỗ trợ để trở thành start-up độc lập.

C-Lab được coi là mô hình khuyến khích sáng tạo tuyệt vời cho nhân viên. Samsung đầu tư nguồn lực để nhân viên xây dựng sản phẩm hoặc dịch vụ, đồng thời tư vấn về công nghệ và quản trị trong giai đoạn đầu để bảo đảm doanh nghiệp phát triển ổn định. Dù vậy, start-up của nhân viên vẫn có thể duy trì độc lập và không phụ thuộc vào tập đoàn.

Cùng thúc đẩy sáng tạo, nhưng FPT khác với Samsung ở chỗ, tập đoàn khuyến khích nhân viên - từ người làm công việc bình thường nhất, cho đến những cá nhân làm dự án - đều phải đổi mới và sáng tạo.

Tập đoàn đã xây dựng các chính sách để thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong nội bộ, nhằm không chỉ giúp cá nhân/tập thể tìm tòi sáng tạo để cải tiến, tăng năng suất cho chính mình mà còn mang lại những giá trị lớn hơn cho FPT.

Hai chính sách "Khuyến khích phát triển sáng kiến" và "Quản lý dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ" vừa được tập đoàn ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2020, là cách để FPT cổ vũ, tạo điều kiện đưa đến những cơ hội lớn cho cá nhân/tập thể sáng tạo.

Nguồn: Chungta
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn