Công thức nhạc chế STCo FPT không phải ai cũng biết

STCo là viết tắt của “Sáng tác Company” (dịch nôm na là “công ty sáng tác”). STCo đã có ngay từ những ngày đầu thành lập FPT. FiL - FUN is Life sẽ "bật mí" cho bạn công thức chế nhạc STCo ngay dưới đây nhé! 

*Bài viết có nguồn gốc từ anh Đinh Tiến Dũng - Giám đốc Sáng tạo FPT Telecom

PHẦN 1: LƯỢC SỬ NHẠC CHẾ

Người FPT chúng ta đương nhiên là ai cũng biết đến nhạc chế, có thể nói không ngoa rằng nhạc chế chính là một loại hình văn hóa đã song hành cùng với sự ra đời và phát triển của FPT chúng ta. Hướng tới kỷ niệm 30 năm FPT, hôm nay mình xin chia sẻ kiến thức về NHẠC CHẾ, ngõ hầu giúp mọi người hiểu hơn một chút về loại hình văn hóa này, đồng thời có thể chế được các bài từ đơn giản đến phức tạp.

Nhạc chế có từ rất lâu đời rồi, có lẽ từ khi ra đời các bài hát. Nhạc không phải ai cũng có thể viết được, nhưng lời thì nhiều người viết được. Phải một nghệ nhân quan họ có đai đẳng nào đó mới viết được làn điệu "Bèo dạt mây trôi", nhưng các cụ bà sinh hoạt trong Câu lạc bộ Bấm huyệt phường Đội Cấn cũng hoàn toàn có thể đặt lời mới cho nó mà chẳng cần phải hiểu âm luật Ngũ Cung hay Hò Xừ Sang Xê Cống Líu gì sất... Vì viết lời dễ thế mà nhạc chế đã ra đời và rất phổ biến trong đời sống văn nghệ của chúng ta đến mức chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền lúc 11h30 trên đài thường xuyên có những lời giới thiệu kiểu như: "Sau đây sẽ là bài "Mừng quê hương đổi mới" theo làn điệu "Bèo dạt mây trôi", lời mới của ABC"...

Nhạc chế dễ lan tỏa, vì trong 1000 người chắc có khoảng 10 người biết đọc bản nhạc và 1 người trong đó có khả năng diễn tấu lại được bản nhạc đó. Nhưng nhạc chế thì dựa trên giai điệu quen thuộc nào đó rồi, nên chỉ cần một văn bản viết lời mới gửi cho mọi người là có thể hát ngon. Thậm chí ngày nay có màn hình LED, cả hội trường ngàn người có thể hát theo ngay lời mới mà không cần phải tập luyện hay xướng âm gì...

Tây hay Ta thì nhạc chế cũng đều rất được ưa chuộm, ví dụ các cổ động viên bóng đá của MU chế bài "Brown girl in the ring" của Boney M thành bài cổ động các cầu thủ ghi bàn. Một người sẽ hát vang: "Rudvan Nestroy" số còn lại hát: "Sha la la la la", người lĩnh xướng lại lần lượt gọi tên các cầu thủ khác cho cả đám "Sha la la la la" tiếp. Ở Việt Nam, cũng là nhạc Boney M, bài "Bahama Mama" thì được bọn trẻ chúng tôi ngày xưa hát là: "Má má, có đứa sờ c ba. Sờ không thấy nó tức nó lăn ra đường". Láo thật...

Nhưng phải đến tận năm 1988, khi những nhà trí thức hàng đầu Việt Nam sau khi học tập từ Liên Xô về nước đói ăn lập ra FPT thì Nhạc chế mới được phát triển lên một tầm cao mới mà đỉnh cao là năm 2008, chúng ta đã bị cả xã hội xúm vào chửi cho như tát nước vào mặt và đủ thứ hệ lụy sau này...

Chấm hết - Ca khúc ngàn view trong cuộc thi STCo OKRs FTEL


PHẦN 2: CÔNG THỨC CHẾ NHẠC CƠ BẢN

Hi vọng sẽ giúp được các bạn khi phải chế nhạc cho các chiến dịch sale, chế nhạc cho bài hát "nhóm ca", "CLB ca" hoặc đơn giản là chế bài hát chúc mừng sinh nhật sếp. Tuy nhiên phải nói luôn là biết công thức là một chuyện, chế được ra hay không, hay bài hát có hay không thì lại là vấn đề... "hên xui". Nào chúng ta vào việc.

Bước 1: LÊN Ý TƯỞNG

Bất kỳ một sản phẩm sáng tạo nào thì lên ý tưởng là việc rất quan trọng. Nói to tát vậy thôi, nhưng thực tế thì ta cần trả lời mấy câu hỏi sau:

- Ta chế bài này để làm gì? (Ví dụ cho vui, để chửi, để động viên...)

- Bài hát chế này sẽ nói thông điệp gì? (Ví dụ để ca ngợi việc bán hàng xuất sắc, để đá đểu sếp bủn xỉn...)

- Bài hát này sẽ mang lại cảm xúc gì cho người nghe? (Buồn, Vui, Yêu, Giận).

Bước 2: CHỌN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN Ý TƯỞNG

Những bài hát chế thường đã có sẵn bản chất vui đùa, thiếu "nghiêm túc", do vậy nếu dùng nhạc chế để nói những vấn đề nghiêm túc, chuẩn chỉ thì người ta sẽ quy đó là ăn cắp nhạc. Do vậy thường ta sẽ chọn giải pháp đùa nghịch với người nghe. Có vài giải pháp đùa nghịch như sau:

- Nói quá lên.
Cái này không phải nói dóc hay nói phét, mà chỉ nói quá lên thôi. Người ta có 1 ta phải nói 20. Giải pháp nói quá sẽ làm tăng tính trào phúng cho vấn đề gì đó, làm nó ấn tượng hơn.

- Nói ngược lại.
Muốn chê ai đó ta có thể dùng khách khen. Ví dụ thay vì chê ai đó béo mập thì ta có thể khen họ quá hấp dẫn đến mức cả Trái đất cũng muốn hút chặt lấy họ... Hoặc để than lương thấp, ta sẽ khen lương cao quá thể đáng, cao đến mức người nhân viên chẳng biết tiêu thế nào, nên khổ không kém gì lúc không có tiền (Giống đói chẳng có gì để đi vệ sinh còn đỡ hơn là no quá mà không đi vệ sinh nổi ấy)

- Nói ám chỉ.
Ta mượn gió để nói mây. Miêu tả chó mèo lợn gà để ám chỉ mục tiêu... Nói chung chiêu này đùa phải duyên, không thành xỉ nhục nhau. Mất vui...

- Nói trực diện. Nếu chọn cách này thì phải chơi như điểm huyệt, trực diện nhưng phải chính xác và hiệu quả. Thường hơi khó.

STCo - Văn hóa đặc trưng không thể lẫn của FPT


Bước 3: CHỌN NHẠC

Nhạc chế đương nhiên là không thể thiếu khâu này. Tùy vào giải pháp mà ta sẽ có phương án chọn nhạc phù hợp. Nhưng thông thường, có mấy cái sau:

- Chọn giai điệu có sự quen thuộc với số đông khán giả. (Những bài hot, hoặc gắn với kỷ niệm thời 18 - 20 của khán giả, không hiểu sao lứa tuổi đó đặc biệt nhớ nhạc)ư

- Chọn giai điệu ít bị vấn đề bản quyển để tránh hệ lụy khi phát tán.
Nên chọn nhạc giao hưởng, dân ca, nhạc nước ngoài (vì bọn nó muốn đòi cũng lâu)... Nếu sản phẩm có tính thương mại thì phải mua bán đàng hoàng.
Tránh các bài "cúng cụ". Những bài nhạc gắn với những cá nhân, tổ chức nghiêm trang thì đừng có sờ vào. FPT tiện tay chế bài "Đoàn vệ quốc quân" mà còn khổ sở mãi đấy.

- Nên chọn nhạc có giai điệu không nhanh quá.
Tiết tấu có thể nhanh, vui, nhưng giai điệu thì nên đủ chậm để người nghe có thể nghe rõ lời, nhạc chế quan trọng nhất là lời, không nghe rõ thì chế làm quái gì.

- Chọn nhạc cho phù hợp ý đồ:
Ví dụ chửi ai đó trẻ con thì chọn nhạc trẻ con để ca ngợi sự chín chắn. Hoặc để cả ngợi sự phát triển vững chãi của FPT thì ta chọn nhạc bài Bèo dạt mây trôi...

BƯỚC 4: PHÂN CHIA LỜI THEO BỐ CỤC BÀI HÁT

Mỗi bài hát nó có những cấu trúc riêng, thường là có đoạn đầu gọi là đoạn A, đoạn điệp khúc ta gọi là B. Nếu đoạn đầu hát lại 2 lần thì ta có A và A', tương tự, có B và B', nhiều bài kết ở B cho cao trào hoặc lại quay về A rồi kết. Trước khi chế lời, ta nên chủ định trước đoạn này sẽ nói cái gì của chủ đề định trước. Ví dụ một bài chê sếp bủn xỉn ta sẽ phân chia:

Đoạn A: Nhân viên nơi khác sướng vãi.
Đoạn A': Lý do vì chúng nó có sếp hào phóng
Đoạn B (điệp khúc): Vậy tại sao sếp mình lại bủn xỉn thế?
Đoạn B': Cực điểm của đau khổ vì sếp bủn xỉn.
Quay về A: Thất vọng buồn khổ, sẽ ra đi. Hoặc đành chấp nhận sống trong đau khổ...

BƯỚC 5: CHẾ NHÁP VÀ CHẾ THẬT:

Chúng ta chế nhạc lâu vì thường mất công ngồi nghĩ một câu thật là ý nghĩa và hợp với nhạc. Điều này mất công lắm. Hãy chế nháp trước. Chúng ta dựa theo vần của lời hát gốc để sắp xếp bừa những từ có vần phù hợp vào, nếu từ đó có ý nghĩa cho đoạn chế thì càng tốt, còn nghe hơi ngu thì cũng kệ đã, lát hiệu chỉnh sau...Ví dụ: Ta chế bài hát chào mừng Đại hại Cổ đông FPT theo nhạc bài "Ra chơi vườn hoa".

Lời bài gốc:
Ra vườn hoa em chơi
Em không hái một bông hoa nào
Hoa sắc thắm nhìn em hoa cười
Nhưng cô bảo em đừng có hái
Bông hoa này là của chung...

Ta chế nháp bừa, nghe sẽ hơi ngu, nhưng kệ đi.
Ta làm việc chăm ngoan
Mục đích chính là để kiếm tiền...
Nhưng cố mãi mà không ra tiền
Nếu có tiền mua vạn cổ phiếu...
Công ty này là của chung...

Đấy, nói rồi mà, nghe ngu không, nhưng không quan trọng. Giờ ta phân tích, thấy cái câu cuối: "Công ty này là của chung", nghe rất đúng chủ trương phát hành cổ phiếu. Ai sẽ là người nói cái này? Sếp chứ ai. OK, vậy đoạn này ta sẽ chế thành ta mong tiền còn sếp thì cho cổ phiếu, ta viết lại thành:

Sau một năm chăm ngoan
Cứ đến Tết là em mong tiền
Mơ sếp sẽ thưởng cho em tiền
Nhưng sếp lại cho cổ phiếu
"Công ty này là của chung!"

Nghe khá hơn rồi đúng không?
OK, vậy phát triển tiếp đoạn 2. Vì nói về Đại hội cổ đông, nhìn chung đại hội cổ đông thì chỉ là cho ý kiến ý cò, nhưng thực ra cổ đông bé như ta chẳng được nói gì cả. Công ty này xét cho cùng vẫn là của các anh nhiều cổ phiếu. OK, vậy phát triển theo hướng đó.

Đến Đại hội cổ đông
Em có giấy mời em đến dự
Cho ý kiến vào các chiến lược
Nhưng sếp bảo em đừng ý kiến"Công ty này là của anh!!!"
Vậy là có bài hát mới rồi!

Một vài lưu ý:
- Bài hát sẽ hay hơn nếu được gieo vần cẩn thận trong lời chế.
- Hạn chế đến mức tối đa việc phải hát méo dấu cho hợp nhạc.
Ví dụ bài "Đoàn vệ quốc quân" ban đầu tên là "Đoàn giải phóng quân".
Để hát đúng nhạc thì thành "Đoàn giái phóng quân một lần ra đi". Vì thế mà người ta yêu cầu bác Điểu sửa. (cái này bác Điểu chia sẻ hôm đến gặp FPT nhà mình)
- Nếu chẳng may viết ra một bài hát không hay cũng chẳng sao. Coi đó là bản nháp.
- Những hoạt động có tính nghiêm túc cao thì nên tránh nhạc chế. Vì nhạc chế trong những sự kiện đó nó cũng giống như ta đi ăn cắp đồ cúng về thắp hương vậy.
- Chế lời một bài hát không quá khó, với kinh nghiệm trên 30 năm chế nhạc của mình (tôi chế nhạc từ khoảng 4 - 5 tuổi), tôi có đúc rút thành vài bí kíp nhỏ để chia sẻ với mọi người.

Đọc có vẻ đơn giản, nhưng bắt tay vào làm sẽ khó hơn một chút. Nhưng không sao, việc khó vốn chỉ là nhiều việc dễ gộp lại thôi mà. Chế bài hát nếu khó thì ta bắt đầu từ việc chế lại từng từ, từng cụm từ, từng câu, từng khổ... Rồi mọi thứ cũng sẽ xong.

Nguồn: Group Phong trào FTEL [FiL] 
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn