Trong đời mình, ông Sáu nhiều đêm mở mắt từ ba giờ sáng. Ông phấp phỏng nghe tiếng người đi qua cây cầu ván trước nhà.
Là vì thỉnh thoảng có người trong ấp đi chợ sớm, đi khám bệnh, bị té từ trên cầu xuống nước do ván mục và trơn. Năm ngoái có người bị bể xương bánh chè, đi bệnh viện mất hơn 60 triệu đồng. "Tôi buồn quá", ông kể. Rồi có mấy người nữa, đi bán hàng đêm khuya qua cầu, ngã, đổ hết cả thịt, bánh với rau xuống mương. Học sinh bị ngã do trơn trượt. Xe cấp cứu và taxi không qua được cầu, dân phải đi bằng vỏ lãi hay xe máy nếu cần đến bệnh viện.
Ông Lê Văn Sáu, 62 tuổi, sống ở ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ từ nhỏ. Năm 2012, ông làm cây cầu ván đóng đinh qua con kênh trước nhà cho bà con đi lại. Do cầu chỉ rộng chưa đầy 2 mét, không lan can, chênh vênh và trơn trượt khi mưa nên nhiều người bị ngã. Ông tự thấy mình có trách nhiệm với những thương tích của bà con.
61 năm sống ở ấp Thạnh Hưng là bấy nhiêu thời gian ông Lê Văn Sáu
tìm cách loay hoay đi qua dòng kênh.
"Trước ở cây cầu này tai nạn dữ lắm luôn", ông Sáu nói. Con kênh Nhà Vuông bề ngang khoảng chục mét trước nhà ông ngăn cách ấp trên và ấp dưới, khiến người hai ấp muốn đến nhà nhau phải vòng qua hơn một km đường ruộng. Bọn trẻ đi học phải dắt bộ xe đạp hay lội bộ trên đường đất, trời mưa rất cực. Có đứa ngã bẩn cả quần áo. Rồi ông rất buồn phiền khi phong thanh người ta nói: "Mấy người không có ai nên thân, bắc cầu thì làm cho đàng hoàng tử tế, chứ cầu mà tai nạn coi sao được". Ông Sáu nghĩ "họ chửi mình cũng đúng", nhưng ông chưa biết tính sao.
Việt Nam đã qua chiến tranh và đạt các thành tích lớn về giảm nghèo, nhưng hôm nay vẫn còn hàng nghìn người bị thương vong bởi giao thông tạm bợ. Ngay bây giờ, khi ta đang đọc bài báo này, tại ĐBSCL, hàng triệu người hàng ngày vẫn phải vượt qua các cây cầu tạm, cầu khỉ, cầu ván để đi làm, đi học.
Cây cầu cũ tại ấp Lân Quới 1, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh. Cầu Hy vọng đã thay thế cầu này.
Một số báo quốc tế bình chọn cầu khỉ Việt Nam là một trong những loại cầu "đáng sợ và nguy hiểm" nhất thế giới. "Thời chiến, nông thôn Bến Tre bị bắn phá. Thời bình lại là vùng sâu, đường đất lầy lội, năm nào cũng có trẻ nhỏ té cầu khỉ chết", ông Mai Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói.
Chất lượng sống và trạng thái tâm lý tiêu cực này có thể cải thiện thông qua sự sẵn sàng chung sức của cộng đồng trong việc cung cấp hạ tầng tốt hơn tại ĐBSCL. Để cuộc sống, học hành, sinh kế, sức khỏe của hàng triệu người dân không bị chặn lại bởi những dòng kênh, từ năm 2018, quỹ Hy vọng đặt mục tiêu "xây ít nhất 100 cây cầu bê tông tại ĐBSCL". Đến hôm nay, hơn 100 cây cầu bê tông sơn trắng mang tên Hy vọng đã và đang mọc lên ở các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp.
"Tôi ở đây hơn 40 năm, lần đầu tiên ô tô có thể đi từ ấp bên sang", bà Hai, người ấp bên nhà ông Sáu kể, "bữa rày có người ban đêm đi cấp cứu, phải bê ổng xuống ghe chở ra bệnh viện hết một tiếng rưỡi đồng hồ". Từ ngày có cây cầu mới do Quỹ Hy vọng tài trợ, chở người bằng xe máy hay gọi taxi đi khám chỉ mất 20 phút. Con cháu sau này đi về tối không bị rớt xuống sông.
Bà Hai vui nhất là nông sản không còn bị thương lái ép giá do khó vận chuyển. Có cầu, người dân trực tiếp chở hàng ra trung tâm xã, huyện để bán hoặc ô tô mua hàng vào tận nơi. Giá lúa năm nay bán được cao hơn 500 đồng một ký. Giá rau màu, ớt, dưa, cam bà con bán được tăng thêm vài trăm đồng mỗi ký sau khi có cây cầu.
"Tôi đã chờ cả đời để đi trên cây cầu bê tông", ông Nguyễn Hùng Em ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, Cần Thơ tâm sự. Cầu Xáng Cụt, con đường đi lại hàng ngày suốt 15 năm qua của lão nông 70 tuổi và bà con ở xóm được dựng bằng gỗ, bề ngang chỉ khoảng một mét, không có thành cầu che chắn và hầu như chỉ có thể đi bộ. Cả xóm nghèo bao năm qua không đủ tiền để xây một cây cầu bê tông. "Tôi mừng phát điên luôn. Tôi sung sướng lắm", lão nông cười. Ông Lương Hồng Sinh phân tích: "quan trọng nhất là cho tương lai của con cháu".
Những cây cầu Hy Vọng đã góp phần thay đổi diện mạo giao thông nông thôn ở địa phương.
Nhờ những người bạn, doanh nghiệp, độc giả, chương trình "Nâng bước em đến trường" của Quỹ Hy vọng trong hơn hai năm qua vẫn đang liên tục lên những nhịp cầu mới. Những cây cầu cao 4 đến 5 mét, dài 10 tới 20 mét, rộng 3,5 tới 4,7 mét, độ thông thuyền 20 đến 25 mét, tuổi thọ tối thiểu 15 năm đã kết nối hàng nghìn con người và cộng đồng, cải thiện thu nhập và đời sống cho cư dân sông nước.
Quỹ Hy vọng - được vận hành bởi FPT và Báo điện tử VnExpress - tin rằng, khi trao đi những cây cầu chắc chắn và an toàn cho cộng đồng, những cá nhân, gia đình, độc giả của báo VnExpress đang trao đi hàng triệu cơ hội tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là cách ta có thể giúp cải thiện cơ hội giáo dục và hiệu quả kinh tế, tạo ra một xã hội bình đẳng và tiến bộ. "Lòng nhân ái cần lan tỏa", chị Trương Thị Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT kiêm Chủ tịch Quỹ Hy vọng nói, "Chúng ta có thể làm bất kỳ việc gì dù là nhỏ nhoi, triệu triệu hạt cát sẽ tạo nên điều kỳ diệu".
Chương trình "Nâng bước em đến trường" vẫn đang đón nhận sự giúp đỡ của quý độc giả cho mục tiêu mới: 150 cây cầu Hy vọng tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2021. Độc giả quan tâm tham khảo tại đây.
Quỹ Hy vọng (tên tiếng Anh: HOPE Foundation) là quỹ xã hội từ thiện được bảo trợ bởi FPT và báo VnExpress, có quy mô hoạt động trên toàn quốc với 2 dự án chính: xây trường ở vùng núi cao ở phía Bắc và xây cầu ở phía Nam.
Cạnh đó, Quỹ sẽ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin, trợ giúp các dự án xã hội, người khó khăn... Quỹ Hy vọng còn xây dựng và tài trợ các chương trình, dự án xã hội, từ thiện tại những vùng khó khăn; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ người nghèo, mồ côi; gia đình có công với cách mạng và một số hoạt động xã hội từ thiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Quỹ Hy vọng sẽ tiếp nhận tài sản được tài trợ, viện trợ theo ủy quyền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiếp nhận tài sản tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác để tạo nguồn vốn của Quỹ.
Nguồn: Chungta