Người FPT vốn trọng tình. Chữ tình cũng góp nhiều vào thành công của FPT ngày hôm nay. Bước qua một thời kì mới, Tập đoàn chuẩn bị vượt qua ngưỡng 10 ngàn người và đã bước một chân vào công cuộc toàn cầu hoá, chữ tình có còn vai trò như đã tồn tại trong thời gian? Chúng ta có cuộc trao đổi với anh Trương Gia Bình, TGĐ FPT, người khởi xướng các lý thuyết quản trị của FPT.
Khi nói về những vấn đề nội tại của FPT trong giai đoạn hiện nay, TuấnLA, PGĐ FIS ENT HCM (2007) có ý kiến cho rằng:“Nhưng cuộc chiến ở bên trong sẽ khó. Trước kia FPT ở quy mô nhỏ thì thường dùng nhân trị; nay FPT lớn phải dùng pháp trị…”. Anh có suy nghĩ gì về ý kiến này và theo anh, chúng ta đang Nhân trị hay Pháp trị?
Có một người trong nhóm FPT mở rộng là Nguyễn Trung Hà đã đưa ra mô hình tam trị là Đức trị - Nhân trị - Pháp trị. Anh Hà nói rằng Bác Hồ là một hình mẫu cho đức trị. Ở đây, người lãnh đạo cần có đạo đức và đạo đức này toả sáng để mọi người noi theo. Nhân trị là lãnh đạo bằng lòng yêu thương, biết chăm sóc mọi người, lấy vật chất làm động lực cho nhân trị. Pháp trị là anh phải làm tròn bổn phận trong khuôn khổ, hệ thống, gắn liền giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Tam trị đó xoay vòng, mỗi một giai đoạn thì một trong các phương thức đó được phát huy.
Hình ảnh Chủ tịch Trương Gia Bình tại chương trình lễ kick-off 30 năm FPT.
Cá nhân tôi cho rằng cần có sự hài hoà giữa các phương pháp này, trong Đức trị phải có Nhân trị, trong Nhân trị phải có Pháp trị. Mỗi giai đoạn có thể phải nhấn mạnh một khía cạnh nào đó.
Hiện nay có luồng ý kiến cho rằng chúng ta quá mềm mỏng trong công tác cán bộ. Dẫn chứng là FPT gần như chưa cách chức hay đuổi việc ở cấp lãnh đạo. Thế nhưng tình hình mới đòi hỏi những người lãnh đạo máu lửa hơn, có động lực hơn, tập trung hơn.
Chúng ta đã đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân vào quản trị kinh doanh. Chúng ta tự hào và đã học được rất nhiều từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, khi nói về vấn đề trong chiến tranh có ai bị đuổi hay không, có tướng lĩnh, sĩ quan nào bị hạ cấp, bị đổi vị trí hay không, đã trả lời là: Không.
Nguyên tắc của quân đội là anh đánh 3 trận thắng sẽ được lên chức, đánh 3 trận thua là chuyển ngang. Phương châm công tác cán bộ của FPT cũng như vậy. Người ta không thắng nghĩa là người ta không phù hợp ở vị trí đó. FPT không phải là không có cách chức mà chúng ta giải quyết các vấn đề bằng các hoạt động sáp nhập, giải tán hướng kinh doanh không hiệu quả, tìm một cơ hội khác cho cán bộ của mình. Có những trường hợp cán bộ tự mình tìm một vị trí phù hợp hơn, nhường chỗ cho các bạn trẻ có năng lực.
Trích đoạn phỏng vấn của Chủ tịch Trương Gia Bình trên một tạp chí giấy.
Tuy vậy, FPT vẫn hết sức cương quyết trong những trường hợp vi phạm đạo đức kinh doanh FPT.
Hiện nay, phong cách quản lý của các lãnh đạo FPT rất khác nhau. Có chỗ nặng về Pháp trị, có nơi thiên về Nhân trị. Nhóm trung dung chiếm đa số. Tuy nhiên dường như chúng ta vẫn chưa có một cơ sở pháp lý rõ ràng cho nền Pháp trị nên bức tranh tổng thể vẫn rất phức tạp.
Điểm then chốt là hài hoà. Hài hoà ở đây là hài hoà giữa tam trị, hài hoà với môi trường cụ thể của các đơn vị. 19 năm qua, về cơ bản là lãnh đạo và nhân viên FPT đã có nhiều cố gắng. Có thế, Tập đoàn FPT mới có những bước phát triển vượt bậc như vừa qua. Đến nay, trong bối cảnh mới, với những nhiệm vụ mới, những thách thức lớn hơn, FPT cần nâng cao vai trò pháp trị trong toàn tập đoàn. Điều này có nghĩa là mỗi một vị trí cần có nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và việc đánh giá cán bộ phải dựa theo các nhiệm vụ đó. Công tác kế hoạch phải nghiêm khắc hơn nữa và những trường hợp cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ phải được xem xét.
Như anh có nói tới ở trên, Bác Hồ là người nổi tiếng dùng lòng Nhân để thu phục con người nhưng Bác cũng luôn kêu gọi việc xây dựng một nhà nước Pháp quyền, kết hợp giữa giáo dục đạo đức và thực hành pháp luật. Anh có thể chia sẻ suy nghĩ của Anh về việc áp dụng tư tưởng của Bác trong việc xây dựng phong cách quản lý FPT?
Bác Hồ là một vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, là ngọn đuốc soi đường dẫn dắt nhân dân ta viết nên những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc. Cuộc đời Bác là một tấm gương lớn về đạo đức, lòng nhân ái, về văn hoá. Bác hết lòng yêu thương đồng bào. Đặc biệt Bác cũng rất nghiêm túc thực thi pháp luật, xử lý các trường hợp cán bộ của mình có tình, có lý. Nếu FPT học được phần nào nghệ thuật lãnh đạo của Bác thì tương lai của FPT sẽ vô cùng tươi sáng. Bác luôn luôn nhấn mạnh về nhà nước pháp quyền, trong đó người dân được sống trong Tự do, Dân chủ và Hạnh phúc. FPT sẽ đi theo con đường đó, trong đó từng giai đoạn sẽ sử dụng một cách hài hòa các phương pháp tam trị.
Bàn luận: Bài viết này được Chủ tịch chia sẻ từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể nhìn về lại quãng đường FPT đã đi qua sẽ thấy các lý thuyết quản trị này vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển thích ứng với từng giai đoạn. Ví dụ, gần đây nhất chính là đại Dịch Covid đã gây ra những khủng hoảng toàn cầu, ngay lập tức FPT phát động cuộc chiến tranh toàn dân thời kỳ mới để cùng vực dậy qua những khủng hoảng mà dịch bệnh gây ra, luôn đảm bảo công việc cho tất cả CBNV và vận hành công ty.
Nguồn: Bảo tàng FPT (2007)