Logo FPT lần đầu tiên xuất hiện với hình ảnh ghép tên 8 người sáng lập, có nhiều chi tiết và trừu tượng.
Hình ảnh logo FPT đã dần trở nên thân thuộc với nhiều người bởi tính phủ rộng của thương hiệu không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Logo FPT đã trải qua hai lần thay đổi, mỗi hình ảnh mang những câu chuyện, màu sắc, ý nghĩa khác nhau.
Logo FPT đầu tiên - Tên thành viên sáng lập (năm 1988 - 1990)
Logo đầu tiên của FPT được cấu tạo từ 4 giọt lệ và có tên chữ cái của hầu hết thành viên sáng lập.
Ảnh: Bảo tàng FPT.
Ông Phạm Hùng là người thể hiện tác phẩm này dựa trên ý tưởng của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình với yêu cầu: “Ấn tượng, mang tính riêng biệt, đậm nét Á Đông và phải bao hàm các chữ cái đầu tiên của những người sáng lập”. Logo này tồn tại đến năm 1990 và sau đó nhanh chóng biến mất, không để lại bất cứ một dấu tích nào.
Chủ tịch FPT từng mô tả: “Logo được xây dựng bằng bốn mẫu từ hai hình: một que, một dấu hỏi. Trông logo này vừa đặc sắc, vừa như chữ Tàu, vừa như chữ Tây, mà có thể hiểu có chữ đầu tiên của tất cả mọi người: Bình, Kỳ, Hùng, Tiến, Phan, Thăng, Cẩn, Bảo, Nam… Điểm dở của logo này là nó quá hay. Vì nó quá hay nên ít ai hiểu”.
Ông Lê Thế Hùng nhận xét: “Một cái logo tôi rất thích mặc dù chẳng hiểu gì, nhưng không được chấp nhận làm logo của FPT vì anh Bình nói nó quá trừu tượng”.
Theo ông Đỗ Cao Bảo miêu tả: “Logo FPT này gồm 4 giọt lệ, giọt trên cùng như đường lượn phía trên của chữ f. Giọt lệ thứ hai nằm ngang dưới giọt lệ thứ nhất vừa như nét gạch ngang của chữ T vừa như nét gạch ngang của chữ f. Giọt lệ thứ 3, nằm dưới hai giọt lệ trên, chạy dọc tiếp theo nét dọc của giọt lệ thứ nhất, như là nét đứng của chữ T và chữ P (hoặc phần tiếp phía dưới của chữ f). Giọt lệ thứ 4 hình vòng cung ôm lấy giọt lệ thứ 3 như nét vòng của chữ P. Bản logo FPT đầu tiên này bao gồm tên chữ cái của hầu hết những người sáng lập FPT như chữ Bình (Bình, Bảo), chữ K (Kỳ), chữ T (Tiến), chữ H (Hà, Hùng), chữ N (Nam), chữ M (Mai)”.
Logo FPT thứ hai - Nhiều màu sắc (năm 1991 - 13/9/2010)
Logo thứ hai được dùng trong một thời gian khá dài. Ảnh: Bảo tàng FPT.
Năm 1991, sau một thời gian hoạt động, FPT đã phát triển vượt bậc, ý tưởng của anh Trương Gia Bình về một tập đoàn công nghệ đã hình thành rõ nét. Với ý tưởng này, logo FPT cũ có vẻ không phù hợp. Anh Bình quyết định thiết kế logo mới cho FPT với tư tưởng tập đoàn công nghệ, dùng màu sắc để vừa gây ấn tượng, vừa dễ nhớ.
Tên công ty sẽ viết trên nền màu và tùy tên của "công ty con" trong tập đoàn FPT mà có chữ thích hợp. Anh Trương Văn Nội, họa sĩ, bạn học của anh Bình và Bùi Quang Ngọc được giao thể hiện ý tưởng này. Hơn 10 mẫu logo được vẽ. Tất cả các logo này đều có hình bình hành, chỉ khác nhau hai điểm là tổ hợp 3 màu được tạo nên nền logo và kiểu chữ của 3 chữ F, P và T. Trong đó có hai kiểu chữ chính là kiểu 3 chữ viết thẳng hàng và kiểu chữ P thấp hơn 2 chữ F và T.
Anh Bình dùng phương pháp bỏ phiếu chọn logo. Hơn chục mẫu logo mới được dán lên bảng đen ở hàng lang nhà làm việc (tầng 2, trường THCS Giảng Võ, Hà Nội), ai chọn logo nào thì ký tên vào logo đó.
Sau một tuần có 13 người ký vào logo có ba màu xanh, lam và xanh lá cây và chữ P viết thấp hơn hai chữ F và T, còn các mẫu khác thì chỉ có từ 1 đến 5 người ký.
Logo FPT thứ ba - Hội tụ và kế thừa (13/9/2010 - Nay)
Logo FPT lần thứ ba có những nét cong dựa trên đường tròn hội tụ những tinh hoa FPT. Đường tròn thể hiện hình ảnh lan tỏa sức mạnh từ những ứng dụng mang đến cho cộng đồng. Những đường cong uyển chuyển liên tiếp, có xu hướng vươn lên, tựa như những ngọn lửa sinh khí mạnh mẽ luôn bừng lên đầy năng động.
Kiểu dáng 3 khối màu quen thuộc được tạo góc nghiêng 13 độ so với chiều thẳng đứng. Số 13 là con số linh thiêng luôn gắn bó với lịch sử thành lập và thành công của FPT - tạo cảm giác đi tới vững vàng.
Logo kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi của Thương hiệu FPT với 3 màu đặc trưng khá nổi bật. Màu cam được nhấn mạnh trong logo như sự ấm áp của mặt trời là màu tràn đầy sinh lực, năng động, trẻ trung và kích thích nhiệt huyết sáng tạo cho một thế giới tốt đẹp hơn. Màu cam cũng là màu thân thiện và cởi mở, thể hiện sự sẵn sàng chia sẻ, gắn kết trong cộng đồng.
Màu xanh lá cây trong logo bổ trợ cho ý nghĩa sức sống mạnh mẽ, hòa với tự nhiên. Đó là màu của sự thay đổi và phát triển. Màu xanh dương đậm là màu của năng lượng tự nhiên xuất phát từ vũ trụ. Màu xanh dương tạo cảm giác mạnh mẽ và liên tưởng đến trí tuệ, tính bền vững và thống nhất.
Nguồn: Dự án Bảo tàng FPT