(11/1996) Chỉ sau 2 tháng chính thức công bố, TTVN đã tăng gấp 6 lần số thành viên của mình. Đó là một sự thành công đáng kinh ngạc, trong sự tồn tại của nhiều mạng khác. Có thể kể vô số nguyên nhân làm nên kỳ tích đó. Nhưng theo tôi, lý do đơn giản và chủ yếu nhất nằm ngay trong tên gọi của mạng "Trí tuệ Việt Nam".
Lâu nay, chúng ta đã quá quen với các lập luận tự ti, cho rằng mình đã quá lạc hậu so với thế giới. Chúng ta cũng đã từng biết đến những sự huênh hoang rằng chúng ta cũng chẳng cần đến thế giới. Trí tuệ Việt Nam đâu có phải như vậy, hàng bao năm nay chưa bao giờ chúng ta tỏ ra là những người đần độn, cũng chưa bao giờ chúng ta mang tiếng là một dân tộc đóng cửa và không cởi mở. Vậy tại sao hôm nay năm 1996, chúng ta lại có thể lạc hậu. Máy móc, nhà cửa, thiết bị... có thể lạc hậu, nhưng tôi tin chắc rằng con người Việt Nam không hề lạc hậu.
Cái mà chúng ta cần duy nhất thực ra là một môi trường, nơi mỗi người đều có thể đóng góp những tài năng của mình. Những con người thông minh tạo dựng nên một môi trường thông minh, nhưng ngược lại, một môi trường thông minh chắc chắn cũng mang lại những cảm hứng sáng tạo.
Anh Nguyễn Thành Nam - Phó CT HĐQT Đại học FPT - Hiệu trưởng Đại học FUNix
TTVN là một môi trường thật sự bình đẳng. ở đó không có ai độc quyền về thông tin. Cũng không có ai áp đặt thông tin cho ai. Tất cả cùng tham gia và tất cả cùng có lợi. Tôi nghĩ đó là bí quyết của sự lớn mạnh của TTVN. Hãy nhìn vào nội dung các vấn đề mà TTVN quan tâm: Xu hướng phát triển của Viễn thông và Phần mềm, Bản chất của văn hóa Việt Nam, Đâu rồi sự lãng mạn và trong trắng, Câu lạc bộ những bài ca điện tử, Kinh nghiệm thành công và thất bại, Nền chính trị thế giới và con người của thời đại mới... để thấy tầm vóc của mới chỉ là một phần rất nhỏ của Trí tuệ Việt Nam.
TTVN cũng không phải là những người say sưa với thành công tạm thời. Hộp thư Y-kien đầy ắp những đóng góp chí tình cho chúng tôi, là những người có vinh dự và trọng trách đảm nhận việc quản trị mạng. Tôi thực sự cảm động trước tấm lòng của PTE.THYND và HUENT đã ghép lời và phổ nhạc bài hát của TTVN, trước cảm xúc "Sài Gòn, những đêm mất ngủ" của PTE., trước những bài điểm báo của GIANGNAM mà tôi nghĩ về chất lượng không hề thua kém mục Thế giới Tuần qua của VTV, trước sự khiêm tốn và thủy chung của UNDP.DMU trong box tho-ca... Không kể xiết. Thú thật, khi khởi đầu TTVN, chúng tôi không dám mơ ước đến điều đó. Chúng tôi đã chưa thật sự hiểu rằng thế nào là Trí tuệ Việt Nam.
Chính vì thế con đường phía trước của TTVN sẽ ngày càng vất vả. Trong dịp Noel năm nay, tại Hà Nội sẽ chính thức ra mắt những quán cafe TTVN, điểm tụ tập của những thần dân TTVN, nơi chúng ta có dịp thử sức mình với những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới: Multimedia và Net. Những đề án tương tự cũng đang được xúc tiến tại HCM. Trong khi đi tìm những người đồng chí để triển khai ý tưởng này, chúng tôi đã gặp sự nhiệt tình và chuẩn bị không ngờ của những người tưởng chừng như chưa bao giờ biết đến Tin học. Họ đều khiêm tốn mà nhận rằng hoàn toàn là những người ngu dốt, nhưng suy nghĩ của họ đáng để cho những nhà Tin học hàng đầu suy nghĩ. Tôi lại lan man nghĩ đến mục tiêu phải có 20000 chuyên gia tin học đến năm 2000 trong kế hoạch IT 2000 của Chính phủ. Con số này thực sự là không tưởng nếu biết rằng tất cả các trường Đại học của Việt Nam hàng năm cho ra đời chỉ khoảng 500 kỹ sư tin học. Nhưng con số này cũng chẳng phải là xa vời nếu mỗi chủ quán cafe đều đang ấp ủ giấc mộng TTVN. Đó là sức mạnh của Trí tuệ Việt Nam.
Cũng trong tháng 12 này, TTVN sẽ chính thức cung cấp các dịch vụ gửi/nhận thư đi Internet. ở đây vấn đề khó khăn nhất không phải là kỹ thuật mà của việc quản trị tính phí và thu tiền. Thật tình bây giờ chúng tôi vẫn chưa có một giải pháp tối ưu cho việc đó. Tuy nhiên kinh nghiệm đã dạy chúng tôi rằng không có việc gì khó nếu thực sự chúng ta dựa vào Trí tuệ của nhân dân, Trí tuệ Việt Nam.
Hãy cùng nhau tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Nguyễn Thành Nam
Nguồn: Foxnews