3 hành động nhỏ ghi điểm lớn nơi công sở

Có những hành động tuy nhỏ, bản thân chúng ta không để ý nhưng người khác lại thấy rất rõ. Để ý một chút này sẽ giúp bạn ghi điểm lớn trong mắt sếp và những người đồng nghiệp. Cùng điểm danh những hành động “nhỏ mà có võ” này nhé. 


Mang giày

Nhiều bạn, đặc biệt là những bạn thường xuyên ngồi trong văn phòng thường có thói quen bỏ giày đi chân không hoặc đi dép lào trong văn phòng. Nhưng hãy thử tưởng tượng, bất chợt bạn nhận được cuộc điện thoại và phải đi ngay lập tức, hay khách hàng đến mà không hẹn trước trong lúc bạn đang mang một đôi dép lào, thì sao nhỉ? 

Thay vì đi dép lào, hoặc chân không bạn có thể để sẵn ở văn phòng một đôi giày ‘lười’ (giày không dây), đế bệt, form thoải mái với chất liệu siêu thoáng mát để bạn có thể thoải mái khi ngồi làm việc và đi lại trong văn phòng. Chọn những thiết kế đơn giản, tối màu để đôi giày không “đối chọi” với lựa chọn quần áo của bạn mỗi ngày.

Một đôi giày lười, vừa thoải mái mà trông bạn vẫn chỉn chu

Hãy nhớ rằng, văn phòng của bạn sẽ có người bước vào bất kỳ lúc nào: là đối tác kinh doanh, sếp tổng, đồng nghiệp mới, thậm chí vợ/chồng tương lai của bạn… Chắc chắn bạn không muốn tạo ấn tượng ban đầu với một đôi dép lào, hay một đôi chân không đâu đúng không. 


Giữ cửa cho người đi sau

Khi mở cửa bước vào văn phòng, bạn nên quay lại xem có ai sắp bước vào không và giữ cửa cho họ. Theo phép lịch sự, thường thì nam giới sẽ luôn giữ cửa cho phụ nữ hay người trẻ luôn để ý giúp người già. Tuy nhiên, dù bạn là ai và người đi sau bạn có là ai, thì bạn cũng nên giúp họ giữ cửa. Đây là một hành động tuy nhỏ nhưng ghi điểm rất lớn, thể hiện sự ân cần, chu đáo của bạn với đồng nghiệp.

Và đừng quên, khi ở trong thang máy cũng vậy, nếu bạn đang đứng gần bảng điều khiển thì hãy giữ nút cửa mở để ai đó bước vào hoặc ra một cách an toàn. Có thể bạn cũng sẽ nhận lại được lời cảm ơn đó từ hành động nhỏ này đấy. 


Đợi thang máy ở hai bên cửa

Người trong thang máy chưa kịp ra, người ngoài thang máy đã chen vào. Đây là cảnh tượng khá quen thuộc mỗi lần đi thang máy, đặc biệt là vào giờ cao điểm. 

Để “giao thông” trong tòa nhà thuận tiện và an toàn hơn, bạn hãy đứng đợi thang máy ở bên trái hoặc bên phải thay vì ngay sát trước cửa thang. Và hãy nhớ đợi người bên trong ra hết rồi mới bước vào.


Để ý một chút, để mỗi hành động nhỏ của bạn đều trở thành ấn tượng tốt trong mắt đồng nghiệp nhé! 

Han
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn