“Cuộc sống của 4 người chúng tôi khi đó không chỉ là công việc mà còn thân thiết với nhau như ruột thịt. Tất cả đều gắn với sự bắt đầu của FOX”, anh Lã Hồng Nguyên nhớ lại.
Cách đây gần 20 năm (ngày 31/1/1997), Viễn thông FPT được “thai nghén” từ hoài bão của chàng thanh niên trẻ Trương Đình Anh. Cùng những cộng sự của mình, anh đã tạo nên đứa “con đẻ” FPT Telecom vững mạnh với hơn 12.000 CBNV, chi nhánh phủ khắp 59 tỉnh thành, doanh số đạt trên 3.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng luôn trên mức 20% như ngày hôm nay.
Anh Lã Hồng Nguyên (người đeo kính) và anh Nguyễn Văn Khoa (người ngồi máy) thời đầu của FOX. Ảnh: Bảo tàng FPT.
FOX (FPT Online Exchange, tiền thân của FPT Telecom) được vận hành với 4 thành viên đầu tiên: Trương Đình Anh, Chu Thị Thanh Hà, Lã Hồng Nguyên và Nguyễn Thị Huệ. Khi đó, anh Đình Anh là người viết chương trình phần mềm Trí tuệ Việt Nam (TTVN). Anh Nguyên phụ trách kỹ thuật. Chị Huệ chịu trách nhiệm nội dung thông tin. Còn chị Hà đảm nhiệm marketing, phát triển khách hàng.
Những ngày đầu, FOX chưa tạo ra doanh thu, lợi nhuận nên ai cũng sốt ruột. Suốt năm 1997, cả nhóm lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Việc đau khổ nhất của Đình Anh là phải nghĩ cách đối phó với anh Trương Gia Bình vào các buổi họp giao ban sáng thứ Hai, khi anh hỏi câu quen thuộc: Mạng TTVN có tiến bộ gì? Anh phải vắt óc nghĩ ra những biểu đồ phức tạp để minh họa cho sự tiến bộ từng ngày. Anh thậm chí gần như stress khi lòng kiên nhẫn và sự sáng tạo bị vắt kiệt.
Tháng 8/1997, dự đoán Nhà nước sẽ cho phép cung cấp dịch vụ Internet và FPT sẽ được cấp phép, anh trình Ban TGĐ FPT đề án xin đầu tư thiết bị để cung cấp dịch vụ Internet. Số tiền rất khiêm tốn - khoảng 70 nghìn USD. Tuy nhiên, sau nhiều vòng thẩm định, anh Bình vẫn chưa đồng ý.
Nản lòng, anh muốn rời khỏi FPT để tìm cơ hội mới nên đã nộp đơn xin nghỉ phép gộp 4 tuần vì cảm thấy “ở đây còn có việc gì để làm nữa đâu”. Nộp đơn lúc 8h sáng thì 9h anh Bình đã triệu tập và đồng ý đầu tư để chuẩn bị cung cấp dịch vụ Internet. Từ bước ngoặt đầu tiên ấy, anh Đình Anh đã điều hành, chèo lái con tàu FPT Telecom một cách vững vàng cho đến năm 2011 anh trở thành TGĐ thứ ba của FPT và sau đó từ nhiệm vào tháng 9/2012.
Suốt những năm tháng dựng xây và phát triển FOX, với sự cẩn thận, thông minh, chị Chu Thanh Hà được coi là cánh tay phải đắc lực và là người luôn hiện thực hóa những ý tưởng của anh Đình Anh. Chị còn được mệnh danh là “nữ quản gia” của FPT Telecom và có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của công ty.
“Hà là người cẩn thận, trách nhiệm và tiết kiệm. Đã nhận việc gì thì sẽ cố làm đến cùng. Hà cũng có "background" tốt về quản trị. FPT Telecom có được hiệu quả cao như ngày hôm nay có phần rất lớn của Hà”, anh Đình Anh nhận xét.
Chị Hà cũng là người duy nhất trong 4 người đầu tiên còn gắn bó với FPT Telecom đến tận hôm nay và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Chính “trái tim ấm, tinh thần thép” và quan niệm “coi việc công ty như việc nhà” của chị đã dẫn dắt FPT Telecom vượt qua mọi sóng gió.
Anh Trương Đình Anh (áo trắng, cầm hoa) trong lễ diễu hành của FOX dịp 13/9. Ảnh: Bảo tàng FPT.
Với tài viết lách, ngày ấy chị Nguyễn Thị Huệ phụ trách phát triển mảng nội dung cho FOX. Những kỷ niệm vui nhất thời kỳ đầu của chị là viết các câu chuyện trên mạng TTVN. Khi đó “Thúy Hạnh” là account rất hot do chị phụ trách, có nhiều fan nhờ việc đăng nhiều chuyện hấp dẫn lên mạng.
Những năm 1996-1997, trong giải bóng đá lớn của khu vực, tuyển Việt Nam đạt giải cao. Cả nước sôi lên tôn vinh huấn luyện viên và đội tuyển. Ngay lập tức, anh Đình Anh đã chỉ đạo tổ chức quyên góp ủng hộ các cầu thủ. Nhờ đó, anh và chị Huệ có suất vào sân bay, tận tay trao tặng khoản tiền 10 triệu đồng và chụp ảnh cùng đội tuyển.
Khi từ sân bay về, người dân đứng đầy hai bên đường chào đón khiến đường tắc nghẽn. Xe không đi nổi, anh Đình Anh liền xuống chạy bộ về 89 Láng Hạ (Hà Nội). Chị Huệ phải rất vất vả để theo kịp.
“Về đến nơi, tôi mệt rã rời. Thế mà anh vẫn bật máy, gõ liên tục. Thấy vậy, tôi đành nén mệt, cắm cúi gõ theo. Có lẽ bài viết của chúng tôi khi đó là bài đầu tiên mọi người được đọc về chuyến đón tuyển Việt Nam. Nhờ sự nhạy bén đó của anh mà mạng TTVN luôn đi đầu trong việc cập nhật tin tức hot”, chị chia sẻ.
Chị Huệ gắn bó với FOX đến năm 2000, sau đó làm cho nội san Chúng ta đến 2005 rồi chuyển sang đảm nhiệm Phó Ban Đoàn thể FPT. Năm 2009, chị chia tay FPT và đầu năm 2013, chị quay về làm Trưởng Phòng Truyền thông của Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB) đến nay.
Anh Lã Hồng Nguyên năm ấy gia nhập FOX vì “triển vọng lấp lánh tất cả mọi người Việt Nam đều có Internet và khát vọng FPT Net có thể thực sự liên thông với thế giới”. Sau khi hoàn thành việc set-up FOX, đầu năm 1999, anh đi du học tại Australia rồi làm việc ở Singapore trước khi quay về FPT IS INF.
“Cách đây không lâu, Facebook báo có người “dán lên tường” của tôi một bức ảnh từ năm 1997 với lời nhắn để lại: “Ngày xưa anh đó”. Tôi cười vì những người trong đó như bước ra từ hôm qua mà mặt lại trẻ măng. Kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về. Bức ảnh đó là lúc chúng tôi loay hoay sắp xếp chụp cho nội san Chúng ta trong căn phòng nhỏ của FOX ở 89 Láng Hạ. Khi ấy, anh Nguyễn Văn Khoa (TGĐ FPT Telecom hiện tại) ngồi chỗ máy tính của tôi, còn tôi vắt vẻo trên bàn. Tự nhiên có một chút liên tưởng lãng mạn, ảnh này không khác gì bức ảnh Bill Gates ngồi trên bàn năm 1975”, anh Nguyên tâm sự.
Khi thành lập FOX, cuộc sống của cả nhóm gắn với công ty. Trước kia, khi chuyển từ Ngọc Khánh về Láng Hạ, anh Đình Anh đã nổi tiếng lập trình đến 23h đêm với “tốc độ chơi game”. Anh Khoa và anh Nguyên cũng “cày” việc bất kể đêm hôm. Khi chuyển về 75 Trần Hưng Đạo, một thời gian dài tất cả đều ở công ty 24h mỗi ngày để làm việc, ăn ngủ và cả tắm giặt.
“Chiếc xe máy Honda GL rất “chất” của Khoa là phương tiện “oách” nhất để chúng tôi đi hỗ trợ khách hàng, đi ăn, đi café và qua Chân Cầm - nơi một thanh niên tên Đạt khá nổi trên mạng TTVN thời đó kêu gọi thành lập “Ban nhạc TTVN”. Đó là một “nhóm kỳ dị” tụ tập những thanh niên Hà Nội vốn không liên quan gì đến nhau nếu không có mạng TTVN. Trong đó, Khoa đảm nhận đánh trống và tôi được phân cho cái đàn keyboard thứ hai”, anh Nguyên kể.
4 thành viên đời đầu của Ftel hiện nay. Từ trái qua: Chị Nguyễn Thị Huệ, anh Lã Hồng Nguyên, anh Trương Đình Anh, chị Chu Thanh Hà. Ảnh: Tú Linh.
Ban nhạc đã trở thành cái “đinh” ở Emotion - quán café Internet đầu tiên ở Hà Nội, tổ chức được đêm nhạc hoành tráng tràn ra cả vỉa hè Nguyễn Du và “Đêm hội TTVN” đông đến mức “vỡ trận” tại FPT 89 Láng Hạ. “Kỷ niệm với những con người FOX đầu tiên ấy giống những mảnh ghép hơn là dòng chảy. Nhớ những lúc đi xin giấy phép, phi bạt mạng trên chiếc Dream II của anh Đình Anh và tự tin chúng tôi cũng có một “dream”. Nhớ những lúc gặp Hà nói chuyện cơ sở khách hàng, tỷ lệ rời mạng - những khái niệm chắc đến sau này mới được phát triển đầy đủ. Nhớ những lúc Huệ kết nối cả văn phòng với nụ cười rất tươi và thân thiện. Cuộc sống của chúng tôi khi đó không chỉ là công việc mà còn thân thiết với nhau như ruột thịt. Tất cả đều gắn với sự bắt đầu của FOX”, anh Nguyên bồi hồi.
Từ 4 người trong một không gian nhỏ bé, sau 20 năm với hơn chục nghìn người ở trên khắp 59 tỉnh thành trong nước và vươn ra quốc tế Campuchia, Myanmar, tinh thần start-up vẫn nguyên vẹn trong mỗi người FPT Telecom. Để rồi mỗi ngày, công ty luôn sáng tạo, đổi mới và khát khao hướng tới những sản phẩm công nghệ cao với dịch vụ ngày càng hoàn thiện hơn. FPT Telecom luôn sẵn sàng đón nhận những thách thức mới, chinh phục những đỉnh cao mới với tất cả đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, của 20 năm - FOX tự hào có tôi.
Nguồn: Chungta