"Tôi như sống lại khoảnh khắc đáng nhớ của FPT trong suốt 25 năm qua khi đọc cuốn sử ký này", Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ.
Trong lễ ra mắt cuốn sử ký FPT 25 năm tại tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, anh Bình xúc động khi cầm trên tay cuốn sách ý nghĩa này.
Anh tâm sự: “Chúng ta làm nên rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ nhưng tất cả trôi đi, chỉ có điều ghi lại trong cuốn sách ở lại nên nó là vô giá. Cầm cuốn sách như nắm cả FPT trong tay vậy. Tôi như sống lại khoảnh khắc đáng nhớ của FPT trong suốt 25 năm qua khi đọc cuốn sử ký này"
Anh Trương Gia Bình cho rằng, cầm sử ký như nắm FPT trong tay
Để góp phần vào thành công lớn nhất chính là sự đóng góp của người FPT - những cá nhân đã tích cực ghi lại khoảnh khắc vô giá đó, anh Bình đã gửi lời cảm ơn tới các tác giả có bài viết được đăng tải trong sách và "cả những người biết chắc chắn không có cơ hội được đưa vào sử ký nhưng vẫn viết".
Nói về vai trò của sử ký với FPT, anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software (chức vụ trước khi chuyển sang FPT Telecom), nhớ lại câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà anh rất tâm đắc: "Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".
Anh Tiến cho rằng, sử ký là truyền thống của người FPT từ rất lâu. Sử ký quan trọng với công ty giống như vai trò của lịch sử với một đất nước, một dân tộc. Công việc hằng ngày cuốn đi khiến ta dễ lãng quên những việc trong quá khứ. Một lúc nào đó hãy dẹp công việc sang một bên, nghĩ về những gì đã trải qua và viết lại bằng chính cảm xúc thật của mình, đó chính là sử ký.
Nhận thấy tầm quan trọng của sử ký, năm nào phát động, anh Tiến cũng tích cực tham gia. Năm nay, anh đã chắp bút viết bài về kỷ niệm, cảm xúc, câu chuyện hơn 10 năm gắn bó với phần mềm. Dù bận rộn, mỗi lần anh dành nửa giờ để viết, chỉ vài buổi là "đứa con tinh thần" đã ra đời. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, anh Tiến đề xuất: "Nên chăng sử ký FPT không chỉ gói gọn trong bài viết mà mở rộng hình thức viết sử ký bằng ảnh, clip, vở kịch, bài hát, truyện cười..."
Bìa sách cuốn sử ký 25 năm
Ở vai trò làm giám khảo cho cuộc thi, các viện sĩ STCo lại có những cảm nhận riêng.
Anh Nguyễn Duy Hưng (Hưng "Đỉnh", Phó TGĐ Công ty TNHH Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT - F9, thuộc FPT Trading thời ấy) lại quan niệm: "Ngoài ý nghĩa là một cuộc thi, tôi viết sử ký là cho mình, viết để lắng lòng lại, nhớ về quãng thời gian mình đã sống, làm việc, cống hiến ra sao". Khi đọc lại bài viết của mình trên sử ký FPT 10 năm, 20 năm, hay bài viết trên Chúng ta, anh Hưng mới thấy quý, đó chính là trải nghiệm, giá trị đặc biệt mà ngay lúc viết anh chưa cảm nhận được.
Anh Hưng "Đỉnh" cũng là một trong những viện sĩ STCo tham gia chấm những tác phẩm vào vòng chung khảo. Theo anh Hưng, anh chấm 20 bài viết, chất lượng khá đạt, trong đó tác giả có bài viết nhỉnh hơn sẽ được vinh danh. Nhưng để cuốn sử ký ra đời, nó còn cần sự cống hiến, đóng góp và sáng tạo của tập thể. "Cuốn sử ký năm nay được Ban tổ chức làm rất cẩn thận, kỹ lưỡng và trau chuốt cả về nội dung và hình thức từ thiết kế, chất liệu giấy, minh họa, đầy đủ thể loại...", anh Hưng đánh giá.
Buổi ra mắt cuốn sử ký năm 2013
Từ khi vào công ty, anh Lê Đình Lộc (Văn phòng HĐQT FPT ngày ấy) đã 5 lần viết sử ký trong các dịp kỷ niệm 10 năm, 13 năm, 15 năm, 20 năm và 25 năm. Anh vẫn còn nhớ bài đã được đăng trong Sử ký FPT 10 năm viết về anh Lê Thế Hùng (Hùng "Râu").
Hồi đó, anh Lộc mới vào công ty được hai năm nên đến gần hạn nộp bài mà vẫn không biết viết gì. Đến ngày cuối cùng phải nộp bài, anh mới sực nhớ ra là 10 năm trước đó có tham gia làm việc cùng anh Hùng "Râu" trong dự án sấy thuốc lá ở Thanh Hóa nên "lôi" câu chuyện ra viết. Anh vui mừng khi lần thứ hai, trong lúc xuất thần, anh đã viết "Chuyện một cái biển tên đường phố" và được đưa vào sử ký.
Về mặt nội dung, anh mong muốn, cuốn sử ký năm sau có thêm nhiều bài ở mục Biểu (bài viết chính sử) thú vị do các lãnh đạo cao cấp và cả sếp ở cấp TGĐ, Phó TGĐ công ty thành viên chắp bút.
Nguồn: Chungta