Đã bao giờ ngồi trên bàn làm việc và bạn chợt nghĩ rằng mình đang rất giống một "cỗ máy" hay chưa? Mỗi ngày chúng ta có 8 tiếng để làm việc, tuy nhiên trên thực tế, liệu chúng ta có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả?
Hai từ “hiệu quả” được mình nhấn mạnh ở đây chính là việc bạn có đang đặt bản thân mình vào công việc, trăn trở suy nghĩ làm sao để đạt được kết quả tốt nhất, hay là bạn chỉ đang cố gắng giải quyết hoàn thành số lượng công việc trong ngày một cách khô khan, không cảm xúc?
Thế nào là làm việc như một "cỗ máy"?
Mỗi sáng đến công ty, việc đầu tiên bạn làm là gì? Lướt lại danh sách công việc hôm nay, trăn trở về một vài kết quả chưa ưng ý, hay lướt facebook, kiểm tra tin nhắn của đứa bạn đang dang dở.
Làm việc như một cái máy sẽ được hiểu theo 2 phạm trù:
Nhóm đầu tiên là nhóm dành tối đa thời gian cho công việc - làm quên ăn quên ngủ…trong đầu họ lúc nào cũng sẽ ưu tiên hai chữ công việc lên hàng đầu, công việc là lẽ sống.
Làm việc không sai, nhưng dành “quá” sức cho công việc liệu có thực sự tốt?
Những người tận tình, dành nhiều thời gian cho công việc đương nhiên là những người rất ưu tú và được trọng dụng. Tuy nhiên nhiều người lại lầm tưởng điều này với việc hoạt động như một "cỗ máy".
Họ dành toàn bộ thời gian để làm việc, thậm chí thời gian ngủ cũng phải “nhường lại” cho công việc.
Một trong những biểu hiện rõ ràng của nhóm người này chính là… về muộn.
Công ty tan làm lúc 17h30 nhưng bạn sẽ ở lại làm đến tận 21h00 hoặc hơn. Có thể bạn nghĩ rằng sếp sẽ đánh giá cao khi thấy bạn chăm chỉ, nhưng hãy nhớ rằng, hiệu suất công việc không tỉ lệ thuận với thời gian bạn giải quyết chúng.
Và giống như một "cỗ máy", nếu nó hoạt động hết năng suất, liên tục trong thời gian dài, đến một ngày chất lượng sẽ bị giảm sút, và tệ hơn là phải dừng lại.
Nhóm thứ hai là nhóm thụ động,
Mình gọi nhóm này hoạt động như một "cỗ máy" vì họ chỉ hoạt động khi được bật, và ngưng hoạt động khi được tắt đi.
Bạn có thể hình dung cách hoạt động này rồi chứ ?
Họ không có, không hiểu sự sáng tạo là gì, và cũng không có ý tưởng cho công việc của mình trở nên thú vị hơn, chỉ đơn giản là làm việc ngày qua ngày, đều đều theo lối mòn.
Cùng một đầu việc “sửa lỗi sai bài viết trên web”, nếu là nhân viên bình thường, họ sẽ tập trung và suy nghĩ để tìm những lỗi sai, sửa chúng sao cho hay hơn, hợp lý, sáng tạo hơn. Tuy nhiên với những “cỗ máy” thì họ sẽ chỉ làm đúng một thao tác được “lập trình” sẵn trong đầu là “sửa sai”.
Nhóm này sẽ xem công việc là chuỗi những thứ lặp lại, những thứ được “giao cho” một cách nguyên vẹn.
Làm sao để không bị biến thành một “cỗ máy”
Chẳng ai muốn mình trở thành một “cỗ máy” cả. Nhưng khi con người bị cuốn vào guồng công việc một cách không ngừng nghỉ, hoặc họ không tìm thấy giá trị, ý nghĩa trong công việc mình đang làm thì vô hình chung, bạn đang biến mình thành một “cỗ máy”.
Chúng ta hãy nhớ rằng, làm việc là một quá trình không bao giờ kết thúc, nó chỉ là một vòng xoay liên tục tịnh tiến về phía trước. Chúng ta không thể giải quyết mọi việc bằng sự chăm chỉ.
Công việc quan trọng, nhưng có một thứ còn quan trọng hơn chính là bản thân, và gia đình bạn. Hãy dành thời gian cho yêu thưởng chính mình và gia đình mình nhiều hơn vì gia đình luôn là điểm tựa vững chắc của mỗi người trên con đường đi đến thành công.
Hơn nữa, sống đâu phải chỉ làm việc hay ngủ, cuộc sống ngoài kia còn rất nhiều điều thú vị chờ đợi bạn khám phá, chiêm nghiệm chúng. Và hãy nhớ rằng, bạn sinh ra để học tập, để tư duy sáng tạo chứ không phải được đào tạo để trở thành một cỗ máy.
Hãy chọn cách “Làm như chơi” - Điều này không có nghĩa mình khuyến khích các bạn lười đi, mà hãy sáng tạo để giải quyết công việc thật hiệu quả và biến công việc trở thành những “cuộc chơi” bạn muốn chơi.
Và tin mình đi, mỗi người sinh ra, ai cũng là game thủ hay nhất cho trò chơi của chính mình !
Đèn Biển