Hai mùa Hội diễn STCo: Từ "mù dở" cho đến "bình thường"

Hai năm gia nhập nhà Cáo cũng là hai năm liên tiếp tôi được trải nghiệm cảm giác làm diễn viên trên một sân khấu hoành tráng và rực rỡ sắc màu.


Lần đầu tiên biết đến đại lễ 13/9, tôi đã cảm nhận được sự hoành tráng và sức hấp dẫn của sự kiện quan trọng này đối với người FPT. Ai nấy đều bàn tán về 13/9, rồi hỏi thông tin rằng năm nay đại lễ có gì hay? Điều đó càng khiến một người ham vui và yêu thích các hoạt động phong trào như tôi cảm thấy háo hức và mong đợi.


Trong lần đầu tiên, tôi đã được tham gia vào Ban tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho FPT Telecom tham gia đại lễ. Tôi quyết định xung phong nhận một vai trong đêm Hội diễn. Thực ra, bản thân chưa từng đóng kịch, cũng không chắc rằng mình có thể đảm nhiệm tốt vai trò diễn viên hay không? Nhưng không hiểu vì lý do gì mà tôi khi đó nhất quyết phải xin được làm một phần của vở kịch và may mắn được đạo diễn lựa chọn. 


Trong buổi "casting", tác giả của vở kịch "Ai làm Thị Mầu có bầu" - anh Đinh Tiến Dũng đã bảo tôi thử vai cho nhân vật thầy bói Hoàng. Nhân vật này có tính cách rất nổi bật nên thử thách của tôi là phải làm sao để tái hiện hình ảnh một ông già “đanh đá” có phần hơi ngoa ngoắt. Tuy thầy bói Hoàng bị mù nhưng lại là người phụ trách công việc điều hành, “soi đường chỉ lối” cho cả làng. Chính cái “tréo ngoe” đó làm nên sự thú vị cho nhân vật. Để lột tả hình ành thầy bói mù, lúc đầu đạo diễn cho tôi đeo kính râm để đỡ phải diễn mắt vì làm vậy rất khó. Nhưng trước đêm diễn hai ngày, đạo diễn quyết định không cho tôi đeo kính, mà nói sẽ hóa trang như phiên bản gốc. Tôi lại phải "cậy nhờ" Youtube để xem các nghệ sĩ thực thụ diễn như thế nào. Lúc đứng trên sân khấu chỉ sợ đang cao hứng diễn mà mở mắt ra thao láo nhìn khán giả thì hỏng bét. 


Tôi rất thích và gần như bị ám ảnh bởi vai diễn thầy bói Hoàng mù.


Sau đêm hội, vai diễn của tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Điều đó khiến tôi cảm giác như mình vừa vượt qua được một thử thách mới. Cũng hôm sau đó, ảnh "dìm hàng" tôi tràn ngập Facebook. Nhiều đồng nghiệp từ đó gọi tôi luôn là "đồ mù dở" hay "thầy mù". Dù biệt danh này hơi... ghê, tôi vẫn cảm thấy vui vì mọi người đã nhớ đến và ấn tượng với vai diễn của mình. 


Một năm sau ngày ấy, tôi lại tiếp tục có cơ hội đứng trên sân khấu 13.9. Lần này, không còn cảm giác hồi hộp mà thay vào đó là một sự tự tin và háo hức trước giờ lên sân khấu. Vai diễn năm nay của tôi là một ông già tên Thường, bạn thân từ hồi mẫu giáo bé của chủ tịch Trương Gia Bình. Tưởng năm nay được "bình thường" hơn năm ngoái, vai diễn này tiếp tục là một nhân vật với những phần tính cách bất thường. 


"Tạo hình năm nay đỡ... ghê hơn năm ngoái rồi phải không?"


Ông Thường năm nay nói ít hơn "thầy bói Hoàng" năm ngoái. Điều này ban đầu khiến tôi hơi e ngại, liệu mình có thể làm ấn tượng hơn vai diễn trước. Bước lên sân khấu, tôi nhận ra những điều mình lo lắng thực sự không quan trọng. Tập trung làm thật tốt vai ông Thường của ngày hôm nay mới chính là điều tôi quan tâm nhất lúc này. Hít một hơi thật sâu, bước ra sân khấu và rồi thở phào nhẹ nhõm khi một lần nữa hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình.


Tiết mục của FTEL lần này được giải Nhất, giống như những người bạn cùng đóng chung trong vở kịch, cảm xúc vui sướng vô cùng. Tất cả các thành viên ôm nhau chia sẻ niềm vui. Tôi chợt nhận ra: "À, thì ra cảm giác chiến thắng là như thế này đây!". Nó nhẹ nhàng và thầm lặng trong tôi nhưng lại như vỡ òa khi ở bên cạnh những người bạn đồng nghiệp.


Từ "mù dở" cho đến "bình thường", tất cả sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa trong tôi. Cảm ơn FTEL đã giúp tôi khám phá ra được nhiều khả năng của bản thân mà mình chưa từng nghĩ tới. Và hơn hết, FTEL đã mang đến cho tôi những người đồng nghiệp, những người bạn tuyệt vời.


DongPhong

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn