Cương lĩnh Đại học FPT được anh Trương Gia Bình phác thảo trên 5 trang giấy nháp (vì tiết kiệm nên anh sử dụng giấy đã in một mặt). Ngay phần đầu tiên anh đã viết: “Đại học FPT - Giấc mơ đổi mới”.
Tuy nhiên, có thể do anh Bình chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền kỹ trị phương Tây, hoặc có thể nghĩa tiếng Việt của cụm từ này chưa thật sát với suy nghĩ của nhà sáng lập, nên anh luôn dùng tiếng Anh “Dream Of Innovation” khi nói về trường Đại học FPT trong những ngày đầu. Câu slogan tiếng Anh khá ấn tượng này đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Trong thời gian chờ đợi quyết định của Thủ tướng chính phủ cho phép thành lập trường, nhiều người bắt đầu nghiêm túc đặt câu hỏi: “Dream Of Innovation chuyển ngữ sang tiếng Việt là gì?”. Để trả lời câu hỏi này, một bài tập nhóm - theo kiểu trò chơi ghép từ khi học ngoại ngữ - được đưa ra cho nhóm những người tham gia thành lập trường cùng giải quyết.
Để bắt đầu buổi brainstorming, anh Bình chia bảng làm 2 cột, một cột là "Dream", cột kia là "Innovation". Sau đó mọi người lần lượt đề xuất những từ tiếng Việt tương ứng với từ tiếng Anh ở mỗi cột. Chẳng mấy chốc hai cột đã được điền kín các phương án tiếng Việt phong phú của “Dream” và “Innovation”.
Cụ thể, cột Dream có các từ Ước mơ, Ước mong, Mong ước, Ước vọng, Khát khao, Khát vọng, Hy vọng, Kỳ vọng, Mong muốn… Còn cột Innovation có Thay đổi, Đổi thay, Đổi mới, Sáng tạo, Đổi đời, Lên đời, Thoát nghèo…
Bước liệt kê đã hoàn thành, giờ đến bước loại bỏ. Ở cột “Dream”, những phương án từ hàm ý mơ mộng viển vông như “Ước mơ”, “Ước mong”, “Mong ước”, “Hy vọng”, “Mong muốn” đã nhanh chóng bị loại bỏ. Chỉ có “Ước vọng”, tuy không mạnh mẽ lắm, nhưng được đa số tạm chấp nhận do có chữ “vọng” đi kèm, thể hiện sự hướng tới một mục tiêu cụ thể ở phía xa.
Sang đến cột “Innovation”, gần gũi dễ hiểu nhất là “Đổi đời”, hay bình dân là “Thoát nghèo”, “Lên đời”. Mọi người đều hết sức thích thú với hướng này, thậm chí ai đó hài hước còn diễn giải kiểu chơi chữ cho “Lên đời” bằng ví dụ “đổi từ xe máy Dream sang xe ô tô Innova”.
Các từ ở hai cột được lần lượt ghép cặp với nhau. Những người chơi bàn đi tính lại mãi, rồi thống nhất được short list gồm một số tổ hợp được ghép từ “Ước vọng/Khát vọng” với “Đổi thay/Đổi mới/Đổi đời”, vì các tổ hợp này đọc lên nghe có vẻ thuận tai hơn cả. Đến đoạn giơ tay biểu quyết, “Ước vọng đổi thay” của phái ôn hòa (U50) và “Khát vọng đổi thay” của phái trẻ hơn được vào chung kết, tuy nhiên tỷ số sát nút nghiêng về các “cụ”.
Trong lúc Nguyễn Xuân Phong (đại diện phái trẻ) đang loay hoay chưa biết phản bác lại bằng cách nào, thì có hai người trẻ tuổi bước vào phòng. Ngay lập tức, hai bạn này được đề nghị lựa chọn một trong hai phương án bằng phiếu kín, không cần biết ý kiến trước đó của mọi người ra sao. “Ý kiến của các em” - mọi người nói - “sẽ là quyết định cuối cùng”.
Hai bạn này, không cần bàn nhau, đều lựa chọn cụm từ mạnh mẽ hơn, mang tính hành động hơn, đó là “Khát vọng đổi thay” để làm khẩu hiệu tiếng Việt cho Đại học FPT. Tuy thua, nhưng các “cụ” rất hể hả, vì được thấy tuổi trẻ FPT không chỉ dám mơ ước lớn, mà còn thể hiện ý chí và quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực một cách mạnh mẽ, thông qua ngôn ngữ.
Và khẩu hiệu đó mới thể hiện đúng, đến từng từ, những gì mà mọi người FPT đều mong muốn.
Lời bàn:
Khi dự thảo Tầm nhìn cho FPT năm 1988, anh Trương Gia Bình cũng viết ngay câu đầu tiên:“FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới…”. Điều đó chứng tỏ khát vọng đổi thay của anh trước sau luôn hừng hực.
Đại học FPT được thành lập, ngoài mục đích đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, còn thể hiện khát vọng của người FPT trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học. Đó là đào tạo theo định hướng công việc; tự do phát triển cá nhân; đào tạo kỹ năng mềm; quốc tế hóa đại học; phát triển nhân cách; tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường…
Câu chuyện cũng cho chúng ta thấy một FPT đầy nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ dám làm, đồng thời hết sức coi trọng trí tuệ tập thể và tin tưởng vào năng lực của thế hệ trẻ.
Nguồn: Đồng Đội FPT