Người Do Thái xới đất quanh gốc cây oliu và cảm ơn thượng đế đã ban cho họ những tặng phẩm vô giá: to work is to pray. Họ tìm thấy thánh thần trong công việc. Người Mĩ hùng hục tiến về miền Tây bao la, khai phá những miền đất mới. Họ bỏ lại phía sau những trang trại thu những mùa khoai tây đầu tiên để tiến lên phía trước, để chinh phục: to work is to be. Người FPT buôn sắt thép, buôn xe tải, mở xưởng may để thành công ty tin học hàng đầu Việt Nam.
Từ lúc nào ta đã mất đi thói quen ngồi nán lại để làm nốt công việc của ngày nay, vạch ra công việc của ngày mai? Từ lúc nào ta quên rằng sáng mai lại là một ngày mới với những công việc đang đợi mình? Từ lúc nào?
Ở quê tôi, những ngày xưa, ánh nắng vàng rực trên những đồng lúa chín. Tiếng kẽo kẹt của đòn gánh, bát chè đỗ đen mẹ nấu được pha với vài cục đá mua trên đường đê. Ở đó, người ta vừa gặt lúa vừa quệt mồ hôi rồi ngước lên đối đáp, hát nhau một câu hò, ghẹo nhau một điệu lý. Ở quê tôi lúa được xếp vào quang gánh rồi vào bồ như một điều tự nhiên, như một sự phải có. Sự lao động có cái tên "quê tôi" kia đã là một hành vi sáng tạo. Họ thổi công sức của mình vào công việc và tạo ra thóc, ra gạo. Nhưng điều quan trọng là họ làm việc trong niềm vui, trong niềm vui được coi công việc như ý nghĩa của cuộc sống. Niềm vui không chỉ đến từ những hạt gạo trắng ngần mà còn đến từ công việc tạo ra hạt gạo ấy. Tôi nghĩ, người quê tôi đã sáng tạo ra giá trị vật chất bằng công việc, và cái hành vi làm việc-sáng tạo ấy mang cho người như mẹ tôi niềm vui. Tất nhiên những người quê tôi không nghĩ nhiều như tôi và bạn bây giờ. Đơn giản, họ nghĩ họ cần đi gặt lúa, cần đứng giữa đất trời lồng lộng để mà ca hát, mà làm việc.
Tôi cũng từng nghe về cái ngày ấy, cái ngày của tuổi thanh niên sôi nổi. Thời ấy có nhiều người mang thuốc lá sợi đi sấy, mang máy tính Olivetti đổi lấy sắt thép, ô tô Cama và Ifa. Nhiều người còn ngồi viết những phần mềm mà nước ngoài đã làm trước đó cả chục năm nhưng không biết nên cứ đinh ninh rằng "mình đang sáng tạo ra những điều kì diệu". Sang Tây trúc thỉnh kinh, sang Nhật Bản đánh Tây, chắc hẳn họ phải mang một hùng tâm lớn lao và coi công việc của mình là đáng quý nhất. Và họ đã được đền đáp: từ những chiếc xe đạp cọc cạch, những chiếc máy tính cổ, sáng tạo đã kết tinh nên thành tựu FPT hôm nay.
Thế mà bây giờ rất nhiều người đã quên hết điều đó rồi. Công việc đối với họ là một gánh nặng. Họ stress khi nhắc đến công ty. Họ mong công việc sớm hoàn thành để chạy đi uống bia hoặc dạo chơi cùng bạn gái... Đã từ bao giờ hành vi của họ chuyển từ "làm cái việc ấy" sang "lao cái động" ấy?
Đã từ lúc nào họ thay vì đẩy cái xe công việc tiến lên phía trước trong điệu hò câu hát STCo mà thành con người mệt mỏi kéo theo cái xe chất đầy công việc bên trên và vừa đi vừa than phiền về cái xe và mọi thứ xung quanh?
Từ bao giờ họ đánh mất niềm vui của chính họ? Từ bao giờ?
Nguồn: Bảo tàng FPT