Nguyên lý thùng gỗ dạy rằng trước tiên chúng ta phải tìm ra điểm yếu chí mạng của mình, như thế mới sớm có giải pháp bảo vệ bản thân được.
Nhà quản lí học người Mỹ - Peter từng đưa ra một lí luận có tên là "Nguyên lý thùng gỗ", còn được gọi là "Hiệu ứng thanh gỗ ngắn". Nguyên lí này nói rằng, chiếc thùng chúng ta đựng nước được ghép bởi nhiều thanh gỗ, lượng nước trong thùng là do độ cao của những thanh gỗ này quyết định. Nếu có một thanh gỗ nào đó ngắn thì lượng nước cả thùng gỗ sẽ bị hạn chế bởi nó. Thanh gỗ ngắn này trở thành "khuyết điểm" của chiếc thùng. Nếu muốn lượng nước trong thùng tăng lên thì buộc phải thay thanh gỗ ngắn bằng thanh dài hơn.
Thùng gỗ có thể chứa được bao nhiêu nước không quyết định bởi thanh gỗ dài nhất mà quyết định bởi thanh gỗ ngắn nhất. Tương tự, trong hiện thực cuộc sống, mang lại phiền phức hay khiến chúng ta mất đi cơ hội cũng luôn là bởi những "thanh gỗ ngắn" của bản thân mình.
Bất kể là "thanh gỗ ngắn" hay là "gót chân Achiles", tất cả đều muốn nói tới điểm yếu chí mạng của bản thân chúng ta. Bất kể bạn mạnh mẽ giỏi giang đến đâu thì vẫn có thể có điểm yếu nào đó, nó giống như quả bom hẹn giờ được gài trên người chúng ta, bất cứ lúc nào cũng có thể phát nổ và giáng một đòn chí mạng vào chúng ta.
Mặc dù không có ai là hoàn hảo cả, mỗi người ai cũng có khuyết điểm nhưng chúng ta có thể bỏ qua những khuyết điểm không nghiêm trọng, tuy nhiên không thể không xem xét những khuyết điểm đã trở thành "thanh gỗ ngắn" cản trở mình. Do đó, trước tiên chúng ta phải tìm ra khuyết điểm chí mạng của mình, như thế mới sớm có giải pháp bảo vệ bản thân được.
Chỉ là "thanh gỗ ngắn" của bạn không dễ dàng phát hiện đến thế. Có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ví dụ như bạn là một nhân vật có danh tiếng trong lĩnh vực của mình, nhưng do thiếu kĩ năng giao tiếp nên mọi người đều không thoải mái khi giao lưu với bạn, mà bản thân bạn lại không hề nhận ra điều đó. Có thể bạn hay phát hiện ra những vấn đề nhỏ và giỏi giải quyết chúng, nhưng tư duy và tầm nhìn của bạn quá hạn hẹp nên thường không thể nắm bắt tổng thể hệ thống hoặc bạn cũng không chú ý tới… Nói chung có rất nhiều nguyên nhân, nếu bạn mải mê chìm đắm trong ưu điểm của mình mà bỏ qua những khuyết điểm tương quan. Vậy thì những khuyết điểm này sẽ dần dần lớn hơn và ảnh hưởng tới các phương diện khác trong cuộc sống của bạn.
Nhưng điều may mắn là giống như thanh gỗ của thùng đựng nước có thể nối dài thêm hoặc thay đổi được, chúng ta có thể cố gắng dự phòng hoặc khắc phục những khuyết điểm chí mạng kia, tránh để ảnh hưởng quá lớn tới cuộc sống của chúng ta.
Bạn có thể nhìn rõ những "thanh gỗ ngắn" sẽ ảnh hưởng tới tương lai phát triển của mình chứ? Thực ra, mỗi người chúng ta đều có điểm yếu của mình, có thể quan hệ xã hội của bạn không tốt lắm, có thể bạn không vào được các trường danh tiếng, kĩ năng sống của bạn có thể chưa đủ, có thể bạn không hay đưa ra ý kiến của riêng mình… Những chuyện này đều không đáng lo, điểm yếu ai ai cũng có, chỗ nào cũng tồn tại. Vấn đề mấu chốt ở chỗ điểm yếu của bạn là gì, thái độ của bạn với nó, đánh giá của mọi người xung quanh về bạn thế nào.
Đối với những khuyết điểm không thể chấp nhận, tiếp theo bạn phải suy nghĩ xem làm thế nào để biến nó thành sở trường. Không ai có nghĩa vụ chấp nhận khuyết điểm của bạn, cho dù "thanh gỗ dài nhất" của bạn dài hơn tất cả mọi người, nhưng nếu "thanh gỗ ngắn nhất" vẫn không đạt tiêu chuẩn thì bạn vẫn bị loại như thường. Bởi vì một sợi xích bền chắc hay không được quyết định bởi mắt yếu nhất, con người chúng ta cũng như vậy.
Vì thế, nếu bạn hiểu rõ bản thân mình có những khuyết điểm nào thì hãy cố gắng phát huy sở trường, khắc phục sở đoản, làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của nó với chúng ta. Đồng thời, còn phải kiểm điểm xem bản thân mình còn có những điểm yếu chí mạng nào mà mình chưa phát hiện ra, đừng để nó cản trở cuộc sống của bạn.
Nguồn: Sách kĩ năng sống