FPT giống hình tượng một anh trai làng đầy ngạo nghễ, sức khỏe phi phàm. Bỗng dưng một ngày đẹp trời, gia nhập WTO, làng trong diện quy hoạch, trở thành ...phố. Muốn kiếm ăn... anh trai làng, dù là ngạo nghễ và khoẻ phi phàm, bỗng thấy không còn là chuyện giản đơn và trong tầm tay nữa.
Nhấn:
“Một cái bắt tay giúp đỡ đối thủ đứng dậy trên sân cỏ hay một nụ cười khi thua trận..., tất cả đều là một hành động giúp thương hiệu FPT trở nên vững chắc trước những con sóng lớn”.
Văn hóa công ty
Lại nói đến "con voi đứng trong bóng tối", tức thương hiệu FPT, ở thời điểm này, phần lớn công chúng biết đến cái tên FPT ở hai điểm: một công ty có sự tăng trưởng vượt bậc đầy ấn tượng (không cần biết là bán gì, buôn gì) và một công ty có nền văn hóa thú vị với những con người thú vị.
Thomas Watson (TGĐ IBM) có nói về sự thay đổi và cái cốt lõi của một tổ chức: "Nếu một tổ chức muốn đối mặt với những thử thách trong một thế giới thay đổi không ngừng, tổ chức đó phải chuẩn bị thay đổi tất cả, thậm chí chính bản thân nó, ngoại trừ một thứ: văn hóa đã thẩm thấu suốt tổ chức..." . Vậy thì từ làng trở thành phố, chúng ta phải làm gì?
Người FPT luôn tự hào là một tập đoàn đi lên từ con số không, nhưng nét văn hóa trong mỗi thành viên đã có sẵn từ thủa khai thiên lập địa rồi. Trong sử ký cũng đã lưu lại những câu truyện về những bài hát vui được người FPT hát vang trong một hội nghị sang trọng, những thành viên FPT chăm sóc và quan tâm đến nhau như những người cùng một nhà...
Có nhiều người nói văn hóa FPT giống văn hóa IBM. Trước đây khi T.Watson thành lập IBM, người ta biết đến IBM với một nền văn hóa ấn tượng và thú vị. IBM quan tâm đến quyền lợi và tương lai của mỗi cán bộ nhân viên, IBM có những quy định về trang phục của sếp và nhân viên để tạo nên nét văn hóa riêng biệt, IBM sáng tác nhạc cho riêng mình và thưởng thức chúng vào những lúc căng thẳng và những cuộc vui. IBM thời đó có rất nhiều nhân viên sẵn sàng cống hiến và hy sinh cả đời cho IBM. Nhưng giờ đây, sau khi Watson qua đời, 50% nhân viên của IBM làm việc cho công ty không quá 5 năm.
Điều gì đã khiến một tổ chức đã từng bị thống trị bởi những nhân viên cống hiến cả cuộc đời đã chuyển đổi thành một tổ chức của những nhà cung cấp ngắn hạn các loại dịch vụ? Hiện tại FPT khác IBM ở một điểm may mắn đó. Ấy là IBM được thổi hồn chỉ bởi T.Watson... và khi Watson chết, văn hóa mà ông xây dựng đã phai theo thời gian.
Xét về một góc độ nào đó, cái văn hóa đó dường như mang tính cá nhân. Còn ở FPT thì sao? Thật may mắn, FPT đã xây dựng theo cách mà giới chuyên môn gọi là Fractal: xây dựng nét văn hóa tự nhiên, và mỗi con người, mỗi một thực thể đều đang là một nét trong cái gọi là văn hóa FPT. Từ trên xuống dưới, tất cả đều có chung một cái gì rất... FPT: Một ông Tổng giám đốc ngồi hát nghêu ngao những bài nhạc chế cùng với nhân viên, một tay nhân viên mới tinh Tết không thèm đến nhà Sếp biếu quà, một thằng M2 đứng lên cãi tay đôi với một lãnh đạo M4 trong cuộc họp, một thằng nhân viên sút bóng thẳng vào lưới sếp lớn đang bắt gôn... Tất cả những thứ đó đã và đang tồn tại trong FPT, và vô tình tạo nên một nét văn hóa FPT. Tuy có những thứ hơi quá đà và có những lúc hơi vượt qua những quy luật cứng nhắc... nhưng chính nó đã làm nên một nét văn hóa đặc trưng: gai góc, bình dị, đầy nhân văn, đầy cá tính.
Màu áo cam hiện hữu trong các hoạt động
Thuyền lớn thì sóng lớn
Nếu khách quan và trung thực, có một vấn đề mà chúng ta không thể phủ nhận, rằng chúng ta trong mắt công chúng vẫn chưa thực sự là một hình ảnh hoàn hảo. Đâu đó trên các diễn đàn vẫn có những lời lẽ hằn học về "bọn" FPT. Đâu đó vẫn có những bài báo đầy ác ý nhằm vào FPT một cách không xứng đáng...
Tuy rằng lớn thuyền thì lớn sóng, nhưng thuyền lớn vẫn có thể đắm bởi một lỗ thủng, nhất là khi con thuyền FPT đang bắt đầu vào vùng biển WTO đầy sóng lớn.
Thương hiệu FPT đang được xây dựng một cách giản dị. Mỗi người trong FPT đều đang vô tình làm PR cho FPT. Mỗi một hành động của họ đều là thông điệp để người ta đánh giá cái văn hóa của "bọn" FPT. Cách truyền tải thông điệp này hiệu quả hơn nhiều lần những gì mà các phương tiện thông tin đại chúng ngày ngày ra rả. Nó giống như việc chúng ta quảng cáo là Việt Nam văn minh, Việt Nam hiếu khách, nhưng khách du lịch thì lại chỉ nhìn vào những cái lưng úp vào góc phố nhom nhem bẩn thỉu, những đứa trẻ ăn mày chèo kéo dai dẳng để đánh giá.
Không cần đến những gì cao siêu: chất lượng sản phẩm, công nghệ mới... Tất cả cứ để cho các nhà chuyên môn. Ta chỉ cần những điều tưởng chừng giản đơn nhất, như việc mỗi người FPT mặc đồng phục FPT đi thi đấu thể thao hay văn nghệ với thiên hạ. Mục đích chính giờ đây không phải chỉ là đạt huy chương bằng mọi giá! Một cái bắt tay giúp đỡ đối thủ đứng dậy trên sân cỏ hay một nụ cười khi thua trận... tất cả đều là một hành động giúp thương hiệu FPT trở nên vững chắc trước những con sóng lớn.
Chúng ta bon chen nhau từng giải thưởng trong nội bộ, chúng ta mất hàng chục trang trên public để cãi nhau, tranh dành những giải thưởng của các cuộc thi. Và chúng ta lăng mạ nhau bằng những lời thiếu văn hóa chỉ vì một cái túi...
Tất cả đều có thể sẽ là một lỗ thủng trên chiếc thuyền lớn mà chúng ta đang ngồi trên nó.
Nguồn: Bảo tàng FPT