Tôi và hắn chắc có duyên với FPT Telecom hay sao mà cả hai đều trưởng thành và gắn bó từ ngày vào đến nay, mặc dù công việc của mỗi đứa đã có nhiều thay đổi, lúc thăng lúc trầm.
Cũng như nhiều người gắn bó với FPT đến thời điểm này, văn hóa và con người FPT là một trong những yếu tố khiến chúng ta khó xa rời. Trong câu chuyện này, tôi viết về hắn như một trong hàng trăm, hàng nghìn cá nhân tiêu biểu của nhiều đơn vị trong FPT về tinh thần làm việc và phấn đấu không ngừng.
Tôi và hắn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Hai đứa biết nhau khi cùng học đại học Bách Khoa K40 chuyên ngành Điện tử Viễn thông, tại thời điểm đó chắc cũng nhiều người có lựa chọn như vậy. Sinh viên như chúng tôi ngày đấy khổ hơn bây giờ nhiều, nhất là cái hội ở xa nhà, thuê nhà trọ hoặc ở trong ký túc xá. Ăn thì vừa đói vừa thiếu chất nên đứa nào trông cũng gầy và hốc hác, thỉnh thoảng nhìn lại mấy tấm ảnh chụp thời đó mà khó tin.
Ngày đấy làm gì biết máy tính và Internet là gì, tài liệu thì toàn sách cũ trong thư viện bọc đến mấy lớp, may mắn đăng ký sớm thì mới mượn về nhà học, nâng niu rất cẩn thận vì rách mất trang nào hoặc bung gáy là sẽ bị phạt. Năm 1998, tôi và hắn ra trường. Hắn xin đi làm cho một công ty bán điện thoại ở phố Hàng Bài. Tôi thì chưa biết làm gì nên ở nhà chơi được mấy tháng, tình cờ một hôm hắn rủ tôi thi vào khóa dân sự của Học viện Kỹ thuật Quân Sự chuyên ngành Công nghệ Thông tin. Thế là 2 đứa lại cắm đầu vào ôn thi, may mắn thế nào mà tôi và hắn cùng đủ điểm, thế là chúng tôi lại cùng cày cuốc thêm 3 năm sinh viên nữa. Tôi thì chưa đi làm nên đăng ký học khóa ban ngày còn hắn thì học khóa ban đêm, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp nhau ở trường do học chung hoặc thi lại một môn nào đó.
Đến 2002, tôi ra trường sớm hơn hắn và đi làm ở một công ty tin học tư nhân. Hắn làm ở cửa hàng bán điện thoại, đổi máy liên tục, oai lắm. Suốt ngày hắn bảo tôi phải mua một cái mà dùng, tiện lắm. Nhưng thời đó, điện thoại cố định còn hơn 1.000 đồng/phút thì sao nghĩ đến di động. Thế nào mà hắn cũng khiến tôi mua một cái Motorola TacX. Hắn luôn miệng bảo bây giờ rẻ rồi chứ thời đỉnh cao một em này ngang với một con xe Dream.
Tháng 5/2003, tôi chính thức gia nhập FPT Telecom, ngày đấy là Công ty Truyền thông FPT. Tháng 1/2005, theo thông báo tuyển dụng của công ty, tôi đã giới thiệu hắn tới Ban giám đốc Trung tâm lúc đó là anh KhoaNV và anh ToảnNC. Các anh đã phỏng vấn và giao hắn cho tôi quản lý. Khi đó Tôi là trưởng phòng Hệ thống của Trung tâm Quản lý và Phát triển Hạ tầng, hắn được giao phụ trách nhóm Bảo trì và Xử lý sự cố. Thời gian đó là lúc FPT phát triển ADSL rất mạnh, tất cả các đơn vị và anh em trong trung tâm phải gồng mình, vừa phục vụ kết nối cho hàng nghìn khách hàng mới một tháng, vừa phải nâng cấp liên tục đài trạm, vừa phải duy trì sự ổn định của hệ thống và hỗ trợ kỹ thuật cho các khách hàng cũ.
Ngay từ đầu khi hắn đến ra mắt anh em trong Trung tâm, tôi đã xác định tư tưởng cho hắn là công việc là công việc, bạn bè là bạn bè, văn hóa FPT là đặt hiệu quả công việc lên trên các mối quan hệ. Nói vậy thôi nhưng tôi cũng hiểu rõ hắn, hiền lành và chăm chỉ, tính cách thì hòa đồng, dễ gần nên sớm muộn gì thì hắn cũng hòa nhập được với môi trường FPT Telecom. Mấy em gái trong Trung tâm như em PhươngNTT, LinhLN, HươngVG suốt ngày cứ trêu hắn nhưng hắn chỉ cười, không biết là các em có tình ý gì không mà suốt ngày hỏi han tôi hết cái này cái khác về hắn như anh ấy ở đâu, đã có người yêu chưa, trước làm gì, sao hiền thế chả thấy nói chuyện gì …
Hệ thống mạng của khách hàng ADSL đưa vào hoạt động từ cuối năm 2003 chưa được hoàn thiện và ổn định như hiện nay. Máy móc chuyên dụng có hạn và người chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển ADSL như vũ bão ngày đó nên cùng với các nhóm khác trong phòng, nhóm Bảo trì hạ tầng của hắn gánh một phần việc rất nặng. Với hàng chục POP trên địa bàn Hà Nội, hàng chục km cáp quang, cáp đồng, nhóm của hắn có 7 nhân sự cứ gọi là vắt chân lên cổ mà chạy, chưa kể các sự cố cháy cáp, mất điện hàng loạt, một mình nhóm hắn coi như bất lực phải nhờ cứu viện từ các nhóm khác. Có anh em trong nhóm hắn hàng ngày phải vác đi chuyển về đến hàng tấn ắc-quy thay thế khi các POP mất điện lâu mà không có máy nổ, hàn nối nâng cấp POP đến 9-10h đêm, xử lý sự cố cháy cáp 2-3h sáng, mà cường độ lại có vẻ càng nhiều lên khi mà các vấn đề chất lượng, quản lý không đi kịp với nhu cầu phát triển. Ngoài việc lên kế hoạch công việc, Hắn còn tham gia với anh em ngoài hiện trường không kể ngày đêm, cổ vũ động viên tinh thần anh em. Đối với hắn nhiệm vụ cấp trên giao là phải hoàn thành.
Năm 2006, công việc của hắn cũng đi vào quỹ đạo khi mà nhu cầu khách hàng đang dần giảm bớt áp lực trên hệ thống, nhóm hắn bắt đầu có những kế hoạch cải tạo nâng cấp, tách khép ring, đây là những biện pháp nhằm giảm tối đa số lượng khách hàng mỗi khi bị sự cố. Hắn dần hòa nhập tốt hơn với các phòng ban trong Trung tâm và Công ty, các công việc được bố trí khoa học và trang bị máy móc chuyên dụng nên chất lượng công việc được nâng lên, đồng thời Hắn khẳng định được bản thân với anh em đồng nghiệp và sự tin tưởng của Bam giám đốc Trung tâm.
Nhớ mỗi lần tôi đến nhà hắn, bố hắn hỏi tôi là nó làm việc gì mà hay đi sớm về khuya thế, tối đang ngủ có điện thoại là lại biến đi đến sáng, như là đi ăn trộm. Tôi chỉ cười nói với bác là công việc bọn cháu nó vậy chứ nó không làm việc phi pháp đâu, bố hắn rất tin tưởng tôi nên tin ngay. Bố hắn còn khoe là dạo này nó cũng biết để dành tiền, chứ trước bán điện thoại thì lương cao nhưng có thấy đồng nào đâu.
Cuối năm 2006, INF thay đổi nhân sự và mô hình quản lý, anh KhoaNV chuyển sang quản lý BDD, HùngHH từ FPT IS về FPT Telecom, BGĐ Trung tâm có anh ToảnNC. Các phòng ban tách ra để quản lý theo chuyên môn, phòng kỹ thuật (HùngHH), phòng thiết kế (anh KiênDT), phòng kế hoạch (PhươngNTT), phòng bảo trì (tôi), phòng triển khai hạ tầng (hắn). Bây giờ hắn chững chạc và tự tin hơn nhiều, hàng tuần gửi báo cáo, họp giao ban, làm bảng lương hàng tháng, rồi báo cáo tổng kết, báo cáo nhân sự, mô hình hoạt động... Tôi mừng vì hắn đã tự khẳng định được mình.
Đến 8/2007 khi mà mạng lưới cáp quang của FPT Telecom chỉ tính trên địa bàn Hà Nội lên đến hàng trăm km, chúng tôi có rất nhiều khách hàng FTTH, khách hàng Leased Line bằng cáp quang của FTI, tại các POP có đến hàng trăm core cáp, hàng chục ODF, dây nhảy cho các kết nối ngày một tăng mà không có thời gian làm gọn nên cứ như mạng dây tơ hồng giăng khắp các rack chứa thiết bị và ODF, tại các POP+ hay Metro thì lượng dây nhảy còn khủng khiếp hơn, nhiều khi còn không có lối mà đi. Thời điểm đó phòng triển khai của hắn phải tách một phần quân số để thành lập phòng truyền dẫn và không ai khác ngoài hắn quản lý vì nhân sự của phòng phải là quân thiện chiến và có nhiều kinh nghiệm. Từ đó, hắn chỉ dính suốt ngày đến cáp quang, đấu nối thiết bị. Hắn cũng đào tạo được một đội ngũ các anh em có tay nghề và thiện chiến như NamVH, HùngDV thời đó. Khi FPT Telecom triển khai tam giác 3 POP+ gồm 75 Trần Hưng Đạo, 89 Láng Hạ, 137 Nguyễn Tuân thì phòng truyền dẫn (hắn) và phòng kỹ thuật (QuangLD) là 2 phòng có nhiều đóng góp để ổn định và nâng cao chất lượng mạng backbone, được Ban Giám đốc Trung tâm tuyên dương và thưởng nóng 600.000 đồng. Tôi nhớ là hình như sau đó nhóm này có tổ chức liên hoan vượt mức thưởng vì mời nhiều khách quá.
Cuối 2007, phòng truyền dẫn của hắn tham gia triển khai tuyến cáp liên tỉnh đầu tiên nối 3 tỉnh Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng, tạo điều kiện cho FPT Telecom miền Bắc phát triển ra các tỉnh Hải Phòng và Hải Dương sau này.
Tôi và hắn làm việc tại Trung tâm quản lý và Phát triển Hạ tầng đến hết tháng 6/2008. Sau đó, tôi nhận nhiệm vụ mới tại Ban Viễn Thông do anh Hoài Nam và chị Huyên phụ trách. Từ thời điểm đó Tôi không còn làm việc chung với Hắn cho đến hiện nay. Đến tháng 4/2010, Tôi nhận nhiệm vụ mới vào miền Trung làm việc đến đầu năm 2012, nên chúng tôi cũng ít gặp nhau, thỉnh thoảng gọi điện hoặc email nếu có việc gì cần nhờ.
Tháng 12/2009 là bước ngoặt quan trọng trong quá trình làm việc tại FPT Telecom đối với Hắn. Ban lãnh đạo Công ty lựa chọn hắn làm Phó giám đốc chi nhánh Bắc Giang, từ trước đến giờ hắn chỉ biết mỗi làm kỹ thuật chứ đã làm kinh doanh bao giờ đâu. Hắn đắn đo suy nghĩ nhiều lắm. Cuối cùng sau nhiều ý kiến tư vấn của mọi người và sự động viên của các anh/chị lãnh đạo thì hắn đã quyết định nhận nhiệm vụ mới đầy thử thách này.
Thời gian đã trả lời, hắn làm việc cũng khá, được chị HàCT và các anh/chị lãnh đạo khen ngợi, các chỉ tiêu KPI của các bộ phận kinh doanh, thu hồi công nợ, kế toán tài chính mà trước đây Hắn chưa từng làm đều khá tốt, anh chị em chi nhánh yêu mến hắn vì phong trào thi đua trong kinh doanh sản xuất và văn hóa tinh thần đều được hắn tham gia tổ chức sôi nổi.
Tháng 10/2010, hắn nhận quyết định làm Giám đốc chi nhánh Hải Dương, với những thành tích đạt được và phấn đấu không ngừng nghỉ. Đến tháng 8/2011, hắn được đề bạt làm Phó giám đốc Vùng 2, Tây Bắc Bộ gồm 11 chi nhánh và mới nhất là tháng 6/2013 giữ chức Giám đốc Vùng 2.
Với trọng trách mới, hắn càng cẩn thận hơn trong công việc. Hàng tuần hàng tháng, hắn vẫn thường xuyên xuống các chi nhánh để theo dõi, hướng dẫn tận tình cho các Giám đốc chi nhánh để nắm bắt cách xây dựng, tổ chức, điều hành một chi nhánh hiệu quả. Hắn vẫn đang tiếp bước các anh chị đi trước, đi mở mang bờ cõi, để tạo ra nhiều của cải vật chất cho FPT Telecom và người FPT Telecom. Tôi tin là hắn sẽ còn thành công hơn nữa.
P/S: Hắn là Trần Hữu Sơn (SơnTH), FPT Telecom
Hồ Công Chính