Những ngày này, mảnh đất Phương Nam vừa vội vã chia tay cái nóng oi ả của mùa khô để chuẩn bị chào đón những ngày mát lạnh hiếm hoi cùng những cơn mưa bất chợt thay mùa mới và trên con đường tan sở tấp nập, tôi nhìn lại quãng đường mình đã trải qua tại nơi tôi dành gần hết thời gian mỗi ngày một cách tự nguyện.
Năm 2014, tôi bắt đầu bén duyên vào nghề hành chính nhân sự tại FTEL. Như những nhân sự tại chi nhánh tỉnh khác tôi được giao trọng trách phụ trách luôn mảng công đoàn mà các anh chị hay gọi đùa cho công việc này là “Chủ tịch công đoàn”. Có thể nói công việc này ở chi nhánh là một gánh nặng vì ngoài công việc chính ra không ai muốn thêm công việc nào khác. Lúc đầu tôi cũng nghĩ như vậy vì khối lượng công việc của tôi cũng không ít mà ở FPT thì… ăn chơi vô đối. Mỗi khi có sự kiện gì diễn ra là tôi phải tất bật lên chương trình, chạy khắp nơi mua mọi thứ làm chương trình để tổ chức cho mọi người vui chơi nên đôi lúc tôi đã từng nghĩ mình như một “Osin cao cấp” chứ không như người ta đồn đại là “Cánh tay nối dài của sếp”. Thậm chí, tôi đã chuẩn bị bỏ cuộc và rời khỏi thì chính sự an ủi và động viên rất nhiều từ đồng nghiệp, tôi kịp nhận ra rằng tôi thật sự yêu nơi này, yêu con người ở đây và tôi sẽ tiếp tục “chiến đấu” bằng tình yêu và sự đam mê vào máu huyết từ thuở nào.
Đầu năm 2016, khi được tham gia lớp tập huấn cán bộ nằm vùng, được nghe những chia sẽ về FPT thời khai thiên lập địa, hiểu rõ vai trò của mình về công việc mà tôi cho là “Osin cao cấp” và tôi nhận ra rằng mình không phải là một Osin cao cấp nữa mà giờ đây tôi là một “Cán bộ nằm vùng” thực sự, một người giữ vai trò tại sự gắn kết các phòng ban, tạo sự gắng kết của nhân viên trong tổ chức khi áp dụng công thức “T-Đ-T” nghĩa là “Tinh thần – Đồng đội – Thực hiện”.
Tinh thần: phải xác định được đúng bản chất công việc và xác định rõ mục tiêu khi mình tổ chức một sự kiện nào đó. Nghĩ về những khó khăn của tổ chức để đưa ra chương trình cho phù hợp.Làm một Cán bộ nằm vùng thì trước hết phải biết cho đi, khi mọi người vui thì mình cũng sẽ vui theo, khi mọi người buồn thì mình tìm cái sai để rút kinh nghiệm không nên từ bỏ. Khi bạn làm việc với cái tâm thì chắc chắn sẽ thành công
Đồng đội: trước đây khi tổ chức một sự kiện nào tôi cũng chỉ làm một mình nên khối lượng công việc nhiều kinh khủng và hiệu quả sẽ không cao. Tôi nhớ lại câu nói của chị TrangPT: “Các em không làm một mình mà vẫn còn nhiều người ở đây làm cùng làm với các em”. Từ đó, tôi hiểu tầm quan trọng của việc làm việc nhóm. Tuy nhiên, để một nhóm cùng làm việc với mình khi bạn kêu gọi họ là một chuyện rất khó vì ai cũng có công việc riêng của mình hết do đó phải tạo ra sự đam mê cho họ vì khi bạn đã thích làm một việc gì đó thì bạn sẽ không ngại bất cứ điều gì..Cũng sẽ có những lúc nhóm thực hiện không thành công thì hơn ai hết bạn phải biết động viên và tạo tinh thần cho nhóm tiếp tục thực hiện.Đó là cách tôi đã làm. Từ ngày có những đồng đội bên cạnhtôi thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều và công việc cũng trở nên thú vị hơn. Quan trọng là tôi không làm một mình nữa mà còn có rất nhiều người bạn bên cạnh tôi.Và khi thực hiện: khi đã nghĩ thì phải làm và thử làm những việc mình chưa từng làm, luôn tạo ra sự sáng tạo trong cách thực hiện.
Và như thế, tôi vẫn còn đó những người đồng nghiệp để có thể tin tưởng, để nghe lời khuyên, sẻ chia những nỗi buồn, cổ vũ khi không tự tin và giúp đỡ một cách chân thành. Và tôi may mắn khi đã có được những người đồng nghiệp như thế. Dù mạnh mẽ tới đâu thì cũng chẳng ai có thể một mình đứng trước vô cùng, vì thế, những người đồng hành luôn có ý nghĩa đặc biệt.Tôi chưa đủ trải nghiệm để khẳng định một điều gì cả. Nhưng tôi tin rằng dù cuộc sống có phức tạp thế nào đi nữa, chỉ cần một tấm lòng chân thành và sự nhiệt tâm trong công việc, ai rồi cũng sẽ gặp được những người như thế trong cuộc hành trình khám phá cuộc sống này.
Ngô Thị Thu Nga