Cách đây mấy năm, tôi có tham gia chấm các bài luận, thi vào Đại học FPT. Đề bài khá hay: Em hãy chia sẻ góc nhìn của mình về câu nói "Tiền bạc không mang lại hạnh phúc".
Mặc dù chủ đề hay, nhưng không có bài viết nào thật sự sâu sắc. Bàn về "hạnh phúc", mà trong tất cả các bài tôi đã chấm, không có thí sinh nào nhắc tới hai chữ "đau khổ". Tuy hơi thất vọng, nhưng tôi không ngạc nhiên. Các em có quá ít trải nghiệm để biết rằng, chỉ có những người từng kinh qua đau khổ, mới có thể hiểu hai chữ "hạnh phúc" một cách đầy đủ nhất.
Người chưa sống qua chiến tranh sẽ không biết trân quý những năm tháng hoà bình; người chưa trải qua khó khăn sẽ không đánh giá đúng ý nghĩa của sự thuận lợi. Bữa ăn ngon nhất đời - tôi đã ăn từ rất lâu, sau hai ngày đói vàng mắt, chứ không phải đợi tới sau này, khi có đủ tiền để cho phép mình thưởng thức sơn hào hải vị.
Chúng tôi là một thế hệ không may mắn, khi đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Năm đầu tiên chúng tôi cắp sách tới trường, thì Mỹ cũng bắt đầu ném bom miền Bắc (1964). Và khi chúng tôi tốt nghiệp phổ thông, chiến tranh mới kết thúc (1975). Chúng tôi không có tuổi thơ, hay chính xác hơn, chúng tôi đã có một tuổi thơ đầy gian khó. Nhưng trong cái rủi có cái may. Chính sự gian khó đã dạy chúng tôi nhiều điều. Tôi rất thích câu nói của nhà văn Xô Viết Nhicolai Oxtropxki: "Thép phải tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, nó mới trở nên cứng rắn và không hề biết sợ".
Con cái chúng ta hôm nay được sinh ra và lớn lên trong hoà bình, được sống và học tập trong môi trường thuận lợi hơn. Nhưng các cháu không may mắn có được một ông thầy giỏi nhất là sự gian khó. Kiến thức của các cháu có thể nhiều hơn chúng ta, nhưng chúng chưa được rèn luyện trong những hoàn cảnh khó khăn. Bình thường, mọi chuyện có vẻ ổn. Nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, sự yếu kém mới bộc lộ.
Mấy năm trước, ở Sài Gòn có bão. Gió chỉ cấp 5 cấp 6, nhưng cây cối đổ ngổn ngang. Tôi nói với cô con gái: "Ngoài Bắc, cho dù bão lớn hơn, nhưng cây cối đổ ít hơn, con biết tại sao không? Vì ngoài Bắc năm nào cũng có bão, nên cây cối thường xuyên được rèn luyện. Trong hoàn cảnh bình thường, sẽ không ai nhận ra là cây cối ở Sài Gòn yếu hơn cây cối ở Hà Nội. Chỉ trong giông bão, điều này mới bộc lộ".
Sự thành công trong hoàn cảnh thuận lợi có thể khiến nhiều người ngộ nhận về khả năng thành công tiếp theo.
Tôi có anh bạn là một doanh nhân thành đạt, đã gây dựng nên một tập đoàn uy tín, được mọi người kính trọng. Nhưng chỉ trong 2-3 năm, con trai anh đã làm hỏng nhiều thứ mà người cha tốn bao nhiêu công sức gây dựng lên. Trong sai lầm của đứa con có một phần lỗi của người cha. Khi cháu mới tốt nghiệp hạng ưu từ nước ngoài trở về, anh đã lập tức giao cho cháu làm PTGĐ tập đoàn. Có tiền, có quyền, có tri thức, cháu nghĩ mình là ông trời. Lẽ ra anh nên cho cháu bắt đầu từ vị trí một nhân viên thường, không để lộ thân phận, cho cháu chịu cảnh bị người khác đè đầu cưỡi cổ... Đối diện với thực tế gian khổ, cháu mới có thể từng bước trưởng thành.
Các bậc cha mẹ, đặc biệt là những gia đình khá giả, luôn cố gắng tạo mọi sự thuận lợi cho con cái. Nhiều người có suy nghĩ, ngày xưa mình khổ nhiều rồi, bây giờ hãy để cho con sung sướng. Nhưng họ quên mất, gian khổ chính là người thầy giỏi nhất. Chẳng có giáo sư nào, cho dù từ những đại học danh tiếng nhất, có thể giỏi hơn cách mà thực tiễn gian khổ dạy chúng ta. Và như trò đùa của Thượng đế, nhiều gia đình giàu có, một cách vô thức, đã đóng cửa, không cho ông thầy giỏi nhất này vào nhà; có thể vì thế mà họ đã không thể duy trì sự thịnh vượng qua nhiều thế hệ.
Tôi không chắc lắm về thành ngữ "không ai khó ba đời". Có thể đây chỉ là sự an ủi động viên những người nghèo, giúp họ có niềm tin vào tương lai. Nhưng cũng có thể trong đó chứa đựng một đạo lý sâu sắc, vì trong nhà người nghèo luôn có mặt ông thầy giỏi nhất.
Tôi không nghĩ, sẽ có nhiều cha mẹ chia sẻ quan điểm "nên chủ động tạo thêm khó khăn cho con cái" để rèn luyện chúng. Nhưng ít nhất, chúng ta cũng không nên tạo cho con cái sự thuận lợi quá mức. Đừng bế chúng đặt lên bệ cao. Hãy để chúng tập đứng, tập đi và tự trèo lên chỗ chúng có thể.
Hoàng Minh Châu