Mình đã làm gì mỗi khi cảm thấy bất an?

Ai cũng phải trải qua cảm giác bất an vài năm một lần, một vài lần mỗi năm hoặc cảm giác này sẽ đằng đẵng theo bạn mỗi ngày mỗi tháng. Tuy nhiên vẫn có những cách làm hiệu quả để xua tan đi âu lo và lấy lại cảm xúc.


Cảm thấy bất an chẳng hề dễ chịu. Nó khiến cuộc sống của chúng ta bỗng trở nên bấp bênh, vô định và đôi khi, nó cũng là khởi đầu cho những cơn khủng hoảng lớn trong đời. Sau những ngày tháng có phần bình yên, mình đã từng trải qua những tháng ngày bị cảm giác lo âu “phong tỏa”. 


Trong đợt dịch Covid – 19 này, mình nghĩ nhiều người cũng rơi vào tình trạng này. Biết bao nhiêu người tự dưng mất việc, trừ lương, không biết ngày mai phải kiếm sống ra sao. Trải qua tình trạng ấy, không bất an mới là chuyện lạ. Chỉ có điều, cảm giác bất an của mình lại chẳng liên quan lắm đến dịch Covid – 19 mà lại xuất phát từ một ngách nhỏ nào đấy trong tâm hồn. Thế mới nói, “cơn bão bất an” có thể đến vào bất cứ lúc nào, ngay cả những khi mình không ngờ đến.

Là một người hướng nội, mỗi khi cuộc sống xuất hiện những xáo trộn không báo trước và đưa bản thân vào thế bị động, mình lại cảm thấy bất an. Những lúc như thế, mình thường ăn không ngon, ngủ không yên, không muốn làm bất cứ điều gì. Thậm chí ngay cả việc thở cũng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Nhưng cuộc đời mà, phải có những giây phút khó khăn như vậy, thì mình mới biết trân trọng khoảng thời gian được ăn uống và làm việc bình thường.

Khi rơi vào trạng thái bất an, mình thường áp dụng một vài cách để tự “nâng đỡ” tâm trạng của bản thân. Nếu bạn cũng đang ở trong tình trạng này, hy vọng một vài tips của mình sẽ hữu ích cho các bạn.

1. Chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống

Điều này mình mới học được khi bước chân vào đi làm, gặp gỡ sếp và những người đồng đội trong cơ quan.

Trước một vấn đề nào đó, nếu là một người lạc quan, bạn sẽ nghĩ đến những trường hợp tươi sáng. Ngược lại, nếu là người bi quan, bạn thường nghĩ đến các tình huống tồi tệ.

Thực ra mình thuộc dạng thứ 2. Mình luôn nghĩ đến trường hợp xấu nhất, nhưng không phải để thêm chán nản hay lo âu, mà để chuẩn bị cả về mặt tinh thần lẫn những phương án “đối phó” hiệu quả.

Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi vấn đề của cuộc sống để bản thân tự tin và an yên.

Khi xuất hiện một vấn đề khiến mình bất an, mình sẽ hình dung ra mọi kịch bản có thể là “hệ quả” của vấn đề này. Tiếp đến, mình đi tìm giải pháp cho từng kịch bản ấy. Nếu chuyện này xảy ra, mình nên làm gì, mình sẽ như thế nào, mình cần chuẩn bị mọi thứ ra sao? Sau khi viết ra như vậy, tự dưng mình cũng cảm thấy yên tâm thêm một chút.

2. Tìm kiếm những điều tích cực

Mình tin chuyện gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, dù đôi lúc mặt tích cực hoàn toàn bị “lép vế”. Nếu muốn tinh thần phấn chấn hơn một chút, mình không còn cách nào khác là phải tìm ra những điều tích cực ấy.

Hãy luôn tìm cho mình những điều tích cực trong cuộc sống

Chẳng hạn khi bỗng dưng làm việc tại nhà, thay vì chỉ biết lo lắng đến tình hình nghiêm trọng của sự việc, mình sẽ nghĩ đây là một khoảng thời gian hiếm hoi sau mình được ở gần gia đình, nhưng công việc thì vẫn tiếp diễn.

Dù làm việc ở nhà hay công ty thì mình sẽ luôn tự tin vì đã có nền tảng công việc online đã được chuẩn bị từ trước.

3. Tâm sự với mọi người

Mình có xu hướng tự giải quyết vấn đề của bản thân nên ít khi nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi mình cảm thấy tâm trạng thật sự không ổn, mình sẽ tìm đến bạn bè hoặc bất kỳ một người nào đó mình tin tưởng và chia sẻ lo lắng của bản thân.

Khi tâm sự với mọi người, mình không kỳ vọng bản thân sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích hoặc có thể giải quyết ngay vấn đề bản thân đang gặp phải. Bởi mình chỉ cần một lời chia sẻ, động viên để thêm mạnh mẽ đối mặt với những khó khăn ấy.

4. Nghe nhạc không lời

Mình có hẳn cả một danh sách nhạc để nghe khi buồn. Thế nhưng, cảm giác bất an vốn ở một “level” khác nên khi nghe những bản nhạc có lời truyền cảm hứng, mình lại cảm thấy hơi khó chịu. Vậy nên, nếu tâm trạng lênh đênh, mình thường tìm đến những bản nhạc không lời.

Các bạn có thể tìm kiếm những bản nhạc này trên youtube, soundcloud, spotify… với các từ khóa như: “Lofi music”, “chill hope music”...Cảm giác nghe xong biết nói như thế nào nhỉ? Thấy lòng nhẹ hơn một chút, tinh thần được thanh lọc hơn một chút và dễ ngủ hơn một chút.

5. Ngủ một giấc thật sâu

Vào giai đoạn thực tập cuối khóa, mình từng trải qua một cú shock tâm lý khá nặng khi xảy ra những mâu thuẫn với đơn vị thực tập và kết quả mình bị từ chối không được cấp chứng nhận hoàn thành khóa thực tập ấy. 

Lúc ấy mình thật sự bất an và suy sụp. Mình thấy mệt mỏi và như một bản tính tự nhiên, cơ thể mình mách bảo rằng mình nên đi ngủ một giấc thật sâu, sau đấy mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Và rồi giấc ngủ đến thật nhanh dù lúc ấy trời chỉ mới 17h00 chiều. Khi mình thức dậy, mình cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn, những khối lo toan, bất an trong mình được sắp xếp.  Mình tin rằng đó không phải là kết thúc, mình tin rằng sẽ có nhiều cách khác để thay đổi vấn đề, và rồi mọi chuyện với mình cũng đã ổn.

Mình luôn lựa chọn giấc ngủ như một giải pháp tuyệt vời giúp mình cân bằng lại cảm xúc.

Những điều mình làm khi cảm thấy bất an không làm cảm giác khó chịu này biến mất hoàn toàn. Chúng chỉ mang tính chất giải tỏa “tạm thời”, giúp mình không bị lún sâu vào trạng thái tuyệt vọng. Cảm giác bất an chỉ hoàn toàn biến mất, khi mình đã giải quyết được từ vấn đề “gốc rễ”, nguyên nhân nó xuất hiện. Dù vậy, mình vẫn phải công nhận rằng những điều trên vô cùng hữu ích với tâm trạng của bản thân và mình hy vọng, chúng cũng hữu ích với bạn.

Đèn Biển
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn