Nhiều người tin vào sức mạnh vô biên của đồng tiền. Họ nghĩ, thứ gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng nhiều tiền.
Thực ra, tiền có thể mua được tất cả những gì người ta bán ra. Nhưng, có những thứ chẳng có ai bán cả, thì tiền cũng không thể mua được! Hạnh phúc là một thứ như vậy. Tôi chưa từng thấy ai rao bán hạnh phúc cả. Vì thế, dù có bao nhiêu tiền bạn cũng sẽ không biết mua hạnh phúc ở đâu.
Có một khái niệm, đôi khi bị nhầm tưởng là hạnh phúc. Đó là "sung sướng". Sung sướng là cảm giác khi được thỏa mãn về vật chất. Sung sướng luôn đi liền với tiền bạc, với sự đầy đủ và tiện nghi. Người nghèo thì không thể sung sướng. Nghèo luôn đi liền với khổ.
Trong khi đó, hạnh phúc là cảm giác khi được thỏa mãn về tinh thần. Một gia đình nghèo, nhưng vợ chồng yêu thương nhau, con cái ngoan ngoãn mạnh khỏe... vẫn có thể hạnh phúc. Tiền có thể làm cho người ta sung sướng, nhưng nó không nhất thiết mang lại cho người ta hạnh phúc.
Khi thấy một gia đình giàu có bất hạnh, người ta thường quy kết cho đồng tiền cái tội: "Tiền không mang lại hạnh phúc". Điều này cũng thật buồn cười. Đồng tiền ra đời với chức năng duy nhất là "làm trung gian trao đổi giữa các giá trị". Chẳng ai giao cho đồng tiền sứ mệnh là phải mang lại hạnh phúc cho người sở hữu nó. Người ta đã gán cho đồng tiền một nhiệm vụ không thuộc về nó, rồi khi nó không làm được, người ta lại trách nó... bạc.
Bản thân đồng tiền không có gì sai. Chỉ có thái độ với đồng tiền mới có chuyện đúng sai.
Có hai thái độ sai với đồng tiền: một là quá coi nhẹ chuyện tiền bạc; hai là tôn sùng nó, làm nô lệ cho nó. Chúng ta nên trân trọng đồng tiền vì nó giúp ta vượt qua khó khăn, cũng như cho ta phương tiện thực hiện những giấc mơ.
Nhưng đồng tiền có hai mặt. Mặt trái của nó rất khó lường. Tới một lúc nào đó, nó sẽ như quỷ dữ, cám dỗ ta đi vào con đường sai trái. Khi bạn còn nghèo khó, hãy trân quý đồng tiền; khi bạn đã khá giả, hãy thận trọng với nó.
Và đừng bao giờ tin rằng, tiền có thể mang lại cho bạn hạnh phúc.
Hoàng Minh Châu