Cơn lũ lên nhanh, nhà chỉ có hai bà cháu nương tựa, Bùi Vĩnh Huy Hoàng phải chạy vội về đưa bà sang nhà người thân lánh nạn, rồi một mình dọn dẹp, kê cao đồ đạc. Đã quá quen với mưa bão, nhưng cơn lũ năm nay khiến Hoàng không kịp trở tay.
Những ngày qua, tin cảnh báo về mưa lũ đến dồn dập. Mưa lớn trên diện rộng, nước sông Hoài chảy qua phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã mấp mé tràn lên đường. Tuy nhiên, các cán bộ nhân viên khối Kinh doanh chi nhánh FPT Telecom Quảng Nam vẫn onsite thị trường theo đúng kế hoạch. Mưa to là điều quá quen thuộc với mảnh đất miền Trung. Mưa mà không ngập thì mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.
Bùi Vĩnh Huy Hoàng, nhân viên kinh doanh, nhớ lại một ngày mưa trắng xoá. Khu vực Hoàng được phân công onsite nằm ở vị trí cao, nếu chỉ mưa thì không có nhiều ảnh hưởng, nhưng nhà của cậu lại khác. Nhà Hoàng nằm gần trung tâm phố cổ. Cậu không hay biết rằng nước sông Hoài đang lên rất nhanh, chẳng mấy chốc đã tràn vào một vài ngôi nhà gần đó. Nhận cuộc gọi từ người thân, Hoàng mới hoảng hốt chạy về. Nhà lúc này chỉ có mỗi bà, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Hoàng không sống chung với bố mẹ mà từ nhỏ đã ở với bà. Bà cũng là người một tay nuôi nấng cậu trưởng thành.
Trong cơn lũ cuồn cuộn lên nhanh, hai bà cháu lo lắng không biết phải làm thế nào. Với tốc độ này, chẳng mấy chốc nước sẽ tràn vào nhà. Tài sản có thể làm lại được, nhưng tính mạng thì không thể. Nghĩ đến đó, Hoàng vội vàng thu dọn mấy bộ quần áo, dìu bà của mình sang ở nhà người thân. “Hội An cũng thường xuyên bị ngập. Nhưng trận lũ này nước lên nhanh quá. Lúc đó mới thực sự lo. Đưa bà sang nhà người thân mà mình thấy thương bà rất nhiều”. Đi trong cơn mưa lớn, Hoàng - năm nay mới 23 tuổi - đã gánh trên vai bao nỗi lo. Cậu lo về sức khoẻ của bà, lo cả chuyện sắp xếp, kê cao đồ đạc.
Đưa được bà đến nơi an toàn, chàng trai trẻ mới thở phào nhẹ nhõm. Hớt hải chạy về, lúc đó nước đã sắp sửa tràn vào, Hoàng chỉ kịp cởi vội chiếc áo mưa. Mọi đồ đạc dần được đưa lên cao. Suốt 3 giờ đồng hồ, Hoàng loay hoay với đủ thứ việc. Ở nhà, cái gì cũng quý nên đều được đưa lên khu vực an toàn. Xong xuôi, cậu cũng phải khoá cửa để đi lánh nạn.
Mưa đến đâu, Hoàng và bà lại lo đến đấy. Cơn lũ chưa từng có trong lịch sử. Mênh mông phố cổ là nước. Hai bà cháu chỉ biết hy vọng nước lũ đừng dâng cao, để đồ đạc trong nhà không bị hư hại. “Lúc đó, nước cũng phải đến ngang ngực rồi. May sao những tài sản có giá trị được đưa đi kịp thời nên gia đình không bị thiệt hại nhiều. Cơ mà một phen hú vía”.
Trước khi đầu quân về phòng Kinh doanh FPT Telecom Quảng Nam, Bùi Vĩnh Huy Hoàng là một cậu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học và đang loay hoay tìm việc. Sinh ra tại phố cổ Hội An, cậu quyết định theo học ngành du lịch với hy vọng sống bằng cái nghề này ngay tại quê hương. Tuy nhiên, Covid khiến ngành du lịch Hội An tê liệt. Cơ duyên này đã đưa Hoàng đến với FPT Telecom. Sau thời gian đầu có phần chưa quen, nay cậu dần yêu công việc và môi trường nhà Viễn thông. Đáng mừng nhất là Hoàng đã có thể kiếm tiền để lo cho bà. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nuôi cháu trưởng thành cho đến lúc có thể tự lập kiếm sống là điều mà bà của Hoàng mãn nguyện nhất.
Chống chọi với cơn bão, anh Đoàn Văn Lĩnh, phòng Kỹ thuật chi nhánh Quảng Nam, còn phải thức trắng đêm để canh mực nước. Nhà anh nằm trong khu vực ngập nặng của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Mưa bão bất ngờ khiến nước lên nhanh, chẳng mấy chốc đã tràn vào nhà. Trong đêm tối, vợ chồng anh Lĩnh phải thắp đèn dầu, khẩn trương kê đồ đạc lên cao để tránh hư hại. Anh bảo, mưa bão ở mảnh đất miền Trung là điều không lạ lẫm gì, nhưng lũ kéo dài liên tục như năm nay thì trước giờ hiếm thấy.
Vừa làm, anh lại vừa lo cho hạ tầng bị ảnh hưởng. Cầm điện thoại trên tay, tin báo của đồng nghiệp nhắn về liên tục. Đó là dòng tin báo của anh em khối Kỹ thuật đang onsite ngoài đường để kiểm tra, rà soát hạ tầng. Nằm tạm trên chiếc giường, bên dưới là mênh mông nước, anh thấy lo cho gia đình, sốt ruột mong trời nhanh sáng. Anh Lĩnh đấu tranh tư tưởng cả đêm không ngủ. Bằng cách nào để có thể đến công ty, khi khu vực nhà anh là nơi ngập nặng.
Trời vừa sáng, cơn lũ sau một đêm quần thảo có dấu hiệu hạ nhiệt. Nước rút dần, nhưng vẫn còn cao tầm ngang ngực. Gọi về chi nhánh, nhân lực đang rất thiếu. Một số tuyến cáp bị đứt, anh em cũng mệt lả vì mấy ngày ngâm mình trong lũ. Không chút ngần ngại, anh Lĩnh lội bộ ra phía chiếc ghe của một người đánh cá gần đó, xin nhờ ra đường quốc lộ. Ở đây, đồng nghiệp đã dùng xe máy đợi sẵn. Khoảnh khắc ngồi trên chiếc ghe nhỏ, anh chỉ nghĩ về các đài trạm đang cần ứng cứu. “Đó là nhiệm vụ, mà nhiệm vụ thì chúng tôi phải hoàn thành”, anh nói.
Trong trận lũ lịch sử của miền Trung, nước lên nhanh khiến ai nấy đều trở tay không kịp. Chỉ sau một đêm, nhà anh Dương Trung Thành Đạt, phòng Kinh doanh FPT Telecom Quảng Trị, nước đã mấp mé tràn vào nhà. Điều anh lo lắng nhất là đứa con đầu lòng chỉ mới 8 ngày tuổi. Hai vợ chồng vừa quyết định ra ở riêng tại phường 1, TP Đông Hà. Cứ nghĩ cơn bão đổ bộ vẫn như mọi năm, hai vợ chồng chỉ sửa soạn một ít lương thực chống bão, chằn chống nhà cửa... chứ không lường trước được tình huống lũ đến. Bồng bé con còn đỏ hỏn trên tay, anh Đạt chốc chốc lại nhìn mực nước với ánh mắt đầy lo lắng. Dường như chẳng có chút dấu hiệu dừng, nước vẫn lên cuồn cuộn.
Nước tràn vào nhà anh, ngập dần từ mắt cá chân đến đầu gối. Nhìn con, rồi quay sang vợ vẫn đang còn rất yếu sau sinh, anh Đạt quyết định không thể chần chừ thêm được nữa. Đưa con cho vợ ẵm, anh dùng mọi cách để liên lạc. Lúc này, phía ngoài đã mênh mông nước. Con đường dẫn vào nhà cũng ngập ngang bụng. Nếu cả nhà lội lũ di tản thì quá nguy hiểm. Sau một hồi gọi điện cho người thân, đồng nghiệp chi nhánh... anh Đạt tìm được một chiếc ca-nô. Lúc ấy, không còn nghĩ nhiều đến tài sản, của cải, mà tính mạng là quan trọng nhất. Lòng anh như lửa đốt khi ngồi đợi ca-nô đến. "Ban đầu cứ nghĩ mọi thứ không sao, nhưng khi nhìn nước dâng lên dần tôi mới thấy lo sợ. Cập nhật tin tức, những lời cầu cứu ngập tràn trên mạng xã hội. Càng đọc, tôi lại càng ngóng ra phía cửa nhà chờ ca-nô. Chỉ lo có quá nhiều người ở trong tình trạng giống tôi".
May mắn, gia đình anh Đạt được di tản kịp thời. Đưa vợ lên ca-nô, em bé được mẹ ôm chặt trong vòng tay, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Thế là sống rồi. Đứng giữa cả cánh đồng ngập nước, anh Đạt mới thấy tính mạng gia đình mình quá mong manh. Nhà anh được cứu, nhưng còn rất nhiều gia đình vẫn đang cầu cứu ở ngoài kia.
Nguồn: Chungta