Khi bỏ phiếu rút thăm vào chiếc hòm, tôi không biết lá phiếu đó sẽ mang lại cho tôi cơ hội tham gia hành trình Vị Xuyên. Lúc ấy tim tôi đập nhanh vô cùng, cảm giác thật khó tả khi trong hàng nghìn người F tại TP HCM, tôi là người duy nhất được thần may mắn mỉm cười.
Chuyến đi này rất thú vị bởi với tôi có quá nhiều cái "lần đầu": lần đầu ra Hà Nội, lần đầu đi Hà Giang, lần đầu tham gia hoạt động của FPT tại nơi địa đầu tổ quốc… Vậy là ngày khởi hành đã tới. Đoàn xe lăn bánh từ 5h sáng, khoảng 12h trưa đến nơi, nghỉ ngơi ăn uống, sau đó chúng tôi bắt đầu hành trình.
Điểm đến đầu tiên là nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Nơi đây mang không khí trang nghiêm và tĩnh lặng. Tôi được đưa khoảng 20 nén nhang đến thắp hương tại mộ liệt sĩ. Cả thảy 1.780 ngôi mộ ở đây dường như có chung năm mất 1984, tôi tính nhẩm, bất ngờ khi biết các anh hy sinh khi chỉ mới đôi mươi - độ tuổi còn quá nhiều hoài bão. Đang mải chìm đắm trong dòng suy nghĩ, tôi bỗng nghe tiếng đàn ghi-ta vang lên cùng giọng hát khiến người nghe nghẹn ngào: "Sống bám đá đánh giặc - chết hóa đá bất tử - Lời thề tuổi xuân nước Nam hào khí vọng vang…".
Là nhạc sĩ Trương Quý Hải đang hát cho đồng đội nghe, tôi nhận ra ngay lập tức. Đến khi giai điệu cuối cùng của bài hát vang lên, vài người xung quanh xụt xùi, chính bản thân tôi cũng nghẹn ngào, xúc động.
Lúc này anh Hải đưa tay xoa nhẹ bia mộ, mắt rưng rưng, nói chuyện với đồng đội như thể họ đang cùng sống và chiến đấu 35 năm trước. Anh ngồi xuống đất, lấy tay áo quệt hai hàng nước mắt tuôn rơi trước hàng chục người đứng xung quanh. Thể diện của người lính buộc anh phải kiềm chế cảm xúc, nhưng trong thời khắc ấy tôi hiểu rằng còn có những nỗi đau không gì xoa dịu được.
Trong bối cảnh ấy, tôi thấy tim nhói đau.
Tiếp tục chuyến đi, chúng tôi rong ruổi trên những con đèo uống lượn, phía xa xa là những ngôi nhà chưng hững trên triền núi. Đoàn ngừng tại trường Tiểu học B Minh Tân, một ngôi trường be bé thuộc vùng xa của huyện Vị Xuyên. Chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhận được những chia sẻ từ nhà trường: "Hằng ngày các em phải lội nhiều cây số để học con chữ, trong cặp là những quyển vở kèm một vắt cơm lạnh ngắt".
Sáng hôm sau, chúng tôi di chuyển lên đài tưởng niệm 468, một nơi linh thiêng nằm giữa núi rừng Tây Bắc. Cao điểm này từng là một trong những mặt trận chiến đấu ác liệt. Tại đây lần đầu tiên tôi nghe chị Trương Thanh Thanh xúc động phát biểu trước anh linh của hàng nghìn chiến sĩ, giọng chị lạc đi trong tiếng gió đại ngàn. Cũng tại đây tôi nhìn anh Hải chỉ tay lên từng cao điểm, anh nhớ rõ những nơi đồng đội anh đã hi sinh và ngã xuống như thế nào.
Rất nhiều chiến sĩ Vị Xuyên đánh đổi xương máu khi tuổi mới đôi mươi để đổi lấy cơ hội sống cho rất nhiều người và cả thế hệ mai sau. Thời khắc này chính tôi đã không kìm được nước mắt, cảm xúc hỗn độn, vừa buồn thương, vừa tự hào bởi đất nước mình đã trải qua những năm tháng đau thương như vậy nhưng vẫn quật cường tiến bước.
Rời khỏi cao điểm 468, đoàn xe lăn bánh đến điểm tiếp theo trong hành trình. Tôi ngồi tĩnh lại, mắt hướng nhìn những cây hoa gạo nở bên lưng núi, lòng tự hứa phải cố gắng hơn trong công việc. Các anh đã đánh đổi tính mạng để đất nước hòa bình, thì không lý do gì chúng tôi không dùng sức trẻ để đưa FPT phát triển lên tầm thế giới. Lúc này trong đầu tôi vang lên từng câu nói của anh Hoàng Trung Kiên: "FPT mình là tập thể công nghệ hàng đầu, có nhiệm vụ đưa trí tuệ Việt Nam sánh vai với các cường quốc, để khi nhắc đến Việt Nam, quốc tế đều phải nể phục".
Nguyễn Trần Minh Hiếu