Tại sao lớp trẻ tự nhiên lại ì ra? Có lẽ các bạn ấy không biết rằng, hỏi ngu cũng là cách để trưởng thành.
Hồi mới bắt đầu triển khai FPT Software, có lần khách Tây sang dạy cho quân của tôi một công nghệ mới. Sau cả buổi chiều vất vả dạy dỗ, tối đến khách hàng tâm sự: "Bọn tao không thể làm với chúng mày được. Quân của chúng mày dốt quá". Tôi tức lắm hỏi lại: "Mày mới dạy một buổi sao biết quân tao dốt?". "Thì dạy xong, tao hỏi có đứa nào có câu hỏi gì không? Không thấy thằng nào giơ tay. Chứng tỏ là chẳng thằng nào hiểu gì".
Thế là chúng tôi mất béng cái hợp đồng đấy. Vì không ông nào dám giơ tay hỏi. Ngẫm nghĩ lại thấy khách hàng hoàn toàn có lý. Tưởng sau nhiều năm, giới trẻ sẽ tiến bộ lên, ai ngờ càng ngày càng tệ.
Đi dạy, mỗi khi hỏi: có ai muốn hỏi hoặc có ý kiến gì không, tôi thấy các sinh viên tự nhiên cắm đầu xuống hết. Mà không chỉ sinh viên mới lớn, quen ngoan ngoãn nghe lời. Cả các học viên trưởng thành hơn, tự tin hơn, đã đi làm, học các loại MBA, hay khoá lãnh đạo cao cấp cũng thế.
Nghĩ tiếc anh em bỏ thời gian, bỏ tiền đi học, tôi thường yêu cầu học viên có những vấn đề nào cần quan tâm thì đăng ký trước, để mình có thể điều chỉnh bài giảng. Vậy mà không ít lần tôi phát cáu: đến đây chẳng hát thì hò, chẳng phải con cò ngóng cổ lên nghe. Các anh chị không có câu hỏi gì, thì tốt nhất giải tán lớp, tôi cũng đỡ phải dạy, các anh chị có thể đi chơi giao lưu.
Khi Thomas Edison hỏi thầy giáo ở trường rằng liệu có thể cho âm thanh vào một cái hộp không, tất nhiên câu hỏi đó là một câu “hỏi ngu” tuyệt đối theo nhận định của xã hội lúc bấy giờ. Những câu hỏi “ngu” đến mức người ta đã đuổi học Edison kèm lời nhắn cho mẹ cậu bé rằng tốt nhất nên để trò Thomas đi chăn lợn thì hơn. Nhưng cuối cùng, những câu hỏi ngu của cậu bé ấy lại trở thành tiền đề thay đổi lịch sử công nghệ.
Khi Warren Buffett và Bill Gates, bây giờ là người giàu thứ nhất và thứ nhì nước Mỹ, gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 5/7/1991, họ đã nói chuyện gì với nhau? Bàn chuyện mua một hòn đảo để nghỉ dưỡng hay siêu xe? Câu chuyện đã được kể lại nhiều lần: Lúc đầu, cả hai đều rất bối rối khi được hẹn gặp nhau, chẳng biết phải nói chuyện gì, với Buffett thì máy tính và rau bắp cải cũng giống nhau (đến giờ ông vẫn chưa có e-mail), còn Bill Gates thì than phiền với mẹ rằng: “Con biết nói chuyện gì với một người suốt ngày chơi cổ phiếu?”.
Cuối cùng, họ chỉ ngồi đó để đặt các câu hỏi cho nhau. Buffett ra sức hỏi Gates về các cổ phiếu công nghệ, vì ông thấy các công ty công nghệ “cứ ra đời rồi lại biến mất”. Gates lại hỏi Buffett về việc đầu tư vào truyền thông. Họ ngồi tâm sự ba giờ đồng hồ, rồi trở thành bạn bè thân thiết trong suốt 25 năm sau đó, cùng xây dựng quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, chỉ vì ấn tượng của Bill Gates ngày hôm đó: “Ông già đó đặt các câu hỏi rất hay”. Vấn đề là câu hỏi. Các tỷ phú cũng không giấu rằng họ có cái cần phải học, phải… hỏi ngu.
Tại sao lớp trẻ tự nhiên lại ì ra như vậy? Có lẽ các bạn ấy không biết rằng, hỏi ngu cũng là cách để trưởng thành. Liệu có phải là phương pháp giáo dục của chúng ta, từ nhà trường đến gia đình, đã triệt tiêu đi khả năng đặt câu hỏi của những đứa trẻ? Ở nhà trường thì đọc chép, ở gia đình thì mặc định việc truyền đạt kiến thức là của trường lớp (và các bậc phụ huynh thì cũng trưởng thành dưới mái trường đọc - chép). Văn hoá hỏi lại những điều thắc mắc không được khuyến khích.
Tôi không dám nghĩ đến việc một người yêu các câu hỏi như Bill Gates mà đến dạy cho các lãnh đạo tương lai ở nước ta, thì ông sẽ lịch sự nhận xét gì?
Nguyễn Thành Nam