Khi người ta lớn, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn lên theo

Lúc nhỏ, tôi chẳng bao giờ có khái niệm về thời gian trôi nhanh hay chậm. Cũng chưa biết thèm khát đạt được những thành tích khi đến trường mà chỉ biết vui mừng trong sung sướng khi cầm trên tay vài chục ngàn đồng mang về cho ba má sau những lần đi làm thuê. Chưa biết buồn nhiều nếu mình không làm được điều này, điều kia cho ai đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong những giấc mơ của tôi ngày còn bé, có con đường đất đỏ bazan, có cánh đồng và đám bạn cùng đi chăn bò, có lần băng rừng lội suối và ngủ lại qua đêm khi đi rẫy cùng gia đình. Lớn dần, giấc mơ ấy đã có bão giông theo về trong những đêm thắp đèn dầu, bốn anh chị em cùng chụm đầu học bài quanh ngọn đèn, trên chiếc giường thước tư rồi bùng cháy vì say ngủ mà không biết ai đó đã làm đổ ngọn đèn lên tấm chiếu lát như được thêm dầu vào lửa. Là những đêm mưa dầm, hứng nước mưa lộp độp rơi trong chậu, những tháng trời gió rét luồn qua khe cửa. 


Bình yên mỗi sớm thức dậy nơi thôn quê


Nhưng mọi chuyện đã khác khi tôi lớn lên. Càng lớn, con người ta càng khoác lên mình những trách nhiệm mới, những kỳ vọng mới. Một vài kỳ vọng thì núp dưới bóng của ước mơ, một vài kỳ vọng thì hóa thành nỗi lo thường trực hàng ngày của ba má khi nhìn về bạn bè cùng trang lứa của con mình: 


“Con nhà hàng xóm thi đại học được điểm gần tuyệt đối, con nhà người ta tốt nghiệp bằng xuất sắc, mới ra trường mà làm lương tháng mười mấy triệu”


Và chúng ta sẽ càng hiểu rõ hơn rằng, có quá nhiều kỳ vọng mà ta sẽ không bao giờ đạt được hay bắt kịp nó dù có cố gắng tới đâu. Cách duy nhất chúng ta có thể làm là chấp nhận sự tồn tại của những kỳ vọng đó, nhưng đừng sống phụ thuộc vào nó. Đồng thời luôn giữ vững được niềm tin vào sự cố gắng tiến bộ của chính bản thân mình qua từng năm tháng.


Năm 18 tuổi, tôi trượt Đại học nguyện vọng 1. Đau khổ và mặc cảm trong suốt gần ba tháng rồi lại đứng lên và đi tiếp trên con đường mới. Miệt mài và kiên trì, biết buông bỏ đúng lúc, và quan trọng là phải hiểu được bản thân mình muốn gì với tất cả những việc từ nhỏ nhặt đến to tát nhất mà mình sẽ làm.


Năm 23 tuổi, cảm giác choáng ngợp và nghi ngờ về năng lực thực sự của bản thân khi quyết định nghỉ việc, tôi về quê ở ẩn 3 tháng. Xung quanh tôi toàn là những lời ra tiếng vào, tại sao...? Nhưng đó là sự thật, phải chấp nhận rằng mình sẽ có lúc thất bại, bế tắc và chắc chắn mình không phải là người giỏi nhất. 


Cùng lắm thì mình về quê nuôi gà và hái cà phê


Nỗ lực học hỏi mỗi ngày. Học từ chính những người xung quanh mình, tự tháo gỡ mối rối của bản thân và giữ vững tinh thần “ham học hỏi” để trân trọng mỗi ngày là một cơ hội cho chính mình vì đang được sống, học tập và có thêm những lần được thử thách mình trong khó khăn mà không phải ai cũng có.


Năm 25 tuổi, vẫn còn gánh trên vai một khoản nợ tài chính vì kinh tế gia đình tôi vẫn chưa vực dậy sau nhiều năm đầu tư nông nghiệp thất bại. Tài sản lớn nhất mà tôi có được là 3 năm kinh nghiệm và 1 số mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, ngoài ra chẳng có gì cả. Một nỗi sợ lớn hơn lại ập đến: “Tôi sẽ làm gì tiếp theo? Là ai ở chốn này? tôi sẽ làm được gì cho gia đình? Ở lại Sài Gòn hay là về quê?”. Đã có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi thực sự, muốn từ bỏ ước mơ làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, hiện đại rồi về quê chăn bò, trồng hoa quả cũng rất tuyệt. Nhưng!


Dịch bệnh bất ngờ ập đến, cướp đi cơ hội làm việc của hàng nghìn người. May mắn thay khi ấy tôi lại được làm việc ở FPT với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau", bỗng chốc thấy mình cũng may mắn trong cuộc đời. Đôi khi hạnh phúc đơn giản chỉ là không bị mất việc.


Sống xa nhà 10 năm, đã có lúc tôi chỉ trực được về đến căn phòng nhỏ rồi buông mình ra ngủ vì mệt mỏi, chán chường, hay có lúc khóc thầm vì đã tự kỳ vọng vào bản thân quá nhiều. Vì không làm được điều này, điều kia, hay đơn giản chỉ là vì nhớ nhà, nhớ cái bình yên trong mỗi đêm được ngủ cùng má. Nhìn lại cả một thời tuổi trẻ từ năm cấp 3 rồi đến năm 18 tuổi, từ lúc biết mình trượt Đại học, mỗi nỗi buồn đau cũng đã rất khác. Ấy vậy mà nhiều khi tôi lại thầm cảm ơn cuộc đời vì đã ném mình vào những lần khổ đau như thế.


Người ta hay nói nhiều về niềm vui, nói nhiều về sự thành công nhưng người ta ngại nói về nỗi buồn, thường thì chỉ có mình bạn và nỗi buồn chung sống với nhau trong một khoảng thời gian có thể ngắn, cũng có thể rất dài. Lần đầu tiên thất bại trong đời, người ta sẽ buồn bao lâu trước khi có thể trút bỏ tất cả mà xốc lại tinh thần? Niềm vui ai ai cũng thích, nhưng kỳ lạ là, nỗi buồn dù dai dẳng đến mấy thì đó mới là thứ làm cho bạn trưởng thành hơn, cứng cáp hơn, kiên cường hơn.


Và bởi vì nỗi buồn cũng lớn lên theo năm tháng, hãy luôn luôn mở lòng để đón nhận nỗi buồn giống như một điều tất yếu trong cuộc sống. Cuộc sống nếu chỉ có toàn niềm vui, có lẽ cũng sẽ trở thành một cuộc đời quá đỗi nhạt nhẽo. Và dù có là đau khổ tột cùng, hay vỡ òa vì sung sướng, ngày hôm nay, hãy cứ thoải mái cho mình được khóc, được cười nhé.



Thanh Hiền


Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn