Lễ hội 13/9 FPT có nên xa rời truyền thống?

Sân khấu 13/9 phải là hài, phải STCo, nội dung phải gắn với cuộc sống. Xa rời những thứ đó, người xem hụt hẫng đi nhiều.

Ngày hội 13/9 đã trôi qua với biết bao sự kiện tại Hà Nội của Hội thao Carnaval buổi sáng và Hội diễn sân khấu buổi tối. Nhìn chung, lễ hội đã diễn ra thành công, mang lại nhiều niềm vui, cảm xúc cho toàn dân FPT. Bên cạnh đó, tôi vẫn muốn có những chia sẻ khác với người FPT từ góc độ truyền thống.


Buổi sáng được gọi là Hội thao, nhưng chất thể thao rất ít, chỉ vỏn vẹn có 2 trò chơi kéo co và leo núi, nhưng thu hút rất ít người theo dõi. Bởi vào lúc 2 trò chơi này diễn ra, phần đông người FPT lại tụ tập xung quanh sân khấu trung tâm để thưởng thức nhạc trẻ. Cũng chẳng còn biết đến những pha gay cấn của những đội kéo co. Cũng chẳng biết đến mỗi đội có mấy nam, mấy nữ. Phần leo núi thì cảm giác là thi cho nó xong chương trình.


Chí ít lúc thi đấu các môn đó thì không nên biểu diễn âm nhạc. Còn nói rộng ra, việc đưa chương trình âm nhạc vào Hội thao có cần hay không? Đâu rồi những trò chơi dân gian như nhảy đôi trong bao tải, hay còn đâu những trận bóng sọt mà thủ môn là những thiếu nữ xinh đẹp, hay những màn đấu sumo theo truyền thống Nhật Bản?


Carnaval là nghệ thuật. Chất thể thao dần biến mất khỏi Hội thao 13/9.


Thế còn màn trình diễn của các nhà hát kịch họ F thì sao? Gần một nửa là chính kịch, hoặc chuyển thể nhưng không còn tính STCo, khán giả không rõ thông điệp của vở diễn và chẳng được cười sảng khoái. Sân khấu 13/9 là phải hài, phải STCo, nội dung kịch bản phải gắn với cuộc sống FPT. Xa rời những thứ đó, người xem hụt hẫng đi nhiều. Họ mong đợi những tiếng cười về cuộc sống FPT.


Bùi Quang Ngọc

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn