Những tưởng với một giám đốc, sự nghiệp sẽ có một thứ tự ưu tiên nhất định. Nhưng Bảng nhãn FPT 2020 Lương Duy Phương chưa bao giờ thôi coi gia đình là nền tảng để anh có được mọi thứ như ngày hôm nay.
Mỗi khi nhắc đến gia đình, đến bà xã, giọng Giám đốc Trung tâm Điều hành mạng (NOC) Lương Duy Phương đều như nghẹn lại: "Một người chỉ có 24h, tôi cũng vậy, mà thời gian cần dành cho công việc nhiều, khó cân bằng được với gia đình. Đó là lý do tại sao luôn trân trọng vợ".
Ngày tham giao lưu trực tuyến trên Workplace sau khi đạt danh hiệu Bảng nhãn tại cuộc thi Trạng FPT 2020, điều đầu tiên Phương nghĩ đến đầu tiên cũng là liệu vợ anh có thể xem chương trình hay không, rồi anh gửi các bài báo về kết quả anh đạt được cho chị. "Sau cuộc thi cô ấy rất vui, và bớt tủi thân vì chỉ hoạt động ở hậu phương".
Ký ức đưa lãnh đạo 8x về với những bước chân đầu tiên trong sự nghiệp. Khó khăn nhất là lúc đó anh phải thi CCIE - cấp bậc cao nhất trong hệ thống chứng chỉ quốc tế của Cisco về lĩnh vực công nghệ mạng. Chi phí đăng ký và đi lại để thi chứng chỉ lên đến 2.000 USD lúc bấy giờ - một số tiền quá lớn so với chàng trai chập chững vào đời. Phải để dành tiền đi thi, anh đã nói với bạn gái nhỡ thi không đậu phải...hoãn đám cưới để anh thi lại. Chị cũng sẵn sàng chờ anh…
Chờ anh thi cử sau 3 năm miệt mài theo đuổi; làm vợ anh khi lương chàng kỹ sư thuở đó bị chế giễu khi chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 bạn bè cùng lứa; rồi sau này lại gác lại sự nghiệp riêng, toàn tâm toàn ý lui về hậu phương để anh yên tâm công tác… Chị đã hy sinh không ít cho anh, bởi chị biết, anh đang trên con đường chạm tới ước mơ, sống với đam mê nhen nhóm từ thuở niên thiếu.
Cậu bé nhà tiệm net
Thời mới chỉ có ADSL, cậu học sinh Lương Duy Phương sớm bị hấp dẫn bởi Internet. Nhà mở quán net nhưng mẹ anh không biết gì về Internet, kỹ thuật. Mình cậu con thứ cài đặt, quản lý, tìm tòi từ máy thu tiền, máy tắt, máy mở… Phương thích mày mò phần cứng, điện tử trên PC, mê những thứ đồ công nghệ mới lạ như mainboard, card…
Thầy cô ở trường không khó để nhận ra sự thông minh và nhạy bén với các môn tự nhiên ở cậu bé tuy Phương chỉ ở hệ bán công lúc bấy giờ. Qua cuộc thi toán của trường, Lương Duy Phương được phát hiện khi xếp ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên, cậu lại 'nổi tiếng' toàn trường vì từ chối học luyện thi học sinh giỏi quận, thành phố để tập trung thi đại học.
Phương nung nấu ý định thi vào viễn thông. Đó là một lựa chọn khá hiếm vào thời điểm đó. Dùng chính Internet để tìm hiểu ngành học, anh tham khảo tất cả các ngành: học gì, ra trường làm gì, chọn đại học nào. Nhận thấy trường Khoa học Tự nhiên có các học phần học network (hệ thống mạng) mà mình hứng thú, Phương quyết định thi vào.
Ba lời mời nhận việc từ FPT cùng lúc
Chàng trai Đại học Khoa học Tự nhiên HCM bén duyên với FPT từ năm học thứ 3, khi anh đi thực tập ở FPT IS, cũng là lúc anh học về Cisco, quản trị hệ thống Data Center... Lúc bấy giờ nhà Hệ thống FPT có bộ phận làm về network cho khối văn phòng chính phủ, ngân hàng nhà nước, rồi một số dự án làm ở giàn khoan Vũng Tàu. Lương Duy Phương biết đây chính là con đường của mình.
Tình cờ, buổi bảo vệ luận văn của Lương Duy Phương có sự tham gia của Giám đốc NOC - FPT lúc bấy giờ là anh Vũ Anh Tú. Hóa ra đây là một sự kết nối giữa FPT và trường đại học KHTN. Sau khi lắng nghe phần bảo vệ của Phương, anh Tú đã liên hệ cậu, bảo đi phỏng vấn.
Buổi sáng phỏng vấn với GĐ NOC, buổi chiều chàng trai mới tốt nghiệp lại gặp anh Phạm Văn Tuyên, nguyên Trưởng phòng Voice - Viễn thông quốc tế FTI. Ngay sáng hôm sau, anh Tú gọi Phương đi làm luôn. Lời đồng ý từ anh Tuyên tiếp tục đến 2-3 ngày sau đó. Cộng thêm offer từ công ty từng thực tập là FPT IS, gần như cùng lúc cậu cử nhân nhận 3 lời mời từ FPT.
Chàng trai 8X coi đây là cái duyên lớn với nhà F. Quá trình thực tập trước đây, Phương cũng đã ấn tượng và hòa mình vào văn hóa FPT, thích thú với môi trường cởi mở, cách làm việc của anh em khác, coi thực tập sinh như đứa em trong nhà, sẵn sàng chỉ bảo, cùng đi ăn đi chơi, chia sẻ trong cuộc sống.
Ăn xôi để tiết kiệm tiền đi thi
Khi vừa tốt nghiệp và đầu quân cho FPT Telecom, Lương Duy Phương đã xác định sẽ có tấm bằng CCIE nên xin tiền ba mẹ để đăng ký thi, thậm chí là vay nợ khắp nơi để đăng ký thi. “Mỗi ngày ăn một gói xôi 3.000 đồng thì lương 5 triệu vẫn để dành được chút ít đi thi”.
Không chỉ là vấn đề tài chính, việc ôn thi rất khó khăn vì lý thuyết để ôn tập lúc bấy giờ hoàn toàn không có tại Việt Nam. Anh nảy ra ý định kết bạn với thật nhiều bạn bè quốc tế để xin tài liệu. Lặng lẽ đi thi, nhưng thành quả của cả quá trình cống hiến của anh đã vang tiếng lớn.
Khi được hỏi liệu có phải anh vốn là người có suy nghĩ lớn hay có ý thức lên kế hoạch cho cuộc đời mình từ khi tuổi còn rất trẻ, Bảng nhãn FPT 2020 nhớ lại, quyết tâm đi thi đến từ thôi thúc chứng minh giá trị bản thân so với các bạn khác, và từ quan niệm lúc nào cũng phải trau dồi, cải thiện mình.
Cạnh đó, Phương cũng muốn thể hiện cho lãnh đạo rằng mình "nói được làm được" chứ không chỉ nói suông. Thật vậy, ngay từ đầu chàng tân cử nhân đã nói trước sẽ thi chứng chỉ cao nhất của Cisco, kèm thời gian bao lâu thi xong. Sau khi hoạch định mục tiêu, anh chia nhỏ mục tiêu và hoàn thành từng bước một, như dần chinh phục 4 khóa học nhỏ, 5 chứng chỉ… và hoàn thành cam kết đúng kỳ hạn.
Nốt trầm trong sự nghiệp và quyết tâm vươn mình
"Trong sự nghiệp của tôi ở FPT có những nốt trầm mà không nhiều người biết", Giám đốc NOC trầm ngâm. Anh chưa bao giờ quên nốt trầm đầu tiên là sau khi anh được cất nhắc lên trưởng phòng sau khi đạt CCIE danh giá. Chỉ 2 tháng sau, anh đã "gây sự cố toàn quốc". Kết quả, Phương bị cách chức, cắt thưởng.
Mất 2 năm sau, anh mới xóa được "vết xấu" trong mắt lãnh đạo. Nhận ra sự bồng bột của mình, Lương Duy Phương đã quyết định đổi phương châm khác làm kim chỉ nam làm việc, không còn là "nhanh, hiệu quả" mà trở thành "chậm và chắc". "Hệ thống lúc đó đã lớn quá rồi, mọi việc cần cẩn trọng", anh nói. Dần dần, anh được bổ nhiệm Phó phòng network, rồi Phó Giám đốc NOC trước khi trở thành Giám đốc 3 năm trước.
Trong quá trình công tác tại NOC, anh đã thực hiện rất nhiều dự án lớn của nhà “Cáo” như: Di dời thành công hệ thống MetroCore quy mô lớn từ Gò Vấp về Khu chế xuất Tân Thuận (EPZ); Phát triển hệ thống IPv6 tại FPT Telecom; Triển khai tính năng giới hạn tốc độ hạ tầng PON giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho FPT Telecom hơn 1 triệu USD; Nâng cấp thành công toàn bộ mạng lưới phục vụ Carrier Ethernet với trị giá hàng chục triệu USD; Triển khai hệ thống kiểm tra sức khoẻ hệ thống network giúp mang lại khả năng kiểm soát hệ thống mạng tốt hơn; nghiên cứu và phát triển các giải pháp triển khai IPv6, góp phần đưa FPT Telecom sánh ngang với các nhà cung cấp Internet (ISP) lớn trên thế giới...
Chàng giám đốc 33 tuổi còn sở hữu nhiều chứng chỉ có giá trị khác như: JNCIA-JUNOS; CCNA Routing and Switching; Cisco Test drive Nexus 9000… Năm 2015, anh được FPT công nhận là cán bộ công nghệ cấp tập đoàn. Vị lãnh đạo trẻ cũng đã dẫn dắt nhân sự trong đơn vị đạt được những chứng chỉ cao cấp của Cisco và Juniper.
Trong công việc, phương châm của người đứng đầu Trung tâm Điều hành mạng là "kỹ tính, quyết đoán". Theo anh, lãnh đạo phải quyết đoán mới khiến nhân viên cùng hướng một mục tiêu, làm không lan man, không phải dao động về chặng đường cần đi. Cạnh đó, anh cũng đòi hỏi nhân viên luôn trau dồi bản thân, xem công ty là nhà - cải thiện và làm cho nhà tốt hơn. Bản thân anh cũng chưa bao giờ ngừng học, mỗi 2 năm anh đều phải thi lại các bằng cấp, học thêm nhiều thứ khác. "Bản thân có cảm giác không học thì sẽ thụt lùi", Bảng nhãn FPT chia sẻ.
Dịp sinh nhật 20 năm FPT Telecom, anh Phương được vinh danh trong danh sách Thế hệ tiếp nối. Anh cũng từng trong Top 50 FPT Under 35 năm 2017 trước khi phải rút đơn vì "lý do bất khả kháng" rồi chính thức lọt Top 13 FPT Under 35 năm 2018. Hiện tại, điều anh thích nhất trong công việc là nó đang tạo nhiều cơ hội để tiến xa hơn, làm những việc tạo sự khác biệt thực sự.
Tuy dành được nhiều danh hiệu danh giá tại FPT Telecom và FPT nói chung, anh dành tất cả sự tôn vinh cho những người đứng phía sau mình. "Tôi không ở cùng với ông bà nên không ai chăm bé. Lúc trước cả 2 vợ chồng đi làm về trễ, bé ở nhà không ai trông nhìn tội lắm. Vì thế vợ tôi phải nghỉ việc để chăm cho bé kĩ hơn".
Thường trở về nhà lúc 19h30-20h khi con đã ăn xong, anh quyết tâm biến mọi khoảng thời gian với gia đình trở nên thực sự có chất lượng. Và nỗ lực trong công việc cũng chính là một cách anh nói lời cảm ơn với gia đình. "Tôi mong tất cả những việc tôi làm sẽ tôn vinh người đứng phía sau".
Nguồn: Chungta