‘Cáo’ miền Trung vừa lợp lại nhà, lại lo bão số 10 đổ bộ

Cơn bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào miền Trung gây nhiều thiệt hại nặng nề, hàng loạt gia đình CBNV FPT Telecom Quảng Nam, Quảng Ngãi bị tốc mái.


Ngay lúc cơn bão đổ bộ, anh Đoàn Ngọc Duy, nhân viên phòng Kinh doanh chi nhánh Quảng Nam, hốt hoảng gọi về cho bố mẹ ở quê. Khoảng 8h ngày 29/10, gió bắt đầu giật mạnh, một cây cổ thụ ngay cạnh chi nhánh đã bật gốc. Trong điện thoại, giọng của ông Đoàn Ngọc Châu (bố anh Duy) hoà trong tiếng gió rít. “Bay mất cả nóc nhà rồi con ơi”. Nói ngắn gọn vài câu về tình hình trong nhà, bố anh Duy cố an ủi con đừng lo lắng, rồi hai vợ chồng nhanh chóng chạy sang nhà hàng xóm trú bão.


Nhà anh Duy ở khu vực vùng núi huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách chi nhánh hơn 40km. Để thuận tiện cho công việc, anh Duy phải thuê nhà trọ tại TP Hội An, cuối tuần mới tranh thủ về với bố mẹ. Hay tin cơn bão, anh cũng sốt ruột muốn về. Nhưng còn mấy hợp đồng đang đợi khách hàng phản hồi, anh quyết định ở lại chi nhánh để kịp thời hỗ trợ khi cần.


Anh Đoàn Ngọc Duy, nhân viên phòng Kinh doanh chi nhánh Quảng Nam, bàng hoàng kể lại ngày cơn bão đổ bộ.


Cơn bão hôm đó quần thảo miền Trung suốt nhiều giờ liền. Gió lớn từ chiều tối hôm trước. Đến khoảng 13h hôm sau (29/10), một trận lốc lớn giật bung toàn bộ mái tôn nhà anh Duy. Chuồng nuôi bò lợp bằng ngói cũng rơi loảng xoảng phía sau vườn. Hoa màu ngã rạp xuống đất. Ngay cả vườn tràm sắp sửa đến hạn thu hoạch cũng gãy đổ, bật gốc. Cả gia đình rất trông chờ vào vườn tràm này, nay coi như mất trắng.


Nghe tin ở nhà, anh Duy như rụng rời tay chân. Chỉ cần đợi gió vừa ngớt để phi thẳng một mạch về quê. Nhìn cảnh tượng trước mắt, gia đình chỉ còn lại 4 bức tường, bên trong là đồ đạc đã bị mưa làm cho ướt nhẹp. Mái tôn bị cơn bão xé ra từng mảnh, nằm vương vãi khắp nơi. “Nhìn cảnh bố mẹ loay hoay đi nhặt lại mấy vật dụng trong nhà, mình cứ chực trào nước mắt”, anh nói.


Một góc phía sau nhà nằm trơ trọi do bão, mái ngói bị hất tung được anh Duy tận dụng để lợp lại. 


Đêm hôm đó, bên chiếc đèn dầu, bữa cơm nhà anh Duy chỉ có mắm và cá khô. Mẹ anh lúc nào cũng mua sẵn một túi cá nục khô cất tủ khi nghe tin bão. Mất điện, trời tối đen như mực. Cả nhà bên mâm cơm ăn vội. Trong nhà không còn thứ gì. Mẹ anh thở dài, nhà được dãy cây mít, vừa mới khen năm nay được mùa, quả trĩu. Cả cái Tết của gia đình trông chờ vào tiền bán mít của mẹ, năm nay bà không biết phải lấy gì để bán. Nằm trên chiếc chiếu, không chăn, không màn vì ướt mưa hết cả. Anh nhìn căn nhà tan hoang sau bão. Quyết định không thể để bố mẹ chịu cảnh “màn trời chiếu đất” như thế này được. Trong đêm, anh liên lạc với mấy người trong xóm, thuê nhân công để ngay sáng mai lợp lại nhà.


Chị Trần Thị Mỹ Châu, nhân viên chi nhánh Quảng Nam, cũng phải bồng con nhỏ đi trú ẩn khi bão đổ bộ. Căn nhà của chị Châu thuộc dạng khá kiên cố, nhưng mái tôn lợp nhà thì không đọ được sức gió của cơn bão. Thấy gió giật liên hồi, ngày một mạnh hơn. Chị bồng trên tay đứa con, cùng cả gia đình sang nhà người thân. Đến khi về, cảnh tượng trong nhà là một chiến trường, tan hoang. Mái tôn sau nhà bị gió giật văng, mưa tuôn xối xả khiến nền nhà ngập nước. Đồ đạc, vật dụng trong nhà cũng nằm ngổn ngang do gió bão.


Mái hiên nhà chị Trần Thị Mỹ Châu bị bão xé toạc, chỉ còn trơ khung sắt.


Chưa kể, hồ nuôi tôm vừa được gia đình thả con giống được 5 ngày, nay xem như mất trắng. Chị Châu nhìn hồ nuôi tôm mà nuốt nghẹn. Cả hồ giờ khoả lấp trong dòng nước lũ. Thiệt hại về con giống. Sau khi nước rút, công tác dọn hồ, tái cơ cấu còn tốn kém hơn nhiều. “Nhưng giờ cả nhà trông cả vào việc nuôi tôm để làm kinh tế. Biết là bão lũ nhưng cũng phải thử đánh liều", chị Châu bộc bạch.


Đợt bão số 9 này, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (giáp ranh với Quảng Ngãi) là một trong những khu vực chịu thiệt hại lớn nhất. Nhà chị Phạm Thị Na, cả mái nhà bị nhấc bổng trong chớp mắt. Chị có 2 cháu nhỏ, một đang học lớp 5 và đứa sau đang học mẫu giáo. Biết tin bão, chị gửi 2 cháu sang nhà ông nội trú ẩn. Hai vợ chồng tính ở lại nhà để trông coi đồ đạc. Tuy nhiên, tiếng gào, rít của cơn bão khiến cả anh, chị đều phải hoảng sợ. Nhìn lên phía cao, tấm lợp phía sau nhà gần như sắp bung, không còn trụ được bao lâu. Thấy điều chẳng lành, vợ chồng chị cũng phải nhanh chóng sơ tán.


Để lại sau cơn bão là khung cảnh tan hoang. Hai vợ chồng phải vét hết số tiền dành dụm được bấy lâu, đem ra thuê người lợp lại cái mái. Những ngày bão, vật tư xây dựng giá tăng nhảy vọt. Nhân công cũng khó mà kiếm được người. Ở huyện Núi Thành, đâu đâu cũng là gia đình bị tốc mái. Nhà nặng thì chỉ còn trơ 4 vách tường, nhà nào nhẹ cũng bị bay mất vài tấm tôn lợp. Nhiều gia đình CBNV tại chi nhánh Quảng Ngãi cũng chịu cảnh tương tự. Hiện, các chi nhánh đã cho kê khai những thiệt hại, lập danh sách gửi lên Ban điều hành nhà Viễn thông FPT để sớm có hỗ trợ, giúp đỡ CBNV sớm ổn định cuộc sống trở lại.

Cả vườn tràm nhà anh Duy bị ngã rạp, xem như mất trắng.

Trước đó, bão số 9 đổ bộ vào miền Trung đã gây thiệt hại trực tiếp đến hạ tầng FPT Telecom từ Đà Nẵng đến Phú Yên, nhiều đài/trạm bị mất kết nối. Ngay khi cơn bão quét qua, khối Kỹ thuật đã dồn toàn lực, khẩn trương khắc phục thiệt hại. Sau một ngày quần thảo với sức gió rất lớn, nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến cáp.


Hiện nay, công tác khắc phục cơ bản đã hoàn tất. Các đài/trạm vận hành ổn định. Thuê bao khách hàng được kiểm tra, rà soát và xử lí sự cố một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, miền Trung đang được dự báo sắp sửa đón cơn bão số 10 đổ bộ - cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 3.


Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão số 10 - Goni đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo đến 16h ngày 5/10, vị trí tâm bão số 10 ở khoảng 13,4 độ Vĩ bắc; 110,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hoà.


Do ảnh hưởng của bão, từ hôm nay (4/10), các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt. Từ ngày 5-7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh Trung Bộ lại có nguy cơ đối mặt với đợt lũ lụt mới.


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn