Hội chứng ‘không thể được’

Có lẽ, trong suốt quá trình dài đi học, việc không được chấp nhận khi cố gắng khác biệt đã khiến ta muốn “bình thường” như tất cả một cách vô thức.

Với một người, có những việc không thể làm được, ví dụ với tôi là nhảy cao 2m. Những việc này rất dễ nhận thấy và không gây tranh cãi.


Lại có những việc khó. Nhưng thường khi ta ý thức được là khó, ta sẽ tìm được cách chia nhỏ ra để làm, hoặc nhờ người giúp đỡ, và làm được. Cũng có thể bỏ cuộc, nhưng chỉ sau khi đã thử và thấy không đáng để làm nữa, ví dụ sau khi thấy chi phí vượt quá kết quả.


Đáng sợ nhất là các việc thuộc nhóm “chắc không ăn thua gì đâu, ai lại làm thế”. Một nỗi sợ mơ hồ, một rào cản tâm lý khiến ta dừng bước trước khi thử. Không phải do năng lực, mà vì sợ bị cười, sợ tỏ ra là “kỳ dị” trong mắt mọi người. Có lẽ, trong suốt quá trình dài đi học, việc không được chấp nhận khi cố gắng khác biệt đã khiến ta muốn “bình thường” như tất cả một cách vô thức. Nhưng nếu dám làm những việc này, chắc chắn sẽ ra nhiều kết quả hay ho.


Tôi mất 3 năm thuyết phục vợ làm mứt dừa ớt, và nhận được câu trả lời “dở hơi à, không ăn thua gì đâu”, để rồi món đó trở nên món thường xuyên được trầm trồ. Mất thêm 2 năm dụ làm bánh trung thu nhân ớt, cũng lại được đón nhận. Bây giờ đang xui làm sô cô la nhân mắm tôm - tất nhiên vợ không thèm trả lời, chắc không chấp.

Phan Phương Đạt

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn