“Xây dựng môi trường văn hoá không chỉ tạo nên sức mạnh của cá nhân mà còn cho một tập thể”, anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng sáng lập FPT, khẳng định.
“Tìm người tài giỏi về làm việc cho doanh nghiệp cũng quan trọng như xây dựng chiến lược và doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng mới có thể thu hút được người tài giỏi", anh Hoàng Minh Châu - cố vấn văn hóa cấp cao FPT chia sẻ.
Anh cũng đưa ra ví dụ thực tế ở FPT. Khi anh Trương Gia Bình đưa ra chiến lược doanh thu 1 tỷ USD, nhiều người đã nghi ngờ và còn cho đó là ước mơ viển vông. Nhưng FPT đã đạt được điều đó và chiến lược mới của FPT trong những năm tới là lọt vào danh sách Forbes 500. "Nếu không có ước mơ lớn, hoài bão lớn thì rất khó thu hút nhân tài”, anh Châu chia sẻ câu hỏi liên quan đến thu hút nhân tài về làm việc tại doanh nghiệp.
Việc thu hút nhân tài đã khó, giữ được nhân tài gắn bó và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp cũng là vấn đề được doanh nghiệp hết sức quan tâm. Để giữ được những CBNV giỏi, doanh nghiệp cần có một cái “neo”. Cái “neo” này có thể là tình người, là tinh thần, thách thức hoặc những cam kết của lãnh đạo. Người giỏi trước tiên phải được trọng dụng và được quyền làm những công việc đem lại hiệu quả cho công ty và được làm điều họ thích.
Bên cạnh đó, CBNV giỏi cũng cần một sự tin cậy từ đồng nghiệp và đặc biệt là người lãnh đạo. Trong công việc, có nhiều cơ hội thành công và thất bại là không thể tránh khỏi, nên chăng người lãnh đạo hãy coi đó như một cái giá, một bài học kinh nghiệm để nhân viên của mình có cơ hội khắc phục, không nên cứ thấy sai, thấy thất bại là sa thải.
“Các bạn đừng câu nệ rằng, quy mô công ty mình nhỏ sẽ khó thu hút được người giỏi bởi công ty nhỏ mới cần có những người giỏi để nó lớn lên. FPT cũng rất nhỏ bé trong những năm đầu xây dựng nhưng đã biết thu hút nhân tài về làm việc để lớn mạnh như ngày hôm nay. Vì vậy, người đứng đầu phải là người tài, quý trọng người tài và nhận ra được những ưu điểm của nhân sự. Người nhận ra người khác giỏi thì mới thu hút được nhân tài”, anh Châu nhấn mạnh.
Một vấn đề mà các công ty thường rất quan tâm là văn hoá doanh nghiệp, nhưng ít có công ty nào chịu đầu tư thời gian, tài chính để xây dựng nó hoặc khi thực hiện lại rất rối, chưa rõ ràng, cụ thể mà chỉ làm chung chung. Ở FPT, ngay từ những năm đầu thành lập, văn hóa doanh nghiệp đã được hình thành và xuyên suốt chặng đường phát triển.
Nơi nào có đại diện của FPT thì nơi đó có văn hóa FPT, đó có thể là các chương trình sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các giải bóng đá truyền thống… cho đến các quy định đã thành nếp như lãnh đạo không nhận quà, phong bì của nhân viên, lãnh đạo phải làm gương cho nhân viên của mình, không được tham nhũng, không tư lợi cá nhân… Dù trong hoàn cảnh nào, người FPT vẫn lạc quan và nỗ lực hết mình để có được điều mình mơ ước.
“Văn hoá doanh nghiệp liên quan mật thiết đến việc giữ người tài và liên hệ nhiều đến công việc kinh doanh của công ty. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hoá không chỉ tạo nên sức mạnh của cá nhân mà còn tạo sức mạnh cho một tập thể”, thành viên Hội đồng sáng lập FPT nhấn mạnh.
Ann (st)