Trong cuộc đời mỗi người đều có những góc khuất. Đó là nơi họ chứa những gì muốn che giấu và thường không phải là những thứ tốt đẹp. Đây cũng là một điều tương đối tự nhiên.
Khi đọc hồ sơ xin việc của các ứng viên, ta chỉ có thể nhìn thấy các thành tích và những phẩm chất cá nhân tốt đẹp. Không ai liệt kê những thất bại, những yếu kém và những thói hư tật xấu của mình. Ngay cả khi phỏng vấn, người xin việc bình thường cũng sẽ không khai về điểm yếu, mà chỉ nói về những điểm mạnh, có lợi cho mình. Họ không nói dối, nhưng có rất ít người nói thật.
Không chỉ các bạn trẻ đang cần một công việc mới hành động như vậy. Những doanh nhân thành đạt nhất, những chính khách vang danh nhất cũng thế. Những cuốn sách của họ viết về thành công, bài học trong kinh doanh chỉ bao gồm những điều tốt đẹp. Nếu bạn làm theo mọi chỉ dẫn trong những cuốn sách này, thì cơ hội thành công cũng không nhiều. Bạn không hề biết về những âm mưu và thủ đoạn, mà trong thực tế, có thể đã giúp những doanh nhân này tạo ra bước ngoặt quan trọng nhất để thành công.
Những người theo dõi sự nghiệp của Mark Zuckerberg - ông chủ của Facebook và một trong những thần tượng lớn nhất của giới trẻ bây giờ - đều sẽ biết về bộ phim "The Social Network". Bộ phim kể về những "góc khuất" của Mark thời khởi nghiệp, những mưu tính trong kinh doanh đã khiến người anh em "trên bến dưới thuyền" cùng sáng lập Facebook là Eduardo Saverin phải đưa anh ra tòa. Khác với nét vui vẻ hồn hậu thường thấy, khi bộ phim này ra mắt, người ta nói rằng Mark đã phản ứng rất tiêu cực và ra sức phủ nhận nó.
Không chỉ trong kinh doanh, đối với mọi lĩnh vực của cuộc sống cũng thế. Liệu có thể tóm gọn rằng thành công cao thì góc khuất lớn? Và những người thành công luôn mong muốn có một hình ảnh - thương hiệu đẹp. Vì thế họ phải nỗ lực tìm cách che giấu góc khuất của mình nhiều hơn?
Sự đời, khi bạn muốn che giấu, thì sẽ có người thích khám phá. Nhiều kẻ ranh ma đã kiếm nhiều lợi lộc chính từ việc nắm giữ các "góc khuất" của người khác như một dạng con tin. Để che giấu góc khuất của mình, nhiều VIP đã phải trả giá và trở thành con tin của những kẻ biết rõ về nó.
Thực ra, việc con người che giấu góc khuất, tuy có vẻ tự nhiên, nhưng không khôn ngoan. Lẽ ra, bạn đã được sống thư thái đúng với con người thật của mình: có mạnh có yếu, có xấu có tốt. Khi che đi góc khuất, bạn sẽ có một hình ảnh tốt đẹp hơn, nhưng bù lại, bạn luôn phải gồng mình lên để tương xứng với nó.
Một số người coi "góc khuất" là chốn riêng tư cần thiết trong cuộc sống. Thực ra, có sự khác nhau giữa hai khai niệm "góc khuất" và "góc riêng": chúng đều chứa đựng những thứ mà ta muốn giữ riêng cho chính mình, nhưng "góc riêng" cất những gì riêng tư ít ảnh hưởng tới người khác, còn "góc khuất" cất giữ những thứ có thể ảnh hưởng xấu tới nhiều người.
Góc khuất cũng như một khối u, khi bắt đầu còn nhỏ, thì dễ xử lý, công khai ra cũng chẳng xấu hổ gì. Nhưng rồi nó sẽ lớn lên theo thời gian: khi bạn đã không nói thật một điều thì sẽ phải nói dối thêm nhiều điều nữa. Và không có căn bệnh nào chỉ vì che dấu mà hết. Nó vẫn còn nguyên đó.
Một ngày kia, góc khuất của bạn bị khám phá, bạn phải đối diện với sự xấu hổ, vì đã giả dối trong nhiều năm.
Thú thật, tôi luôn cảm thấy bất nhẫn, khi nghe sự phê phán đối với những người đã được truyền thông đưa lên quá cao, những thần tượng của đại chúng. Có thể, họ cũng rất bất hạnh. Họ đã không được sống đúng với con người của mình, mà phải sống theo kỳ vọng của số đông. Tất nhiên tôi không chắc, mà chỉ suy đoán như vậy thôi.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn nói rằng: mỗi người chúng ta, ai cũng có tốt có xấu, có sáng có tối. Đó là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng xấu hổ. Tất nhiên, bạn có quyền che đi góc khuất của mình vì một hoàn cảnh nào đó, hay đơn giản là mong muốn một hình ảnh đẹp hơn. Nhưng chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi được là chính mình.
Hoàng Minh Châu