Trải nghiệm ở hàng bánh bao hấp với những quy trình kỳ công, bất chợt tôi nghĩ về những công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ, nghĩ về FPT Telecom...
Do không thông thạo địa bàn nên với nguyên tắc “thấy chỗ nào đông người ăn là xông vào”, tôi đã gặp nhà hàng Din Tai Fung. Ấy vậy mà năm đó tôi đã phải bỏ cuộc hai lần vì không xếp hàng chờ được. Người lúc nào cũng đông, rất nhẫn nại chờ đợi ở hầu hết các nhà hàng Din Tai Fung mà tôi gặp.
Trở lại Singapore sau một năm rưỡi chỉ để thư giãn bằng âm nhạc (bị bắt phải xem show) với tôi không có nhiều hứng khởi. Nhưng không khí âm nhạc, sự cuồng nhiệt của mấy nghìn thanh niên ngoài kia, gương mặt thỏa mãn đến mất cả giọng của ba bố con cộng với em Taylor Swift xinh như mộng cũng làm cho chuyến đi không phải nuối tiếc.
Năm nay, với tinh thần thư giãn, tôi tuyên bố với chồng ngay từ đầu: Phải ăn ở Din Tai Fung một lần, mặc dù chưa kịp tìm hiểu xem nhà hàng này phục vụ món gì.
Biết trước cảnh xếp hàng nên tôi quyết định đến đấy từ 4h chiều. Tôi đã biết đây là nhà hàng kiểu Đài Loan, chuyên các món dumpling như: bánh bao, há cảo... Hai đứa trẻ con tuổi “teen” nhìn menu thờ ơ không chọn món nào (chắc vì không thấy đùi gà, đùi vịt). Tôi chọn vài món mua mang về khách sạn, giá cũng hết sức hợp lý. Cô phụ trách quầy mang đi bảo tôi phải chờ 15 phút.
Nhà hàng này quây một phòng ngay giữa trung tâm có tường bằng kính, là khu có khoảng 10 thợ đang ra sức gói, nặn những viên bánh. Ba mẹ con gí mũi vào xem và thấy thật thú vị. Ngoài việc họ ăn mặc “rất an toàn nhà bếp”, khu bếp này rất sạch sẽ từ bàn, lò hấp, hàng chồng xửng hấp bằng mây tre đều trắng tinh.
Do các đầu bếp người Hoa đội mũ, đeo khẩu trang nên thay vì bị xao nhãng bởi dung nhan, chúng tôi chỉ còn cách ngắm họ thao tác nấu nướng. Thật ngỡ ngàng vì họ làm nhanh và khéo: viên bột tròn, cán nhẹ một cái là được lá bột mỏng, dùng đũa tre quết một chút nhân thịt, đặt thêm một con tôm nõn tươi.
Nhưng bất ngờ hơn cả là miếng dumpling trước khi gói lại được đặt lên cái cân bàn tròn bé tý để cân thử. Và người thợ cũng đã bỏ đi vài cái chắc không đạt trọng lượng yêu cầu. Cái nào “chuẩn” sẽ được chuyển qua tay thợ gói và vê viền lượn sóng. Thợ gói nắn nót như làm hoa và miếng dumpling bé xíu đấy còn được tỉa bằng kéo nếu có chỗ chưa chuẩn. Trong cái khay nhỏ, hai hàng dumpling đều tăm tắp chuẩn bị cho vào hấp.
Thử tượng tượng, hệ thống hơn 20 nhà hàng Din Tai Fung ở Singapore mỗi ngày làm ra bao nhiêu cái bánh bé tý kia. Ngần đấy cái bánh đều được đặt lên cân tiểu ly và cắt tỉa kỹ càng chỉ để cho thực khách cắn một miếng rồi cho tất vào miệng. Thậm chí, có khi bạn còn chẳng kịp ngắm xem nó có đẹp hay không.
Tôi xách ba hộp về khách sạn, hồi hộp chờ thưởng thức những viên dumpling nhỏ xinh đang bốc khói kia. Nhưng hai đứa trẻ con đã nhanh chóng chén gần hết, vợ chồng chỉ được thử một miếng mỗi loại.
Một nhà hàng phục vụ các món ăn không phải sơn hào hải vị gì, thậm chí nhiều người mua về nhà chỉ để ăn nhẹ mà sao lúc nào cũng xếp hàng vậy? Và đây là lý giải của tôi: Món ăn hợp với người Hoa nhưng lại ít dầu mỡ; Giá cả hợp lý; Phòng làm dumpling và quy trình nắn nót kia rất thuyết phục khách hàng (trong đó có cả hai cô cậu bé nhà tôi). Bạn đang thưởng thức tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là cái bánh bao nhỏ xíu cho tọt một cái vào miệng!
Thêm nữa, cái cách nắn nót kia thể hiện niềm đam mê làm ra sản phẩm, sự trân trọng đối với sản phẩm và người dùng không thể không nâng niu nó. Tôi nhớ một câu mà ai đó chia sẻ trên Facebook: "Những gì được làm ra bởi trái tim sẽ chạm tới trái tim và được chia sẻ bởi cảm xúc".
Tra Google, thấy thông tin Din Tai Fung có từ năm 1958, giờ đã có mặt ở hơn 10 nước, riêng Singapore có tới 20 cửa hàng. Tuy lần này vẫn chưa được ăn ở Din Tai Fung nhưng chuyến đi tới nhất định tôi phải 'phục thù'.
Bất chợt nghĩ về những công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ, nghĩ về FPT Telecom...
Chưa kịp nghĩ gì thì quay về thực tại: mùa vải, thương lái mua gom rồi xuất khẩu và xuất đi các tỉnh. Vải được nhúng vào bồn nước có pha hóa chất (để cho tươi), lèn vào thùng xốp, bỏ thêm đá lạnh, ngồi lên nắp thùng để đai băng dính cho chắc. Ôi, vải ơi là vải!
Vũ Mai Hương