Trong văn hóa doanh nghiệp FPT, các giai thoại đáng nhớ nhất, gắn liền với đời sống tinh thần của tập thể nhân viên FPT nhất, chính là những câu chuyện về văn hóa STCo.
Giai thoại đáng nhớ đầu tiên diễn ra vào ngày 13/09/1992, khi văn hóa STCo chính thức ra mắt tập thể người FPT. Ban giám đốc đã đích thân soạn quyết định thành lập STCo với câu bông đùa: “Các thành viên STCo sẽ được hưởng nhuận bút, nhuận giọng, nhuận ngoáy mông.” Hơn thế, FPT còn tổ chức hẳn một buổi biểu diễn nghệ thuật nội bộ với tiết mục múa “Thiên nga giãy chết” do Thành Nam biểu diễn mà các trưởng bối FPT đến nay vẫn chưa quên được.
Giai đoạn 1992 - 1994, STCo từng bước phát triển và khẳng định vị thế của mình trong lòng tập thể FPT cũng như xã hội. Trại sáng tác tại khu biệt thự Tây Hồ Hà Nội vào tháng 1 năm 93, Hội diễn Xuân 1993 trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội hay Hội diễn nghệ thuật dân gian Xuân 1994 tại nhà hát chèo Trung ương đã làm cho văn hóa STCo bừng sáng. Các tiết mục múa hát, sáng tác thơ trào phúng, chế lời bài hát đã làm dậy lên tinh thần STCo trong lòng mỗi người.
Kỷ niệm 8 năm thành lập, FPT tổ chức STCo-96 bằng hội diễn thi đua giữa các đội MôHaBô (tầng 1, 2, 4 của tòa nhà 37 Láng Hạ, Hà Nội), đội LaHaTaBa (tầng 3 Láng Hạ), Sài Gòn hoa lệ (FPT TP HCM), Xa mẹ (Các cửa hàng), Yku (Khu Yết Kiêu và Bảo hành). Trong hội diễn hôm đó còn có sự góp mặt của Ban giám khảo gồm những nhân vật nổi tiếng như nhà báo Lại Văn Sâm, Henry Thăng Nguyễn, nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Chuyên gia Việt kiều Cương, Phu nhân Bộ trưởng Đặng Hữu, Ông Tiến chồng bà Thanh Thanh (FPT-HCM). Với hơn 120 nhân viên FPT lên sân khấu, biểu diễn hơn 3 giờ đồng hồ, hội diễn này đã trở thành giai thoại bất hủ trong lịch sử văn hóa của FPT và nhận được sự tán thưởng của xã hội.
Một giai thoại khác kể về sự tích ra đời bài hát truyền thống nổi tiếng của FPT. Đó là vào một đêm năm 1989, khi FPT vừa thắng một hợp đồng lớn. Cả hội anh em đi ăn mừng ở khách sạn La Thành (đường Đội Cấn, Hà Nội). Cao hứng lúc say, mọi người bắt đầu hò hát rất sung. Ngồi cạnh bàn có mấy anh bạn người Tiệp Khắc thấy hay liền bê một thùng Vodka sang góp vui. Cả hai bên cùng nhau hò hát khí thế ngút trời. Tàn cuộc, hội bạn ra về, anh Phan Ngô Tống Hưng cao hứng chế điệu hát theo bài “Đoàn Vệ quốc quân”:
“Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi
Thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền”
Sau đó, anh em mỗi người góp nhặt vài câu, đã hình thành nên bài ca truyền thống đầy tính hài hước, sáng tạo của FPT mà cũng rất phù hợp với hoàn cảnh kinh doanh của công ty thời điểm ấy:
“Đoàn FPT một lần ra đi
Dù có gian nguy nhưng lòng không nề
Ra đi, ra đi áo quần không có
Ra đi ra đi sạch bách mới thôi
Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi
Thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền
Đầy túi mới về!”
Bài hát này vang lên không chỉ trong nội bộ FPT. Trong Hội Xuân 1994, nó đã được giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp!
Năm 1991, khi FPT Hà Nội thực hiện chuyển một số bộ phận về tòa nhà số 25 Lý Thường Kiệt. Đầu tiên là Zodiac, sau đó là phòng Tổng hợp mà trưởng phòng là anh Đào Vinh. Sau ngày anh đi, các anh em ở trụ sở chính rất đau buồn và cùng nhau sáng tác ra bài “Nhớ anh Vinh” (hát theo nhạc bài “Chim non thân yêu”). Chưa dừng lại ở đó, mọi người tụ tập cùng nhau “hỏa táng” toàn bộ giấy tờ của phòng Tổng hợp để lại. Khi ngọn lửa bốc cao, tất cả lặng im cùng nhớ về người trưởng phòng Tổng hợp đáng mến thì bỗng nhiên tiếng chuông điện thoại réo vang, bên kia là tiếng anh Vinh hoảng hốt “Chúng mày đốt hết sổ kho của tao rồi!” Mọi người chết lặng, bấm nhau líu ríu về phòng chờ kỷ luật. May sao, công ty vẫn yên ổn và cũng chẳng có ai bị kỷ luật cả.
Nguồn: Chungta