Chỉ số yêu nghề của nhân viên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hơn nữa số nhân viên yêu nghề, yêu công việc rất hiếm, vì vậy người quản lí cũng cần đào tạo, bồi dưỡng lòng yêu nghề cho nhân viên.
Đối với một số nhân viên yêu nghề, tận tụy với nghề, chúng ta sẽ nhận thấy họ khác với những nhân viên bình thường khác ở chỗ: Họ có tinh thần tích cực chủ động, không những làm tốt công việc của mình, mà còn có những cống hiến khác cho công ty; họ rất tự tin, chăm chỉ, có tinh thần cầu tiến; họ cũng không ngừng nâng cao khả năng làm việc, cố gắng tận dụng mọi cơ hội để rèn luyện bản thân, nâng cao năng lực bản thân… Tinh thần yêu nghề này rất quan trọng đối với sự phát triển của nhân viên và doanh nghiệp.
Người quản lí doanh nghiệp cần coi trọng việc xây dựng lòng yêu nghề của nhân viên, coi đó là một phần không thể thiếu trong công việc quản lí của mình. Có một vài phương pháp giúp bồi dưỡng điều này ở nhân viên mà các nhà quản lí nên biết:
Thứ nhất, tạo điều kiện làm việc cần thiết và cơ bản
Nhân viên cần được tạo điều kiện làm việc nhất định như thiết bị máy móc, môi trường làm việc, sự an toàn, kế hoạch làm việc, mục tiêu công việc, tiền lương, bảo hiểm… Chỉ khi có điều kiện tiền đề cần thiết và cơ bản nhất, nhân viên mới yên tâm làm việc, không phân tâm vì những yếu tố ngoài công việc, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ công việc và cố gắng đạt mục tiêu doanh nghiệp đề ra.
Thứ hai, tạo không gian phát triển rộng mở và cơ hội làm việc cho nhân viên
Nhân viên nào cũng hi vọng bản thân phát huy hết khả năng trong công việc, như vậy vừa có thể nhận được thù lao nhiều hơn, lại vừa được lãnh đạo và đồng nghiệp công nhận, tôn trọng. Nếu người quản lí doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội phát huy khả năng của mình, thì sẽ khích lệ được tính tích cực và chủ động của nhân viên. Doanh nghiệp tạo điều kiện và cơ hội cho nhân viên càng nhiều, càng lớn thì tinh thần yêu nghề của nhân viên càng cao.
Thứ ba, tạo không khí làm việc vui vẻ, đoàn kết
Một môi trường làm việc ồn ào, ghen ghét đố kị, đấu đá lẫn nhau không thể khiến nhân viên có lòng yêu nghề. Còn môi trường làm việc hài hòa đoàn kết, vui vẻ, tích cực lành mạnh sẽ khiến nhân viên có tâm trạng thoải mái, tập trung toàn bộ tinh thần vào công việc. Môi trường doanh nghiệp ôn hòa giúp nhân viên tự do giao lưu, hợp tác, xây dựng tinh thần trách nhiệm giữa các đồng nghiệp, giữa nhân viên với lãnh đạo, tạo cơ sở cho lòng yêu nghề. Về mặt nào đó, người quản lí cũng cần tích cực tạo môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ trong doanh nghiệp.
Thứ tư, quan tâm chăm sóc đến cuộc sống của nhân viên
Người quản lí muốn bồi dưỡng lòng yêu nghề cho nhân viên thì không chỉ cần quan tâm đến công việc của phòng ban và những vấn đề nảy sinh trong công việc, mà còn cần quan tâm đến cuộc sống của nhân viên, tìm cách giúp nhân viên giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Nếu những nỗi lo trong cuộc sống hàng ngày của nhân viên được giải quyết, họ sẽ rất cảm kích doanh nghiệp, toàn tâm toàn ý làm việc, phấn đấu và có lòng yêu nghề, yêu công việc.
Thứ năm, người quản lí là tấm gương sáng cho nhân viên
Sức mạnh của tấm gương là vô cùng lớn, trong doanh nghiệp, lời nói và hành động của người quản lí sẽ là tấm gương học tập và tiêu điểm chú ý của nhân viên. Người quản lí muốn khích lệ lòng yêu nghề của nhân viên thì đầu tiên cần tự khích lệ bản thân, để bản thân có lòng yêu nghề, sau đó trở thành tấm gương cho nhân viên học tập. Nhân viên sẽ bị cảm hóa, bị ảnh hưởng và cũng có lòng yêu nghề như lãnh đạo.
Thứ sáu, coi trọng kế hoạch phát triển nghề nghiệp của nhân viên
Nhân viên nào cũng có nhu cầu phát triển năng lực của mình trong công việc. Nếu doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên phát triển kế hoạch nghề nghiệp của mình thì lòng yêu nghề của nhân viên sẽ nâng cao.
Ngoài ra, khả năng làm việc của nhân viên cũng được nâng cao, như vậy sẽ có lợi cho doanh nghiệp. Một số quản lí doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, hoặc sợ nhân viên chuyển việc nên luôn coi nhẹ việc phát triển năng lực làm việc của nhân viên. Thực ra, chỉ cần chúng ta nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm tốt mọi mặt thì nhân viên yêu nghề sẽ không bao giờ chủ động chuyển việc.
Thảo Nguyên