Những ‘sân chơi’ thể thao của người FPT

Bạn đã tham gia bao nhiêu sân chơi thể thao tại FPT?


1. Bóng đá


Trong các môn thể thao, bóng đá vẫn là “vua”. Bằng chứng là các giải bóng được tổ chức quanh năm từ lớn đến nhỏ không chỉ ở tập đoàn mà ở khắp các đơn vị và công ty thành viên. Ở cấp tập đoàn, hai giải bóng đá lớn và uy tín nhất được tổ chức hằng năm là Cup C1 và Cup 13/9.



Diễn ra thường niên từ năm 2007 đến nay, Cup C1 được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 5 trên sân 7 người. Điểm đặc biệt của Cup C1 là có hệ thống Cup Vàng và Cup Bạc để tạo sân chơi cho các đội đến tận cuối giải.


Các đội bóng từng nâng cao Cup vô địch C1 đều là những tên tuổi “đình đám” trong làng bóng đá FPT: FPT Mobile 2, G11 (FPT Software), FPT Telecom BO, FTN (FPT Telecom) và FRD.BU8 (FPT Software), FPT IS TES (năm 2011 và 2012) và FU.Student (ĐH FPT). Sau hai năm liền giữ Cup Vàng, FPT IS TES đã phải dừng bước sớm và nhường Cup lại cho đội quân trẻ khỏe hơn đến từ FU.Student trong mùa bóng 2013.


Là hoạt động truyền thống mừng sinh nhật tập đoàn, Cup 13/9 được coi là giải đấu thể thao danh giá nhất FPT diễn ra từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 hằng năm. Giải được tổ chức từ năm 2003, trên sân 11 người với sự tham gia của các công ty thành viên.


2. Các môn cờ


Nếu bóng đá thể hiện tinh thần đoàn kết, sự nhiệt tình máu lửa thì môn cờ là nơi để người FPT thể hiện sự thông minh, sắc sảo. Chơi cờ cũng là “đặc sản” thể thao của người FPT. Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến từng chia sẻ: “Ai chơi được cờ vốn đã thông minh hơn người khác và người FPT chơi cờ cũng chứng tỏ phần nào điều đó”.



Giải cờ Xuân mở rộng FPT bắt đầu tổ chức từ năm 1998, đến nay đã diễn ra 15 mùa thi đấu, quy tụ cao thủ khắp FPT tranh tài ở nhiều nội dung như: Cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa, cờ vây, cờ caro…


Đặc biệt, giải cờ Xuân FPT tổ chức thi đấu theo hệ Thụy Sĩ chuyên nghiệp. Các kỳ thủ liên tục phải đối đầu với các đối thủ có số điểm bằng hoặc hơn mình. Người vô địch sẽ phải chiến thắng liên tiếp 7 trận là điều không phải dễ dàng. Các nhà vô địch thường chỉ có số điểm từ 6 đến 6,5, hiếm có ai toàn thắng tới 7 ván.


Anh Phạm Trung Hải, Trưởng BTC Giải cờ Xuân FPT, cho biết: "Năm 2011 là lần đầu tiên Giải cờ Xuân của FPT áp dụng chơi cờ theo hệ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, từ năm 2010, Giải cờ giỗ Tổ của FPT Software đã áp dụng hình thức này". Đây là bước chuyển biến đáng kể của giải cờ nâng tầm từ giải phong trào sang giải mang tính chất chuyên nghiệp và quy mô hơn.


Từ giải cờ này, nhiều cao thủ nổi tiếng trong làng cờ của FPT được phát hiện. Anh Hoàng Thanh Sơn (FPT Software) có thể chơi đa-zi-năng các loại cờ mà “món” nào cũng “đỉnh”. Anh từng khoác trên mình màu cờ sắc áo của đội tuyển Việt Nam tham dự thi đấu Cờ vua quốc tế tại Olympiad 32 năm 1996 ở Nga.


Ngoài Sơn “Cờ”, FPT Software còn “sở hữu” cao thủ Phạm Văn Thạo từng vô địch cờ ở tỉnh Ninh Bình. Anh chia sẻ: “Giải cờ Xuân là một giải đấu lớn tạo sân chơi cho người yêu thích môn thể thao trí tuệ này ở FPT, mỗi năm đều xuất hiện nhiều kỳ thủ mới có trình độ cờ rất cao”.


Ngoài tay cờ lão làng, các “măng non” chơi cờ mới tuổi trẻ tài cao như: Nguyễn Văn Nam (TienPhong Bank), Trần Mạnh Linh, sinh viên ngành Kỹ nghệ phần mềm (Đại học FPT)… luôn là ứng cử viên sáng giá cho chức quán quân ở các giải cờ của FPT.


3. Võ cổ truyền


Ở ĐH FPT, khi nhập trường, các sinh viên sẽ được học Vovinam - môn võ cổ truyền của người Việt thay vì môn thể dục khác. Võ rèn luyện cho sinh viên sự dẻo dai, bền bỉ nhưng không kém phần nhanh nhạy và sắc sảo để có khả năng học tập và làm việc.



Mỗi năm, ĐH FPT đều tổ chức Giải vô địch Vovinam với tên “Võ Việt tranh hùng đoạt Cóc Vương” gồm hai nội dung chính: Hội diễn và đối kháng từ năm 2008. Qua giải đấu này, sinh viên có sân chơi thể hiện khả năng của mình, nhiều em đã được lựa chọn đến đấu trường Vovinam toàn quốc để tranh tài.


Nhiều giảng viên của trường từng “có số, có má” trên trường Vovinam trong và ngoài nước. Tiêu biểu là Huỳnh Khắc Nguyên (nguyên giảng viên ĐH FPT) có gần 20 năm tập chuyên Vovinam và 10 năm thi đấu ở các giải chuyên nghiệp từ trong nước đến quốc tế. Anh đạt cấp Chuẩn Hồng đai bậc thứ 5 của môn Vovinam. Hiện, anh vẫn giữ vị trí đương kim vô địch Vovinam thế giới hai lần liên tiếp. Nguyễn Hoàng Tùng, giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất ĐH FPT, đạt đẳng cấp Vovinam là Hoàng đai III. Để đạt được cấp đai này, Tùng phải luyện tập hơn 12 năm. Anh nhiều lần vô địch giải Vovinam toàn quốc…


Các môn thể thao như: Bóng bàn, cầu lông, tennis, súng sơn, bi-a… cũng được người FPT thích thú.


FPT còn quy tụ khá nhiều cán bộ nhân viên là vận động viên chuyên nghiệp. Trần Vũ Quang và Vũ Mạnh Tuấn (đều là giảng viên ĐH FPT) giành nhiều huy chương Penkat Silat toàn quốc và giải trẻ thế giới. Đào Trọng Thành (FPT Software) giành giải Ba cuộc thi Thể hình toàn quốc. Anh Võ Đình Hảo (FPT Telecom) với 10 năm làm trọng tài chuyên nghiệp và từng cầm còi trong trận tranh Cup Vàng giải Vô địch Futsal châu Á năm 2005. Lê Sỹ Hoàng (FPT Software) với nhiều huy chương danh giá trong và ngoài nước về khiêu vũ…


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn