Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp muốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu, không còn cách nào khác là phải chú trọng tới văn hóa doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển công ty bền vững. Bạn hãy tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp qua bài viết dưới đây nhé!
I. Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được hiểu một cách đơn giản là tập hơn những giá trị, chuẩn mực về niềm tin, hành vi, nhận thức, phương pháp tư duy được các nhân viên trong doanh nghiệp (DN) cùng công nhận, suy nghĩ, đánh giá và hành động như thói quen.
VHDN lấy việc phát triển toàn diện con người làm mục tiêu cuối cùng. Cốt lõi của VHDN là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển, mỗi DN đều nỗ lực xây dựng một hệ thống quan điểm giá trị để công nhân viên chức chấp nhận, tạo ra sự hài hòa trong nội bộ DN, một không khí văn hóa tích cực để phát huy thế mạnh văn hóa của tập thể, tăng cường nội lực và sức mạnh của doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa (VH) thì khó đứng vững được. Bởi thế, có thể coi VHDN là yếu tố quan trọng của thực tiễn doanh nghiệp đương đại.
II. Các yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp
1. Những yếu tố bên trong ảnh hưởng đến VHDN
1.1. Người lãnh đạo – Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến VHDN
Lãnh đạo chính là những người hiểu rõ nhất VHDN bởi họ là người xây dựng và phát triển nó. VHDN cũng phản ánh cá tính và triết lý riêng của bản thân nhà lãnh đạo. Qua quá trình xây dựng và quản lý doanh nghiệp, hệ tư tưởng và tính cách của nhà lãnh đạo sẽ được phản chiếu lên văn hoá doanh nghiệp.
Các nhà lãnh đạo phải lưu tâm đến các quy tắc mà họ đưa ra, cách họ hành động xung quanh những vấn đề công việc với cấp dưới của mình và các quy trình để họ phát triển. Một nhà lãnh đạo sáng suốt sẽ không bao giờ thiển cận về những hành động họ thực hiện.
1.2. Những thành viên trong tổ chức
Tất nhiên, không chỉ có lãnh đạo mới ảnh hưởng đến VHDN mà còn bao gồm tất cả các thành viên còn lại trong một tổ chức nhất định. Các nhân viên cư xử và tương tác với nhau sẽ làm thay đổi không khí làm việc của cả một văn phòng. Khuyến khích các hoạt động ngoại khóa, sự kiện xã hội bên ngoài cho nhân viên là một cách tuyệt vời để đưa tập thể vào một vòng tròn phát triển tinh thần đoàn kết.
Khi các nhóm làm quen với nhau, họ bắt đầu hiểu những điểm mạnh, suy nghĩ, quan điểm của nhau để cùng cải thiện. Đó chính là sự khác biệt lớn giữa những nơi làm việc nhóm hiệu quả và những nơi mà các phòng ban, nhân sự làm việc độc lập.
Các nhà lãnh đạo giao tiếp kém với nhân viên có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng “xấu” đến văn hoá doanh nghiệp. Vì vậy các công ty luôn phải đảm bảo rằng tất cả các vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao luôn phải duy trì sự giao tiếp với nhân viên để truyền những tầm nhìn, định hướng, mục tiêu của công ty.
1.3. Chiến lược tuyển dụng
Công ty có thể hoạt động mạnh mẽ chính là bởi có nền tảng về nhân sự vững chắc. Một nền VH tích cực từ DN sẽ thu hút ứng viên tham gia tuyển dụng.
Hãy xem xét những gì xảy ra trong một cuộc phỏng vấn khi bạn đang cố gắng để có được cảm giác về một nhân viên trong tương lai. Nhờ quy trình tuyển dụng khắt khe, kỹ lưỡng, doanh nghiệp mới tìm được những ứng viên phù hợp.
Nhân viên trung thành cũng là một trong các yếu tố VH ảnh hưởng đến DN. Khi mà nhân viên cảm thấy nơi làm việc đáp ứng được nhu cầu, năng lực và đảm bảo cho cuộc sống của họ, giúp họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ, được phát triển, sáng tạo sẽ khiến họ gắn bó lâu dài với công ty.
1.4. Môi trường làm việc
Môi trường xung quanh bạn có ảnh hưởng đến hiệu suất của bạn trong công việc. Hãy thử tưởng tượng bạn làm việc trong một môi trường ồn ào, không thể tập trung, chắc chắn năng suất làm việc của bạn sẽ suy giảm đáng kể. Trong khi các thiết kế văn phòng mở dần trở nên phổ biến, nhưng trên thực tế, chúng luôn bộc lộ những khuyết điểm.
Nhân viên của bạn đôi khi cần một chút riêng tư để tập trung vào các nhiệm vụ của họ, điều này là không thể nếu họ cứ bị bao vây bởi những phiền nhiễu. Hãy xem xét việc thiết kế các phòng làm việc tách biệt và khuyến khích với các nhân viên mới rằng, họ nên sử dụng chúng bất cứ lúc nào khi cần thiết.
2. Những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến VHDN
2.1. Văn hoá dân tộc
Văn hóa doanh nghiệp là một nền tiểu văn hóa nằm trong văn hóa dân tộc. Mọi cá nhân trong nền văn hóa doanh nghiệp đều chịu tác động của các giá trị văn hóa dân tộc. Vậy nên văn hóa dân tộc phản chiếu lên văn hóa doanh nghiệp là điều tất yếu.
Mỗi cá nhân thuộc giới tính, văn hóa, dân tộc… với các bản sắc văn hóa khác nhau hình thành cho họ các nền tảng suy nghĩ, học hỏi và phản ứng khác nhau. Khi tập hợp chung lại trong tổ chức, những nét nhân cách này sẽ được tổng hợp tạo nên một phần văn hóa doanh nghiệp.
Vì vậy, văn hóa ở mỗi nước, mỗi vùng miền sẽ có những đặc trưng khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển, trình độ và lịch sử của khu vực đó. Các giá trị văn hóa này ảnh hưởng doanh nghiệp thường xem xét trên 4 yếu tố ảnh hưởng đến văn hoá doanh nghiệp:
Sự đối lập giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể
Sự phân cấp quyền lực
Sự đối lập giữa nam quyền và nữ quyền
Tính cẩn trọng
Chủ doanh nghiệp sẽ dựa trên mức độ đa dạng văn hóa trong công ty cũng như những giá trị đang có để xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho phù hợp. Ngoài ra, sự đa dạng trong văn hóa dân tộc là một nguồn lực lớn của doanh nghiệp. Nếu được khai thác đúng cách, sự đa dạng này có thể mang lại sự phát triển đa chiều và toàn diện cho bất kỳ tổ chức nào.
Ưu thế nổi bật của văn hóa Việt Nam có thể kể đến như:
Coi trọng tư tưởng nhân bản
Chuộng sự hài hòa
Tinh thần cầu thị
Ý chí phấn đấu tự lực, tự cường…
Tuy nhiên cũng có không ít những hạn chế như: thói quen thủ cựu và tôn sùng kinh nghiệm, không dám đổi mới, đột phá… khiến cho doanh nghiệp gặp không ít trở ngại. Điều này đặt ra bài toán cho Ban lãnh đạo là làm sao xây dựng văn hóa doanh nghiệp giúp nhân viên phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế vốn có.
2.2. Những giá trị văn hóa học hỏi được
VHDN còn được hình thành và ảnh hưởng bởi những giá trị VH học hỏi được. Giá trị VH học hỏi được là những giá trị VH, các quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc và các truyền thống mà doanh nghiệp tiếp nhận được trong quá trình hình thành và hoạt động của mình.
Mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa riêng của mình. Chính văn hóa tổ chức làm nên nét riêng biệt của từng doanh nghiệp, giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Tuy nhiên có một số giá trị có thể học tập được, chia sẻ được.
Điều quan trọng là cần xác định được giá trị đó có phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức của mình hay không. Không nên học tập một cách máy móc, mà phải chọn lọc những giá trị phù hợp, áp dụng vào doanh nghiệp một cách linh hoạt, sáng tạo.
III. Kết luận
Các yếu tố ảnh hưởng đến VHDN đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của tổ chức.Vì vậy, người lãnh đạo, người sáng lập phải thực sự hiểu rõ những tác động tiêu cực và tích cực của các yếu tố trên để xây dựng và đưa ra sự thay đổi cho phù hợp.
Chú trọng phát triển VHDN sẽ thúc đẩy kinh doanh, phát huy năng lực nội tại và nguồn lực tập thể từ đó đưa doanh nghiệp phát triển lâu bền.
Nguồn: 1office