Bài toán thiện nguyện

Sau nhiều lần đi hỗ trợ bà con vũng lũ vào các năm 2006, 2010, 2013 và 2016, tôi có chút đóng góp kinh nghiệm và trả lời vài thắc mắc.


Thứ nhất, làm thế nào để hỗ trợ một cách hiệu quả nhất đối với bà con vùng lũ lụt? Đầu tiên cần tìm hiểu thông tin nhanh chóng qua các phương tiện thông tin, bạn bè tại địa phương xảy ra thiên tai, các tổ chức có chuyên môn, trách nhiệm cứu trợ - Hội Chữ thập đỏ, để xác định địa điểm cứu trợ với tiêu chí: Chưa hoặc ít nhận được hỗ trợ nhất.


Phối hợp với chính quyền, tổ chức có chuyên môn lập danh sách các hộ dân cần trợ giúp. Đừng sợ họ lập danh sách khống, vì chúng ta sẽ trao trực tiếp tới tay người dân, nếu có sai sót gì thì người dân chắc hẳn không im lặng hoặc nếu có im lặng thì là im lặng trước chính quyền. Chúng ta hoàn toàn có thể cử người ra nói chuyện với dân để nắm tình hình.


Hãy lưu ý nhu cầu, thông thường khi thiên tai xảy ra, cụ thể ở đây là bão lụt, thời điểm nước chưa rút, thì chính quyền đã hỗ trợ khẩn cấp nước sạch và lương thực. Thời điểm các đoàn cứu trợ như chúng ta tới nơi cũng là lúc nước đã rút và bão đã qua, thì nhu cầu của họ cũng thay đổi. Thường là gạo, nước mắm, nước sạch… chủ yếu là để họ đổi vị vì đã ăn mì gói và lương khô phát ngán. Nếu được, hãy mua hàng tại địa phương, vì việc này nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, đặc biệt góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Thứ hai là việc tổ chức phát quà trực tiếp tới tay người dân ra sao? Dựa vào danh sách đã được lập, phát tích kê có tên hộ, chứ ký và dấu đỏ của chính quyền nhằm tránh làm giả. Thông qua chính quyền, thông báo cho người dân thời gian và địa điểm nhận quà, thông báo trước một ngày trước khi đoàn tới. Thông thường địa điểm sẽ là trụ sở UBND. Nếu số lượng quà không nhiều, có thể tới trực tiếp từng gia đình. Nhưng thực tế tôi từng đi 20 hộ mất nguyên một ngày, từ 8h tới 20h.



Chúng ta cần tới trước giờ phát quà một khoảng thời gian vừa đủ để làm các công tác sau: Chia quà, họp nhanh thống nhất với chính quyền cách chia, kiểm tra thông tin, các công tác hậu cần khác. Lưu ý phát quà theo dạng “Thông quan một cửa”: một cửa vào và một cửa ra, cửa vào sẽ thu tích kê, cửa ra sẽ phát quà, mỗi loại quà nên có một người phụ trách. Nếu quà có tiền mặt, có thể đưa thẳng, hoặc nếu dùng phong bì thì sau khi trao, ở cửa ra cần bóc phong bì ra kiểm tra số tiền và nhờ dân ký nhận.


Thứ ba, có nên kết hợp với chính quyền? Cụ thể là kết họp với đơn vị nào? Cá nhân tôi thấy là nên kết hợp với Hội Chữ thập đỏ đại phương nơi xảy ra thiên tai. Đây là tổ chức có chuyên môn và chức năng về việc này. Việc kết hợp với họ có các lợi thế sau: Cứu trợ cần tính khẩn trương nên khi phối hợp với các đơn vị này, việc lọc danh sách các hộ thiệt hại, thông báo cho họ sẽ rất kịp thời và chính xác. Họ nắm rõ hơn cả việc phân bổ nguồn lực để tránh chồng chéo, tất nhiên có thể tham khảo thêm bạn bè tại địa phương để chắc chắn.


Thứ tư, vậy tại sao vẫn có sự chồng chéo? Một phần rất lớn là từ phía các đoàn tài trợ. Vì thực tế các đoàn cứu trợ không phối hợp hay thông tin cho chính quyền hoặc các tổ chức có nhiệm vụ cứu trợ. Có phối hợp nhưng nhất quyết đề nghị đi tới địa phương mà mình mong. Hai điều này khiến việc phân bổ nguồn lực thật sự khó khăn.


Cuối cùng tôi nghĩ đã đến lúc cần có một công cụ (bên C) nào đó kết nối những tình nguyện viên, người dân và chính quyền nơi xảy ra thiên tai (bên A) với các tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp (Bên B), cùng cộng đồng, các tổ chức (bên D). Thông qua bên C, bên A có thể cung cấp các thông tin, hình ảnh, tình trạng và nhu cầu tại địa phương. Thông qua bên C, bên B tìm hiểu thông tin và đưa ra quyết định hỗ trợ phù hợp với khả năng và nhu cầu, thực trạng tại địa phương. Tiếp đó, bên B chia sẻ thông tin hỗ trợ của mình: Địa điểm hỗ trợ, hỗ trợ gì, bao nhiêu, cho ai, phối hợp với ai… thông qua bên C. Bên C khi có thông tin từ bên A và bên B sẽ có nhiệm vụ tổng hợp, phân tích và truyền thông. Bên D có thể đóng vai trò của cả bên A và bên B, đồng thời góp phần giám sát.


Như vậy sẽ giúp cộng đồng có cái nhìn tổng quan, nguồn lực cứu trợ được phân bổ đúng và đều. Người dân được nhận những gì cần nhận. Cộng đồng có thể giám sát, kết nối và chia sẻ nguồn lực cứu trợ.

Ngô Anh Tuấn

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn