Tôi có một niềm tin sâu sắc rằng, trong thành công của FPT hôm nay có sự đóng góp quan trọng của âm hưởng bài hát này. Bằng cả trái tim mình, chúng ta xin trân trọng cám ơn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác một giai điệu bất tử cho non sông đất nước và cho người FPT.
Chủ nhật, ngày 28/9/2008, tôi có vinh dự được đến thăm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại nhà riêng. Cùng đi có chị Trương Thanh Thanh, anh Nguyễn Thành Nam, chị Mai Thu Huyền, ca sĩ Quang Lý và tôi. Chúng tôi biết, mấy ngày qua chú rất buồn vì báo chí viết nhiều về màn múa thiếu vải phản cảm trong hội diễn của FPT, bởi nó bị coi là tiết mục múa minh họa cho bài hát Đoàn FPT - một bài hát được chế lại lời từ bài hát Giải phóng quân của chú viết năm 1945. Vì thế, trước lúc gặp chú, chúng tôi rất hồi hộp và lo lắng.
Đón chúng tôi từ dưới nhà là con trai chú - anh Phan Hồng Hà, một nhạc công tài ba mà chúng tôi có quen biết từ lâu. Anh Hà dẫn chúng tôi lên lầu gặp cô Vân - vợ chú. Thấy cô Vân vui vẻ chào đón, chúng tôi cũng bớt lo. Cô dẫn vào phòng trong, thấy chú đang ngồi coi bóng đá, trận tranh hạng ba giữa U21 Việt Nam với U21 Singapore. Dù rất mê bóng đá, nhưng chú đã tắt ngay TV và quay sang đón khách.
Tôi nói với chú: “Hôm nay chúng cháu đến đây, trước tiên là thăm cô chú, sau đó là xin được tạ lỗi với chú, vì đã để cho chú phải buồn phiền trong những ngày qua”. Chú nói ngay: “Chú biết rồi. Có lỗi thì nằm hết ra đây, để chú đánh cho mấy roi rồi mới nói chuyện”. Tôi đại diện nằm ra sàn, chú cầm một cây gậy khá to trong góc phòng, đánh tôi mấy roi tượng trưng, rồi nói: “Mấy hôm rồi, chú thực sự bị sốc, ăn ngủ không ngon. Báo chí liên tục gọi điện hỏi chú, trả lời cũng mệt. Thực ra các bài hát của chú cũng đã có nhiều người chế lời. Nhưng lời chế nếu hát trong một nhóm nhỏ thì không hại gì, còn mang ra hát trước công chúng thì không được. Các cháu phải rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này. Nhưng thôi, tội thì các cháu đã nhận rồi, bây giờ không nói tới nữa”.
Chúng tôi biết chú vẫn còn buồn, nhưng chú nói thế nghĩa là đã tha thứ cho chúng tôi. Nhìn gương mặt thanh cao đầy tính nghệ sĩ của chú, tôi cảm thấy thực sự yêu mến và kính phục, không chỉ vì tài năng của một nhạc sĩ bậc thầy, mà còn vì sự bao dung độ lượng của một lão tiền bối đối với đám con cháu hư hỏng, nhưng đã biết cúi đầu nhận lỗi.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924, trong một gia đình tiểu thương ở Đà Nẵng. Năm 1945, Nhạc sĩ tham gia Đội tuyên truyền xung phong Đà Nẵng và sáng tác các bài hát: Trầu cau, Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong. Năm 1946, nhạc sĩ đi theo toàn quốc kháng chiến và sáng tác bài hát Mùa đông binh sĩ. Năm 1955, nhạc sĩ tập kết ra Bắc và từ năm 1957, là Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1964, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quay lại chiến trường B cho tới năm 1970 thì trở ra Hà Nội. Năm 1988, Nhạc sĩ được thưởng Huân chương Độc lập hạng 3. Năm 2000, nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Sự nghiệp sáng tác của chú Phan Huỳnh Điểu vô cùng đồ sộ. Không chỉ về số lượng, mà chất lượng cũng thực sự đặc sắc. Rất nhiều bài hát của chú được hàng triệu người Việt Nam say mê và hát trong hơn 6 thập kỷ qua, như: Trầu cau, Giải phóng quân, Anh ở đầu sông em cuối sông, Bóng cây Kơnia, Những ánh sao đêm, Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển,… Trong chúng ta, ai cũng nhớ những bài hát của chú viết cho thiếu niên nhi đồng như: Ai yêu các nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh, “Te tò te đây là ban kèn hơi”,…
Chú nói, bài Giải phóng quân đã ra đời khi chú mới 21 tuổi, rõ ràng là một sự liều lĩnh, bạo phổi, khi chưa một ngày cắp sách vào nhạc viện mà đã dám sáng tác, kêu gọi mọi người “Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi, ra đi thà chết chớ lui”. Năm 1984, Bộ quốc phòng có mời chú ra dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập quân đội, chú rất sung sướng và xúc động khi có vị tướng đến bắt tay và chỉ vào quân hàm đeo trên vai, rồi nói: “Ngày xưa, nhờ bài Giải phóng quân thúc giục mà tôi xung phong nhập ngũ, bây giờ mới được như thế này đây. Xin cám ơn nhạc sĩ”.
Chú còn kể, trong một lần đi theo các nhà ngoại cảm tìm mộ của các đồng đội đã hi sinh, chú đã “sởn da gà” khi nghe vong linh của những chiến sĩ đã khuất, nhập vào một cháu bé 10 tuổi và hát vang bài Giải phóng quân. Có thể nói, trong hơn nửa thế kỷ qua, bài Giải phóng quân là một trong những bài hát chính thức của quân đội. Cùng với Tiến quân ca (được chọn làm Quốc ca), Cùng nhau đi Hồng binh, Diệt phát xít, Du kích Bắc Sơn, Tiến bước dưới Quân kỳ đã làm nên căn bản của thể loại hành khúc cách mạng và kháng chiến của Việt Nam.
Và đối với chúng ta (FPT), giai điệu của bài hát này đã đi sâu vào trái tim và khối óc các thế FPT trong suốt hai mươi năm qua. Tôi có một niềm tin sâu sắc rằng, trong thành công của FPT hôm nay, có sự đóng góp quan trọng của âm hưởng bài hát này. Bằng cả trái tim mình, chúng ta xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác một giai điệu bất tử cho non sông đất nước và cho người FPT.
Chú nói, chú yêu nhất mùa thu và có lẽ mùa thu đẹp nhất là mùa thu Hà Nội. Câu thơ mà chú thích nhất là câu “Mùa thu vào hoa cúc” trong bài “Thơ tình cuối mùa thu” của nhà thơ Xuân Quỳnh do chú phổ nhạc. Chú nói chữ “vào” thật đắt giá. Thuyền và Biển cũng là một sáng tác để đời của nhạc sĩ. Chỉ tiếc một điều, cho đến nay, vẫn chưa có một nữ ca sĩ nào hát bài này biểu hiện được hết tâm tư, tình cảm day dứt như sự mong ước của Xuân Quỳnh lúc sinh thời… Hiện nay, cũng chỉ có nam ca sĩ hay hát, mà khi hát, họ phải chuyển “Nếu phải cách xa anh…” thành “Nếu phải cách xa em…” cho phù hợp. Thế thì cơn bão tố kia trong lòng một chàng trai đâu còn gì ghê gớm hãi hùng bằng bão tố trong lòng một cô gái. Trong cuốn sách “Phan Huỳnh Điểu - Thuyền và Biển” có đoạn viết: “Trước khi nhà thơ Xuân Quỳnh mất ít lâu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có dịp gặp chị và được biết chị rất xúc động khi nghe ca khúc Thuyền và Biển. Chị chỉ mong muốn giữ nguyên văn câu thơ: “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố”! Mong các ca sĩ, nhất là nam ca sĩ, đừng đổi lại là “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua và theo chị, chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như người phụ nữ”.
Chú mang rượu nho Đà Lạt ra chiêu đãi chúng tôi. Rượu của chú có hương xí muội, uống rất thơm. Chú giới thiệu những sáng tác mới của chú, trong đó tôi thích nhất là bài hát về những cô gái Ngã ba Đồng Lộc, được giải nhất năm 2007. Anh Phan Hồng Hà bê ra bộ đàn organ. Ca sĩ Quang Lý bắt đầu hát chính, còn chúng tôi thì hát dựa theo. Bài Những ánh sao đêm vốn rất cao và rất khó, vậy mà khi hát theo ca sĩ Quang Lý, tôi thấy hoàn toàn ổn. Không có chị Măng Thị Hội, nhưng tôi và Thành Nam vẫn mạnh dạn hát Bóng cây Kơnia…
Trước khi ra về, chú còn tặng chúng tôi đĩa hát của chú và cuốn sách “Phan Huỳnh Điểu - Thuyền và Biển”. Chia tay cô chú trong bịn rịn và thật vui là chú cho phép chúng tôi khi nào rỗi có thể đến thăm cô chú.
Hoàng Minh Châu