Hãy viết ra nhận xét

“Liệu trên đời có bao nhiêu người sẵn sàng nói với bạn về bạn?” - H. Murakami

Hồi còn làm Nhân sự, khi đi tìm học kinh nghiệm các tổ chức khác, thỉnh thoảng tôi lại tìm thấy một thứ thú vị (best practice - thông lệ tốt) đem về dùng thử. Một trong số đó là best practice về đánh giá nhân viên của Goldman Sachs. Yêu cầu của họ rất đơn giản: khi đánh giá nhân viên cuối kỳ (performance appraisal), ngoài việc cho điểm hay xếp loại nhân viên, cán bộ quản lý còn (bắt buộc!) phải viết một đoạn nhận xét bằng lời (narrative). Nhận xét này cần được gửi cho nhân viên và cán bộ quản lý phải sẵn sàng trao đổi với nhân viên trên nội dung này.


Bạn đã thử viết nhận xét về ai đó chưa? Rất khó, nếu bạn muốn viết không quá ngắn, viết gì đó cụ thể, có giá trị thay vì những tính từ, trạng từ vô thưởng vô phạt kiểu “tốt”, “khá”, “có cố gắng”... Viết thế nào để có ích cho người đọc, để họ có thể xác định hành động cải tiến cho mình? Bởi vì, đánh giá nhân viên không chỉ là câu chuyện quá khứ (xếp hạng, chia thưởng), mà còn là câu chuyện tương lai (nên làm gì tiếp). Còn gì tốt hơn cho nhân viên khi nhận được những nhận xét thẳng thắn và chân thành về mình?


Thật ra, chuyện này đã được thiết kế ngay ở trường phổ thông, khi học sinh kẻ hai ô trên bài kiểm tra của mình, một ô là “điểm”, ô kia là “lời phê của thầy cô”. Tiếc là, với áp lực thời gian và sĩ số, lượng chữ viết trên ô thứ hai thường rất ít. Và ở đa số các công ty, câu chuyện cũng không hơn gì.


Ở Đại học trực tuyến FUNiX (funix.edu.vn), chúng tôi muốn tận dụng ô “lời phê” này. Mỗi môn học thường kéo dài 4-6 tuần, với 4-5 bài tập thực hành lớn (còn gọi là assignment). Mỗi bài tập lớn đều có barem chấm điểm với vài tiêu chí. Thầy giáo hướng dẫn (mentor) sẽ cho điểm theo từng tiêu chí, và đồng thời bắt buộc đưa ra nhận xét bằng lời. Nội dung nhận xét, cùng với điểm, được trả về cho học viên, và hai bên có thể kết nối để trao đổi, tranh luận thêm trên tinh thần bình đẳng, giữa các đồng nghiệp. Cũng có lúc tranh cãi gay cấn đến mức phải gọi thêm mentor khác, hay thậm chí tác giả xây dựng môn học hòng làm trọng tài. Ai thắng ai thua không quan trọng, mà sau mỗi lần như vậy các bên đều học được thêm rất nhiều, và tự tin hơn. Đã là “lời phê” thì người đọc nó phải thấy phê mới phải.


Hãy dành thời gian để viết ra những nhận xét có ích cho người khác, rồi bạn cũng sẽ có phần cho mình.


Phan Phương Đạt

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn