Founder FUNiX kể chuyện văn hóa FPT

Chiều ngày 30/11, TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX – Founder FPT Software – thành viên sáng lập Tập đoàn FPT đã có buổi chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp FPT với hơn 250 Fsofter tham gia offline trên cả 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và online trên webex.


Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nhận định trong 32 năm qua (1988-2020), tập đoàn FPT có thể liên tục phát triển và trở thành một biểu tượng là nhờ Văn hóa doanh nghiệp đặc sắc. Những thành viên sáng lập đã từ lâu ấp ủ mong muốn truyền tải nền văn hóa này – cái mà chủ tịch Trương Gia Bình đặt tên gọi là FPT Gene – cho các thế hệ tương lai của FPT.  


Chính vì vậy, dự án xây dựng môn học phân tích văn hóa doanh nghiệp FPT (FPT Corporate Culture Analysis) đã được khởi động dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Thành Nam từ tháng 7/2020 và dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm FPT 1/3 thế kỷ – ngày 13/9/2021. 


Với hình thức triển khai tương tự như FUNiX Way, môn học hướng đến các cán bộ cấp quản lý của FPT. Đặt mục tiêu không chỉ dừng ở mô tả và bình luận các câu chuyện, môn học phân tích trên cơ sở lý thuyết khoa học, để người học có thể hiểu sâu về văn hóa của Tập đoàn: nguyên nhân đằng sau các quyết định, tại sao cùng một hành động lại có thể thành công trong trường hợp này và thất bại trong tình huống khác. 


Lý thuyết văn hóa tổ chức của Edgar Schein 


Anh Nam giải thích về lý thuyết của Schein


Lý thuyết khoa học mà nhóm biên soạn sử dụng là lý thuyết của Edgar Schein – chuyên gia tư vấn, nghiên cứu văn hóa tổ chức, với cuốn sách được công nhận toàn cầu là cuốn Văn hóa Tổ chức và Lãnh đạo (Organizational Culture and Leadership). 


Theo Schein, văn hóa tổ chức là những giá trị, niềm tin bất biến đã được tích lũy qua các giai đoạn phát triển của tổ chức, được truyền cho các thế hệ sau, và một khi hình thành thì sẽ rất khó để thay đổi. 


Văn hóa và lãnh đạo là 2 mặt của một vấn đề.  Làm lãnh đạo là phải tạo dựng văn hóa trong tổ chức, phải truyền tải được các giá trị văn hóa đó cho nhân viên, và phải chứng minh được là nó sẽ dẫn đến thành công. Mặt khác, khi văn hóa đã hình thành, nó xác định những tiêu chuẩn để lựa chọn lãnh đạo. Anh Nam chia sẻ nhờ đọc lý thuyết này, nên anh đã có thể lý giải được những trường hợp tuyển dụng không thành công trong quá khứ, khi mà ứng viên rất tài năng nhưng lại không phù hợp với văn hóa của tập đoàn (cultural fit). 


Văn hóa dân tộc và văn hóa doanh nghiệp


Schein cho rằng văn hóa doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa dân tộc, ví dụ như: cách xác định sự thật, những quan niệm về thời gian, không gian, về quan hệ con người…


Để minh họa cho việc quan niệm về không gian ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp như thế nào, anh đã dẫn khán giả đi ngược dòng thời gian về với những “mái nhà xưa” của FPT: từ “trụ sở” đầu tiên của FPT “đậu nhờ” trong khuôn viên nhà đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu, văn phòng trong trường THCS Giảng Võ, ngôi nhà riêng đầu tiên ở 37 Láng Hạ (giờ là tòa nhà VP Bank), tòa nhà HITC Cầu Giấy…


Anh Nguyễn Thành Nam kể về các trụ sở cũ của FPT


Tại mỗi địa điểm, anh lại dừng chân để kể về những kỷ niệm gắn bó với không gian ấy. Trụ sở đầu tiên trên đường Hoàng Diệu nơi anh em thường tụ tập để bàn bạc, “ăn trực”, và viết nên câu tuyên ngôn về sứ mệnh bất hủ của tập đoàn: “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.” Tòa nhà ở Láng Hạ xấu nhưng lại có cái sân rất to – nơi đã bắt đầu rất nhiều các hoạt động truyền thống của FPT như Hội Làng, Thi Trạng đá bóng… Tòa HITC được chọn vì tiêu chuẩn quốc tế nhưng giá thuê lại thấp do vị trí hẻo lánh, đã cho anh em rất nhiều quyền tự do. Anh Nam cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì ngôi nhà bây giờ (17 Duy Tân) tuy có đẹp hơn nhưng đã không có nhiều không gian chung cho những nghi lễ của FPT nữa. 


Anh Nam chia sẻ những hình ảnh về Ngày Phụ Huynh của FPT


Một ví dụ khác là quan hệ gia đình thân thiết trong văn hóa của Việt Nam đã được thể hiện qua một sự kiện mà có lẽ không đâu có ngoài FPT: Ngày Phụ Huynh – dành riêng cho bố mẹ các cán bộ công nhân viên của Tập đoàn. Anh Nam kể lại, nhiều người đã rất thích thú và xúc động khi được tham quan nơi làm việc, gặp gỡ đồng nghiệp và cấp trên của con mình, đặc biệt là khi “ở nhà nó chẳng kể gì với bác” –  theo lời một vị phụ huynh. Anh cho biết tuy chương trình này không đóng góp vào việc tìm kiếm khách hàng mới, nhưng đã rất hiệu quả trong việc tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên. Nhiều tổ chức đã phát triển rồi tan rã chính vì đã không đánh giá đủ tầm quan trọng của khía cạnh này. 


Kết thúc sự kiện, TS. Nguyễn Thành Nam bày tỏ hy vọng môn học sẽ giúp cho người FPT thế hệ sau kế thừa những thành quả và phong cách của thế hệ trước, để tập đoàn phát triển bền vững và trường tồn. 


Nguồn: FUNiX

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn