Kiên trì là một trong những phẩm chất quý giá mà không phải ai cũng rèn luyện được. Nó là nhân tố cần thiết trong thành công của mỗi cá nhân.
Thực tế cho thấy có nhiều người đã từ bỏ khi đã rất gần đích đến, chỉ vì sự nản lòng trong một phút, thiếu kiên nhẫn cho đến cuối cùng. Họ bỏ lỡ thành quả của mình gần đạt được sau bao nhiêu nỗ lực và cố gắng trước đó. Vậy thì làm thế nào để có thể kiên trì, làm sao để rèn luyện được tính kiên trì? Cùng đọc bài viết dưới đây để biết thêm về cách rèn luyện tính kiên trì nhé!
1. Phải có một khát vọng cháy bỏng, một mục tiêu rõ ràng, một chí hướng lớn lao.
Khi bạn có một khát vọng cháy bỏng, điều đó thôi thúc bạn đặt ra được mục tiêu cuộc sống. Bạn phải làm cái gì, bạn sẽ phải làm cho bằng được. Từ đó trong bạn xuất hiện một quyết tâm cao độ. Một sự niềm tin mạnh mẽ, và một cố gắng không biết mệt mỏi. Đó cũng chính là lúc bạn tự xây dựng cho mình được một phẩm chất kiên trì, nhẫn nại.
2. Thất bại là mẹ của thành công.
Không có thành công nào đến một cách dễ dàng. Nếu nó đến với bạn quá sớm, quá dễ dàng, sẽ không tốt cho bạn trong tương lai. Mọi thành công đều có cái giá của nó, nhẹ nhàng nhất đó là những bài học sau những lần thất bại. Rất nhiều người thành công ngoài kia đều đã từng giống bạn. Bạn cần sự thất bại để có được một thành công chắc chắn hơn, ý nghĩa hơn. Từ đó bạn sẽ kiên trì hơn trong việc tìm kiếm thành công.
Trái ngược lại, nhiều người nóng vội, chưa làm đã muốn có thành công. Họ làm việc một cách qua loa, vội vàng, họ chỉ muốn nhanh có kết quả. Đó là một sai lầm, một nhược điểm cần loại bỏ. Kết quả cho dù có đạt được, cũng chỉ là một kết quả mỏng manh, thiếu bền vững.
3. Học cách sống tự lập.
Người sống tự lập luôn biết tự lo cho chính mình, thích tự mình giải quyết mọi chuyện. Họ ghét hai chữ ơn huệ, ghét sự ràng buộc, ghét sự lười biếng ỉ lại. Họ thích độc lập, tự do, thích tự mình quyết định cuộc đời mình. Người đã có ý thức sống tự lập luôn là người có quyết tâm cao.Họ sẵn sàng vượt qua gian khổ, thử thách. Họ không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Vậy thì nếu không có được sự kiên trì, họ khó lòng thực hiện được điều đó. Do đó khi bạn có ý thức, mình phải là người sống tự lập, bạn cũng sẽ bắt đầu học được tính kiên trì.
Ngược lại những người thích sống ỉ lại thì luôn có thói quen lười biếng. Những người đã lười biếng thì rất khó kiên trì hay quyết tâm làm được một việc gì đó.
4. Loại bỏ sự nóng vội, hãy nhớ câu: “muốn nhanh là phải từ từ”.
Tuổi trẻ thường mắc phải một sai lầm đó là luôn vội vàng trong các hành động của mình. Họ bồng bột, vội vàng, hiếu thắng. Khi làm một việc gì đó cũng chỉ muốn nhanh có kết quả, để xác định xem có nên làm tiếp hay không. Khi không đạt được kết quả, họ sớm chán nản, bắt đầu có dấu hiệu bỏ cuộc. Thay vì việc kiên nhẫn xem lại từ đầu, tìm nguyên nhân từng khâu. Họ lại bỏ bê mọi thứ, bắt đầu có dấu hiệu xuống tinh thần trầm trọng. Chính điều đó đã giết chết phẩm chất kiên trì.
5. Rèn luyện cho mình một phong thái điềm tĩnh lạc quan.
Có nhiều người nhìn vấn đề hết sức nông cạn, đã vậy lại còn luôn làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng to tát. Người có tâm hồn thư thái nhẹ nhàng nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, nhưng không quên làm đơn giản hóa chúng. Do đó khi làm một việc nhiều lần không có kết quả, họ không nóng vội, không cáu gắt, không nản lòng. Sự lạc quan, phong cách điềm tĩnh giúp họ kiên trì hơn để phân tích lại vấn đề, tìm ra nguyên nhân.
Một ví dụ trong công việc: khi bạn gặp khó khăn trong công việc, và bạn hỏi một ai đó nhiều lần. Nếu họ là người vui vẻ, lạc quan, điềm đạm, họ sẽ kiên trì giúp bạn. Ngược lại người nóng nảy, khó tính, thường dễ thiếu nhẫn nại trước bạn. Tất nhiên việc hỏi ai đó quá nhiều chưa hẳn là tốt, vì họ đang bị bạn làm phiền rất nhiều. Nhưng có thể coi đó là một cách để đo được sự kiên trì và phong thái của mỗi người.
Kiên trì là phẩm chất quý giá của mỗi con người. Sự kiên trì là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp cho sự thành công của bạn. Người xưa đã đúc kết lại câu tục ngữ kinh điển dành cho sự kiên trì: “Có công mài sắt, có ngày nên kim!“. Hãy cố gắng rèn luyện cho mình sự kiên trì trong công việc, cuộc sống nhé!
Ann (st)