Thủ lĩnh phong trào luyện kỹ năng sinh tồn ở Rừng Sác

Các cán bộ nằm vùng FPT Telecom thể hiện kỹ năng sinh tồn trước điều kiện khắc nghiệt trong thử thách ở rừng ngập mặn Cần Giờ.


Ngày 3-4/11, 60 thủ lĩnh phong trào FPT Telecom hội quân tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ để tham gia khoá huấn luyện cán bộ nằm vùng với kỳ vọng hoạt động văn hoá tinh thần đơn vị ngày càng hiệu quả. 

Sáng 4/11, sau khi viếng các liệt sĩ ở nghĩa trang Rừng Sác, thủ lĩnh phong trào trở lại địa điểm đóng quân tiếp tục chương trình. 4 đội tham gia cuộc đua kỳ thú và trải nghiệm kỹ năng sinh tồn trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Do chương trình khá mạo hiểm và thử thách nên đại diện Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi đã chia sẻ kỹ về các tình huống để các thủ lĩnh có thể trải nghiệm an toàn và vui nhất có thể.


Sau đó, 4 đội đều được phát son để tạo ký hiệu nhận diện với yêu cầu đồng nhất. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá tinh thần gắn kết đồng đội.


Để tìm ra đội xuất phát, Ban tổ chức yêu cầu các đội phải vượt qua nhiều thử thách để giành quyền ưu tiên xuất phát trước, gồm trò chơi như xếp cầu, xây tháp… Trong ảnh là tiểu đội 4 đang đan tay tạo thành cây cầu để một thành viên bước qua. Đây là đội được đánh giá làm cầu ngắn và chuẩn nhất. Và đây cũng là thử thách giúp đội 4 giành được quyền ưu tiên di chuyển đầu tiên.


Cạnh đó, đội 2 chọn cách nằm sát nhau để tạo thành cầu. Tuy nhiên, phương án này khá dài và thành viên di chuyển bên trên cũng khó khăn. Các đội còn lại phải tiếp tục các thử thách trước khi được phép xuất phát.


Ban tổ chức khuyến cáo có hai lựa chọn: đi chân đất và giày. Tuy nhiên, phần lớn thành viên các đội đều chọn đi giày. Và ban đầu, để giày sạch, họ chọn cách di chuyển trên các dễ và bám vào cành cây. Cần Giờ có khoảng 70.000 ha thì gần một nửa (khoảng 34.400 ha) là rừng ngập mặn. Đây được xem là bức bình phong giữ cho TP HCM và vùng phụ cận tránh khỏi gió bão, trở thành niềm tự hào của cả nước khi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.


Và rồi, các chàng trai cô gái nhà "Cáo" cũng chấp nhận hy sinh đôi giày để di chuyển.  Cuộc đua kỳ thú yêu cầu các đội chơi có nhiệm vụ di chuyển theo lộ trình đã quy định là vượt qua 3 km đường Rừng Sác. Trên đường đi các đội chơi phải vượt qua các thử thách gồm: nhóm bếp, bắt cá bằng tay và thổi cơm. Họ phải bảo toàn các món này đến chặng cuối cùng khi hàng loạt thử thách đang chờ phía trước. Đây là một phép thử giới hạn bản thân, máu liều và khả năng hoàn thành mục tiêu của các thủ lĩnh nhà Cáo mà BTC đã dụng công sắp đặt.


Điểm đến đầu tiên là thách bắt cá và nhóm lửa thổi cơm. Một vũng nước được thả 4 chú cá lóc, và nhiệm vụ của mỗi đội là bắt một con cá thành công. Ở trên bờ, nhóm còn lại phải kiếm củi để nhóm lò nấu cơm.


Nguyễn Khắc Hiếu, INF, thành viên đội 4, là người đầu tiên xung phong bắt cá. 


Các thành viên còn lại thực hiện thử thách nấu cơm chỉ với gạo, chai nước, bật lửa và cành cây trong rừng. Khó khăn là mùa mưa, các cây xung quanh lại rất tươi. Và những nhánh cây khô, dù nhỏ như cây tăm, giờ đây cũng quý hơn vàng. Họ cũng phải canh lượng nước sao cho cơm không quá khô hay nhão như cháo.


Trong khi các chàng trai liên tục nhảy xuống hồ nhưng cá vẫn biệt tăm thì 'nữ hoàng salesman' miền Tây Phan Thị Thúy Hằng, FPT Telecom Đồng Tháp, lại là người đầu tiên bắt được cá. Sốt ruột và cũng muốn cổ vũ các chàng trai, Hằng cùng nhiều đồng đội đứng bên mép nước. Và may mắn là một chú cá bơi ngay vào chỗ Hằng đứng. Với kinh nghiệm bắt cá, cô gái Đồng bằng sông Cửu Long đã dễ dàng tóm gọn chú cá lóc trong sự phấn khích của đồng nghiệp và cả niềm ghen tị của thành viên đội bạn. Chú cá đã tạo ra cú lội ngược vòng về tốc độ cho đội 2 bởi từ vị trí xuất phát thứ 3, đội xanh đã trở thành đội đầu tiên khởi hành đến chặng 2.


Sau đó, các đội truyền tai nhau kinh nghiệm cứ men theo bờ sẽ dễ gặp cá hơn. Đây chính là thử thách khó nhằn nhất. Không khí căng thẳng tưởng chừng bế tắc. Ảnh anh Long Somnang, chàng trai ở thủ đô Phnom Pênh từ đơn vị FPT Telecom Campuchia (Opennet), cô đơn và vô vọng với thử thách tay không bắt cá.


Trong khi đó, sau khi có được 'báu vật', đội 2 được phép xuất phát. Yêu cầu của Ban tổ chức là các đội phải mang theo nồi cơm, bếp lò và cá.

Các thủ lĩnh tiến vào rừng, lội bùn, lội sình và đạp trên những rễ cây để đi. Những bắp chân bắt đầu ngứa ngáy, đỏ tấy vì bù mắt cắn. Hết len lỏi lại leo trèo, đánh đu. Tiếng cười, tiếng than thở, rên rỉ vì cả nghìn lý do dội khắp rừng.


Ban tổ chức đả vạch sẵn đường bằng những dây màu đỏ. Khi gặp những vũng sình mà không có những gốc cây, các chàng trai cô gái buộc phải lội xuống để băng qua.


Trên đường đi, các đội còn gặp những 'toán du kích' mai phục sẵn để cản trở. Họ sẽ ném đất, hắt nước, ném bùn, ghìm cây... với mục đích khiến cho nồi cơm hay bếp lò bị ảnh hưởng. Và lý tưởng nhất là lò tắt và nồi cơm đầy những bùn. Để tránh những chướng ngại, các đội phân chia người tiềm trạm cảnh báo cũng như bố trí thanh niên to khỏe bảo vệ thật chắc các bảo vật.


Có những điều kiện tưởng chừng bế tắc nhưng con người nếu có ý chí và sự sáng tạo vẫn có thể vượt qua. "Trải nghiệm lội sình và bu rễ cây mà đi phăm phăm như khỉ khiến tôi nhớ nhất trong chuyến tập huấn", chị Đặng Thị Minh Tuyền, FTQ, thành viên đội 2, chia sẻ.


Dù bảo vệ kỹ nhưng trong điều kiện di chuyển khó khăn, lò vẫn cứ tắt ngúm. Và nhóm lò giữa rừng ngập mặt cũng là một trái nghiệm khó quên.


Sau hơn 2h di chuyển, các đội lần lượt hội quân tại đích đến là một bãi đất trống giữ rừng. Khi điểm danh đủ thành viên, Ban tổ chức sẽ công bố thử thách tiếp theo: lấy nguyên liệu nướng cá và trang trí bữa ăn hoàn chỉnh. Ảnh các đội bẻ lá cây chà là để nướng cá và nấu cơm. Đặc điểm của cây này là dù tươi cũng dễ cháy.  


Bếp nấu cơm bên cạnh chú cá đang được nướng trong lửa bùng cháy của đội 2.


Trong khi đội 2 cắm cá thẳng đứng theo phong cách nướng của người miền Tây thì đội hàng xóm chọn phương án để cá nằm và lấy cây to tạo ra than hồng làm chín.


"Ngon và thơm lắm. Chị Trang thử đi", anh Phan Nhựt Hoài Quốc, Trung tâm điều hành mạng (NOC), hào hứng khoe sản phẩm với Trưởng ban Giám khảo Phùng Thu Trang, Chủ tịch Công đoàn kiêm Trưởng ban Truyền thông FPT Telecom.


Trong khi các đồng đội đang đi chọn lá đẹp thì Phạm Huỳnh Trúc Vương, FPT Telecom Sài Gòn 3, tỉ mỉ tết mâm trưng bày cho đội. "Dù lá cứa vào tay rất đau nhưng tôi vẫn vui vì được đóng góp vào thành quả chung của cả đội", Trúc Vương chia sẻ.


Sau khi túa ra tìm kiếm nguyên liệu, các thành viên đội 3 quây quần xung quanh quan sát và cổ vũ đồng đội nướng cá và trang trí.


Khi hoàn thành thử thách, các đội sẽ tập trung xung quanh thành phẩm để Ban giám khảo đến kiểm tra và chấm điểm.


Giám khảo độc quyền Phùng Thu Trang lần lượt nếm thử thành quả của các đội. Tiêu chí chấm điểm gồm trang trí đẹp, cơm chín đều và thơm, cá chín cả trong lẫn ngoài, không bị cháy hay ám khói. Trong khi giám khảo ăn thử, toàn đội sẽ hát liên khúc. "Cơm ngon và cá chín đều. Cũng rất thơm nữa", chị Trang nhận xét thành phẩm đội 2. "Các bạn có lợi thế khi bắt được cá đầu tiên".


Khi Ban giám khảo chấm điểm xong, các thành viên đội 2 chia đều thành phẩm để cùng thưởng thức trong lúc bụng đang đói cồn cào sau chặng đường di chuyển hao sức.

Khi mỗi đội hoàn thành tất cả thử thách, Ban tổ chức sẽ phát một quả pháo sáng để bắn pháo hiệu và ăn mừng. Tuy nhiên, đây chưa phải là chặng cuối cùng. Các đội phải nhanh chóng di chuyển về điểm xuất phát ban đầu mới được tính là chiến thắng. Chặng cuối cùng là cuộc rượt đuổi gay cấn giữa đội 2 và đội 3. Khi mà đội 2 đang dẫn trước trên đường về thì đội 3 ở ngay phía sau liên tục hòa hét nhằm làm đội 2 mất tinh thần. Kết quả, phần thắng cuối cùng của cuộc đua kỳ thú chính là đội 2 (trong ảnh).


Khi đội cuối cùng rời khỏi, anh Phan Phước Nhật, Trưởng phòng Văn hóa - Đoàn thể, trưởng Ban tổ chức, đốt một trái pháo sáng to để báo hiệu kết thúc chặng thử thách. “Lâu lắm rồi tôi có cảm giác như thời sinh viên. Đồng đội cùng học, cùng chơi, cùng ăn, cùng ngủ. Không có bất cứ khoảng cách về tuổi tác, cấp bậc, công việc. Và hơn nữa, tôi đã thật sự cảm nhận được tinh thần và vai trò của bản thân sau khóa tập huấn này”, Ngô Đình Huy, FPT Telecom Tiền Giang, chia sẻ. 

Chương trình tương tự sẽ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 17-18/11.

Nguồn: Chungta (11/2017)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn