Sự xuất hiện của thủ lĩnh ẩn mình tạo ra sự nghi ngờ lẫn nhau ngay trong nội bộ các tiểu đội của “Thủ lĩnh phong trào FPT Telecom 2019”.
Ở khóa tập huấn “Thủ lĩnh phong trào FPT Telecom 2019”, BTC sẽ “cài cắm” một thủ lĩnh ẩn mình vào mỗi đội. Như vậy, sẽ có 4 nhân tố bí ẩn xuất hiện trong 4 tiểu đội. Nhiệm vụ của những thủ lĩnh này là “soi” thật kĩ từng đội và báo cáo lại nếu phát hiện có gian lận trong các phần thi.
Điều đáng nói là không có đội nào tìm được nhân vật khả nghi cho tới khi thủ lĩnh Phan Phước Nhật công bố danh tính. Ở tiểu đội 1, thủ lĩnh ẩn mình là chị Trần Thị Phượng (chi nhánh Vĩnh Phúc). Tiểu đội 2, thủ lĩnh ẩn mình là anh Nguyễn Đức Trung (chi nhánh Quảng Ninh). Chị Chu Thị Tuyến (chi nhánh Thái Nguyên) là thủ lĩnh ẩn mình trong tiểu đội 3. Và người bí ẩn cuối cùng nằm ở tiểu đội 4 là chị Trần Thu Hương (chi nhánh Tuyên Quang).
Ở phần báo cáo bí mật của các thủ lĩnh ẩn mình, BTC cho biết đội 4 bị phát hiện có dấu hiệu gian lận trong trò chơi giải mật thư. Theo đó, đội 4 bị nghi ngờ đã dùng điện thoại nhắn tin nhờ sự trợ giúp của đội chơi khác. Tuy nhiên, sau đó, thành viên “dính” nghi án gian lận đã lập tức chứng minh sự trong sạch bằng cách tiết lộ toàn bộ tin nhắn. Cụ thể, anh đã nhờ đến sự trợ giúp của người thân ở nhà, không phải người trong cuộc thi. Đây là nội dung hợp lệ.
Một tiểu đội khác cũng bị thủ lĩnh ẩn mình “bắt” được lỗi sai đó là tiểu đội 3. Theo quy định của BTC, mỗi đội sẽ được phát một số tiền nhất định. Nếu muốn kiếm thêm tiền cho chi phí đi lại và mua thực phẩm trong các thử thách, 4 đội phải tự bán bánh mì đã được chuẩn bị sẵn chứ không được dùng tiền của bản thân. Tiểu đội 3 dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Nguyễn Đức Việt (Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc) đã tự bỏ thêm tiền cá nhân vào quỹ để chi tiêu.
Giải thích về điều này, tiểu đội trưởng Việt cho biết cả đội đã dùng tiền để mua bánh mì với giá cao chứ không phải gian lận. Nhưng câu trả lời này không được chấp nhận và tiểu đội 3 bị trừ điểm.
Sau khi 4 thủ lĩnh ẩn mình lộ diện, BTC tiến hành để 4 nhân vật này bốc thăm chia lại đội, tránh tình trạng bị “trả thù” khi trở về đội ban đầu. Tuy nhiên, các đội cũng như cả 4 thủ lĩnh ẩn mình đều có mong muốn được giữ nguyên vị trí để tiếp tục cuộc thi. BTC chấp nhận đề nghị này và đồng thời lại “gây sốc” khi tiết lộ thêm vẫn còn 2 thủ lĩnh ẩn mình nữa chưa được công bố.
Trong phần tổng kết cuối ngày, thủ lĩnh Phan Phước Nhật một lần nữa hỏi các tiểu đội về suy đoán nhân vật bí ẩn là ai. Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Hưng của tiểu đội 4 gây ấn tượng khi khẳng định anh tin tưởng tất cả các đồng đội của mình, không có ai là thủ lĩnh ẩn mình. Và anh đã được đền đáp bằng câu trả lời như ý muốn. Thực tế, không còn nhân vật giấu mặt nào được “cài cắm” trong buổi chiều.
Theo anh Phan Phước Nhật, việc BTC đưa các thủ lĩnh ẩn mình vào từng đội không chỉ để giám sát, giữ mọi thứ ở đúng mức độ mà còn giúp các đội chơi nâng cao khả năng suy luận. Và đặc biệt hơn cả là tinh thần đồng đội, sự tin tưởng lẫn nhau. Bài học sâu sắc được đưa ra ở phần thử thách tìm thủ lĩnh ẩn mình là “Tin hoặc không tin chứ đừng nghi ngờ”. Đó là cách để tạo nên một tập thể đoàn kết và đi lên.
Khóa tập huấn mang tên “Thủ lĩnh phong trào mùa 3” dành cho đội ngũ ngành dọc về truyền thông, công đoàn, tổng hội và trách nhiệm xã hội (CSR) của FPT Telecom trên toàn quốc. Sự kiện do Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT Telecom tổ chức, diễn ra tại hai địa điểm là TP HCM và Hà Nội. Chương trình tập huấn dành cho đội ngũ tổng hội kiêm nhiệm FPT Telecom (được gọi là Đội ngũ Nằm vùng). "Thủ lĩnh phong trào" đã trải qua 2 mùa với những thử thách đòi hỏi sự gan dạ, quyết tâm, tinh thần đồng đội và tính sáng tạo từ những người thủ lĩnh. |