Trong thế giới công nghệ hôm nay, người Mỹ là nhóm tiên phong. Họ luôn là những người bắt đầu. Người Nhật tuy không bắt đầu, nhưng luôn cố gắng đi đến tận cùng. Và họ cũng rất thành công.
Một cán bộ được giao nhiệm vụ gửi một lô hàng sang Singapore cho đối tác. Sau khi đến hải quan và hãng vận tải làm xong các thủ tục gửi hàng, anh nghĩ là mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Khoảng 2 tuần sau đó, đối tác gọi điện hỏi vì sao chưa gửi hàng? Kiểm tra với hãng tàu mới biết, chuyến tầu đó bị sự cố và hàng hóa cần gửi vẫn nằm yên trong kho. Tất nhiên đối tác rất tức giận. Họ không tức giận vì sự cố, mà tức giận vì sau hai tuần vẫn không được thông báo về sự cố - nguyên nhân gây ra sự chậm chễ.
Lẽ ra, sau khi gửi hàng xong, anh cán bộ phải kiểm tra hàng đã lên tàu chưa, tàu có khởi hành đúng lịch trình không, hàng hóa tới nơi có bị hư hỏng không... để kịp thời thông tin cho đối tác. Nhiệm vụ gửi hàng của anh chỉ hoàn thành khi đối tác thông báo đã nhận lô hàng đầy đủ và nguyên vẹn.
Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ về thói quen không chuyên nghiệp của chúng ta: làm việc không đến nơi đến chốn.
Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc họp cấp công ty cũng như các cấp cao hơn. Tình trạng phổ biến là: nêu vấn đề, tranh luận và ra các quyết định. Hết. Ít khi có phân công cụ thể người phải triển khai các quyết định này. Hoặc có phân công thì không kiểm tra họ triển khai có nghiêm túc không? Trong cuộc họp tiếp theo thường không có báo cáo về việc triển khai các quyết định của cuộc họp trước, cái nào đã xong, cái nào chưa, cái nào nên dừng lại, cái nào cần tiếp tục. Cuộc họp mới lại ra những quyết định mới và quá trình trên được lập lại. Kết quả là, rất nhiều quyết định được đưa ra và rất ít quyết định được triển khai đến tận cùng.
Tôi nghe kể, để thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, ngành điện lực đã rất cố gắng kéo đường điện đến đầu các bản làng. Và họ nghĩ như thế là xong. Nhà thờ Tin Lành kéo tiếp phần còn lại, đưa điện đến từng nhà. Theo bạn, dân bản sẽ nghĩ, ai là người đã mang ánh sáng đến cho họ?
Trong thế giới công nghệ hôm nay, người Mỹ là nhóm tiên phong. Họ luôn là những người bắt đầu. Người Nhật tuy không bắt đầu, nhưng luôn cố gắng đi đến tận cùng. Và họ cũng rất thành công.
Còn chúng ta, đã không thể bắt đầu mà cũng chẳng muốn đi đến tận cùng, hỏi sao không kém?
Hoàng Minh Châu