Nhiều văn phòng lớn ở Tokyo không có hầm đậu xe. Nhân viên trong những tòa nhà này sẽ sớm nhận thấy sử dụng phương tiện giao thông công cộng tiện lợi hơn, vì rất khó tìm được chỗ đỗ xe.
Nhiều người nghĩ rằng Sài Gòn thiếu xe buýt. Đó là một cảm nhận tự nhiên. Với một thành phố hơn 10 triệu dân, không có tầu điện ngầm và xe điện trên không, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng duy nhất, thì số lượng vài nghìn chiếc là quá ít.
Nhưng nếu nhìn vào bên trong các xe buýt đang chạy trên đường, bạn sẽ đưa ra kết luận khác: chỉ có dăm ba hành khách giữa những hàng ghế trống trơn. Thực tế là Sài Gòn thiếu người đi xe buýt!
Anh bạn người Nhật, người từng tham gia nhiều dự án giao thông ở Việt Nam, nói với tôi: "Sài Gòn còn xe máy, thì xe buýt còn chạy không". Theo anh, người tham gia giao thông đương nhiên sẽ chọn phương tiện giao thông mà đối với họ là thuận tiện nhất. Ở Sài Gòn, đó là xe máy.
Quả thật, xe máy vô cùng tiện lợi. Bạn có thể đi trên đường lớn, đi trong hẻm nhỏ, khi kẹt có thể leo vỉa hè, thích thì có thể dừng xe bên lề đường mua bánh mỳ hay gói thuốc... Với thói quen không thích đi bộ, lại thích rẽ ngang ghé dọc, xe máy chính là đôi chân của nhiều người Sài Gòn. Hầu hết thanh niên, chỉ một vài trăm mét cũng leo xe.
Giống như các thành phố lớn trên thế giới, tình trạng kẹt xe ở Sài Gòn ngày càng trầm trọng hơn. Ai cũng biết, giao thông công cộng là giải pháp tốt, nhưng rất khó triển khai ở đây. Dù thành phố đã nỗ lực lập ra hơn 150 tuyến xe buýt, tiếp tục bù lỗ cho cả hệ thống xe buýt trong nhiều năm qua, nhưng số người đi xe buýt vẫn chẳng tăng lên. Hành khách đi xe buýt chủ yếu là người già và trẻ em - những người không biết... đi xe máy.
Các phương tiện giao thông công cộng, trên toàn thế giới, hầu hết đều có chung một nhược điểm là bến xe xa. Hành khách phải đi bộ từ nhà ra bến. Rồi họ phải đi bộ tiếp từ bến tới đích cuối. Đáng buồn là, nhược điểm này rất khó khắc phục, đặc biệt đối với một khu vực rộng lớn.
Vì thế, để lôi kéo người dân sử dụng giao thông công cộng nhiều hơn, chỉ còn một biện pháp hữu hiệu là kiểm soát các phương tiện cá nhân tham gia giao thông, theo hướng kiềm chế không cho gia tăng: Hạn chế số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông theo luật và lập các hàng rào kỹ thuật để giảm bớt sự tiện lợi của phương tiện cá nhân.
Nhiều thành phố lớn đã cấm xe máy. Singapore cũng kiểm soát chặt chẽ số lượng xe hơi, chỉ cấp license (giấy phép) cho một xe mới khi có một xe cũ được xác nhận là không còn lưu hành. Một số thành phố thay vì hạn chế xe, đã hạn chế số vị trí parking trong các khu trung tâm. Nếu bạn không chắc sẽ tìm được chỗ đỗ xe, bạn sẽ không mạo hiểm đi xe hơi đến trung tâm vào giờ cao điểm.
Nhiều văn phòng lớn ở Tokyo không có hầm đậu xe. Nhân viên trong những tòa nhà này sẽ sớm nhận thấy sử dụng phương tiện giao thông công cộng tiện lợi hơn, vì rất khó tìm được chỗ đỗ xe. Nhiều thành phố du lịch đã biến các khu trung tâm thành nơi dành riêng cho khách bộ hành và các phương tiên giao thông công cộng. Các phương tiện giao thông cá nhân đều phải dừng từ xa và trở thành bất tiện hơn xe buýt, xe điện...
Giải pháp có rất nhiều và cũng dễ tìm. Chỉ là khó học theo, vì thế giới không có nhiều đặc thù như chúng ta.
Sài Gòn đang chậm dần. Liệu có khi nào, Sài Gòn sẽ đứng im?
Hoàng Minh Châu