Vùng vỏ não trước trán của bạn dùng để học hỏi những điều mới và hoạt động thông qua bộ nhớ công việc (tức là bộ nhớ ngắn hạn) của bạn. Phần bộ nhớ này được sử dụng để đưa ra các quyết định và lập kế hoạch có chủ đích, nhằm đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, để thành thạo và biến một kỹ năng nào đó trở thành phản xạ thì bạn cần quá trình rèn luyện.
Trong trường hợp học tập và làm việc, tính phản xạ cho phép bạn áp dụng và đào sâu thêm việc học theo những cách mới lạ và phong phú. Rèn luyện phản xạ là quá trình biến những thứ bạn làm trở thành con người bạn – biến bạn thành một chuyên gia và một nhà cải cách. Như Josh Waitzkin, tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật của sự học hỏi” (The Art of Learning), đã nói: “Cũng giống như biểu tượng âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, những sáng tạo đột phá phải được sinh ra từ một nền tảng chuyên môn vững chắc”. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu 4 bước trong quá trình rèn luyện này hoạt động như thế nào.
1. Lặp lại!
“Bất cứ thứ gì chúng ta gieo trồng trong tiềm thức và nuôi dưỡng nó bằng tình cảm và lòng kiên trì, một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực” -Earl Nightingale-
Để rèn luyện phản xạ, bước đầu tiên là hãy học đi học lại từng mẩu thông tin nhỏ. Nếu bạn đang học một ngôn ngữ mới, bạn phải liên tục nhắc lại gốc và loại từ của cùng một từ. Nếu bạn đang chơi golf, bạn cũng phải luyện tập một cú vung gậy rất nhiều lần. Tuy nhiên, phản xạ còn vượt trên cả mức thành thạo, tới độ bạn nắm rõ như lòng bàn tay. Để đạt được ngưỡng đó, bạn phải liên tục luyện tập và mài giũa nó trong thời gian dài sau khi đã hiểu rõ về nó. Với việc não trái của bạn đã nắm vững các kiến thức chuyên môn và kỹ năng điêu luyện sẽ giúp giải phóng não phải của bạn để suy nghĩ sáng tạo và phá vỡ các quy tắc, như Đức Dali Lama đã nói: “Hãy nắm vững các luật lệ để biết cách phá vỡ chúng”.
2. Tìm ra lĩnh vực của riêng bạn và kiên trì với nó hết mức có thể
“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” – Richard Marcinko
Bước thứ hai để luyện được phản xạ là nâng dần độ khó trong việc tập luyện. Nếu bạn là người tập gym, hãy nâng dần mức tạ và cường độ lên. Nếu đang phát biểu, hãy nói đến cả những vấn đề khiến bạn không thoải mái. Mục tiêu của việc này là nâng dần độ khó cho nhiệm vụ của bạn cho đến khi bạn cảm thấy quá khó. Sau đó, bạn hạ dần độ khó xuống và dừng ở gần ngưỡng khả năng hiện tại của bạn.
3. Thêm hạn chế về thời gian
Bước thứ ba để tiến tới phản xạ là khiến việc luyện tập khó khăn hơn bằng cách thêm giới hạn thời gian. Vẫn thực hiện hoạt động đó (ví dụ như viết một bài báo) nhưng hãy rút ngắn thời gian thực hiện lại. Bạn nên tập trung vào quá trình thay vì kết quả. Chất lượng vẫn hơn số lượng. Thêm áp lực về thời gian sẽ buộc bạn phải làm việc nhanh hơn đồng thời phải suy nghĩ về nó, điều này sẽ giúp làm tăng bộ nhớ công việc của bạn.
4. Nạp vào bộ nhớ công việc của bạn những yếu tố xao nhãng có mục đích
“Trong nguy có cơ” – Binh pháp Tôn Tử Bước cuối cùng để rèn phản xạ là làm việc/luyện tập và với một bộ nhớ lớn dần. Nói cách khác là bạn sẽ thực hiện một nhiệm vụ với một mức độ phân tâm lớn hơn. Các giáo viên dạy toán áp dụng chiến lược này bằng việc cho học sinh học một định lý khó và yêu cầu học sinh phải nhớ lại ngay lập tức sau khi hoàn thành bài toán. Sau cùng, bạn sẽ có khả năng làm mọi việc trôi chảy, khi đó sự xao nhãng và áp lực bên ngoài sẽ không còn khả năng ảnh hưởng đến tiềm thức khi bạn làm việc nữa.
Nếu muốn xuất sắc những việc mình làm, bạn phải thành thạo đến mức biến nó trở thành phản xạ vô thức. Khi đó, bạn sẽ giải phóng được đến 90 phần trăm bộ nhớ công việc của mình, và có thể làm những chức năng cao cấp hơn. Một khi đạt đến trình độ này, bạn sẽ muốn cải tiến và tạo ra những cách làm của riêng mình, bởi vì bạn sẽ phải làm việc ở tần suất cao hơn nhiều. Hy vọng 4 bước rèn luyện trên sẽ giúp ích cho bạn trên con đường chinh phục những kiến thức và kỹ năng mới trong cuộc sống!
Nguồn: Internet