CEO FPT: 'Chuyển đổi số, con người là tối quan trọng'

Theo anh Nguyễn Văn Khoa, khi chuyển đổi số, có vô vàn rào cản mà các tổ chức, doanh nghiệp phải đối mặt, như văn hóa doanh nghiệp hay tính minh bạch; hoặc buộc phải phá hủy mô hình kinh doanh cũ để tạo mô hình kinh doanh mới. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là chuyển đổi con người, chuyển đổi tư duy...


Có lẽ sau này, lịch sử sẽ nhớ nhất về năm 2020 với hai dấu ấn đặc biệt: Covid-19 và làn sóng chuyển đổi số. Hai biến cố này cùng song hành tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và khắc nghiệt chưa từng thấy trong mọi lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu.


Covid tạo ra giãn cách xã hội, ngược lại, chuyển đổi số tạo ra một kiểu kết nối mới: kết nối tư duy, dữ liệu, xã hội, tài nguyên và tư liệu sản xuất theo một phương thức hoàn toàn khác. Phương thức mà trước đây người ta chỉ thấy trong phim viễn tưởng.


Trong phiên thảo luận về chuyển đổi số tại ‘Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021’ sáng 10/1, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa cùng các diễn giả đã chia sẻ về tầm quan trọng và các yếu tố giúp chuyển đổi số thành công. "Nhờ áp dụng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà nhiều lĩnh vực của FPT đã nâng cao được năng suất lao động lên gấp 3 lần so với trước đây", anh khẳng định.


Trong cuộc trò chuyện với báo chí trước thềm năm mới về một năm bất định vừa qua, anh Nguyễn Văn Khoa, CEO của Tập đoàn FPT, một trong những "binh đoàn" tiên phong trong chiến dịch chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, tin tưởng rằng, chuyển đổi số không phải là câu chuyện viễn tưởng về đích đến, mà là cuộc hành trình bắt buộc nếu chủ doanh nghiệp không muốn nhìn thấy cơ nghiệp của mình biến mất.


- Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử với biến cố Covid-19 và xu hướng chuyển đổi số. Là CEO một tập đoàn công nghệ được kỳ vọng sẽ đi top đầu trong hành trình chuyển đổi số của Việt Nam, anh nhìn nhận năm vừa qua là cơ hội hay thách thức? Và FPT đã làm gì để thích ứng và ứng phó trước những tác động đó?


- Covid-19 đã tạo ra cú hích chưa từng có về nhu cầu chuyển đổi số của mọi tổ chức, doanh nghiệp. Chúng tôi đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, chuyển dịch mạnh mẽ và nâng tầm vị thế trên toàn cầu. Doanh thu FPT duy trì tăng trưởng hai con số, trong khi các công ty công nghệ tên tuổi của thế giới như TCS, Wipro tăng trưởng âm. Chỉ trong 1 năm, FPT đã liên tiếp trở thành đối tác ưu tiên chiến lược, tư vấn, triển khai những hợp đồng chuyển đổi số toàn diện có giá trị kỷ lục trên 100 triệu USD cho các tập đoàn lớn tại Mỹ, Nhật Bản, Malaysia. Một con số mà trong điều kiện bình thường có lẽ phải 3 năm nữa mới đạt được.


Nhiều giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số của FPT đã được công nhận đẳng cấp quốc tế: như akaBot – giải pháp tự động hóa quy trình doanh nghiệp được tôn vinh top 6 giải pháp RPA toàn cầu. Trong nước, nhiều doanh nghiệp top đầu trong các lĩnh vực thủy sản, du lịch, viễn thông, sản xuất, bất động sản... cũng đã tin tưởng đặt FPT vào vị trí đối tác tư vấn chuyển đổi số toàn diện cho họ.


Có được kết quả trên là nhờ FPT xác định trong nguy có cơ, nhanh chóng chuyển đổi mọi hoạt động của tập đoàn từ "thời bình sang thời chiến", vai trò người lãnh đạo từ "quản trị" chuyển sang "chỉ huy". Để nhanh chóng thích nghi với những bất ổn của nền kinh tế và nắm bắt các cơ hội mới, việc ra quyết định được tính theo ngày, thậm chí theo giờ. Có hai việc chúng tôi xem là tối quan trọng:


Thứ nhất là bảo toàn sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Thay vì quản lý tài chính dưới góc độ thúc đẩy tăng trưởng cao, chúng tôi đã chuyển sang giảm thiểu rủi ro, đảm bảo dòng tiền ổn định: bảo toàn vốn; cắt giảm chi phí đầu vào. Thực hiện tiết kiệm; cắt mọi chương trình, hoạt động không mang lại doanh thu hay hiệu quả trong ngắn hạn. Đặc biệt, gia tăng hiệu suất làm việc và tập trung đầu tư hiệu quả cho công nghệ lõi.


Thứ hai là nhanh chóng thích ứng, tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội mới để bứt phá sau đại dịch. Linh hoạt, sáng tạo trong phương thức tương tác với đối tác, khách hàng, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Đồng thời liên tục nghiên cứu, thấu hiểu các hành vi mới của khách hàng toàn cầu và có các chiến thuật sáng tạo để giành dự án. Về nguồn lực, tăng cường liên kết nội bộ để tận dụng sức mạnh, tăng cường bán hàng chéo, thiết kế các gói giải pháp mới tổng thể phục vụ nhu cầu khách hàng; sử dụng chung nguồn lực, không thuê ngoài...


- Chưa bao giờ, sự thúc đẩy tự nhiên hướng về chuyển đổi số lại mạnh mẽ như năm vừa qua. Đối với các doanh nghiệp, để tồn tại và phát triển trong một hoàn cảnh mà ông gọi là "thời chiến", cần có sự hiệp đồng tác chiến? Anh và FPT đã làm gì để yểm trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến khắc nghiệp này?


- Trong "thời chiến", trên mặt trận kinh tế, chúng tôi đã làm được một việc vô cùng quan trọng, đó là liên minh, hợp lực cộng đồng doanh nghiệp. Bản thân tôi đã và đang trực tiếp lãnh đạo những dự án chuyển đổi số cho các tổ chức trọng yếu, tập đoàn lớn trong lĩnh vực thủy sản, bất động sản, viễn thông, năng lượng, du lịch, hàng không...


Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp sớm chuyển đổi số trước đó nhưng không thành công và họ tìm đến FPT tư vấn. Bằng kinh nghiệm và những bài học chuyển đổi số đắt giá mang về từ quốc tế, chúng tôi đã tư vấn cho họ vì sao họ chuyển đổi số không thành công, những điểm hạn chế, những "tử huyệt" mà các doanh nghiệp không dám động đến trong quản lý, vận hành, sản xuất, kinh doanh. Thậm chí còn thiết kế trải nghiệm cho khách hàng để họ chuẩn bị đón đầu tương lai trong 5-10 năm tới.


Khi chuyển đổi số, có vô vàn rào cản mà các tổ chức, doanh nghiệp phải đối mặt, như văn hóa doanh nghiệp hay tính minh bạch; hoặc buộc phải phá hủy mô hình kinh doanh cũ để tạo mô hình kinh doanh mới. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là chuyển đổi con người, chuyển đổi tư duy, cách thức làm việc cũ vốn đã ăn sâu vào ý thức của mỗi người. Tôi đã cùng cộng sự giúp khách hàng thay đổi tư duy, những thói quen làm việc trên môi trường số. Chứng minh cho người lao động trong các doanh nghiệp thấy họ không mất việc khi chuyển đổi số mà chuyển đổi số còn giúp họ nâng cao năng suất, tăng thu nhập.


Trong lĩnh vực xã hội số, chính phủ số, với sự thấu hiểu sâu sắc và hơn 20 năm kinh nghiệm triển khai những hệ thống công nghệ quan trọng của quốc gia, FPT tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, đưa ra những định hướng chiến lược và chương trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng yếu như tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục... Qua đó thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mang lại những giá trị mới cho mỗi người dân.


Nhưng không ít người vẫn còn mơ hồ không hiểu chuyển đổi số sẽ phải bắt đầu từ đâu và sẽ dẫn đến đâu? Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi số không trở thành một khẩu hiệu thời thượng, nói dễ nhưng khó làm?


Tôi xin kể hai câu chuyện sau.


HomeCredit đứng trước áp lực bộ phận chăm sóc khách hàng phải tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi/ngày. Dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, FPT và Home Credit đã tạo ra một "nhân viên ảo" trực tổng đài, tự động thực hiện 20.000 cuộc gọi mỗi ngày, tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp.


Câu chuyện thứ hai của chính FPT. Nhờ nền tảng Core AI Engine, chúng tôi nắm được vị trí của từng kỹ thuật viên và điều phối tối ưu trong đội ngũ 6.500 kỹ thuật viên đến hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng thuận tiện nhất. Nhờ đó, sau 12 tháng tiết kiệm được 65 tỷ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27,6% năng suất lao động, đồng thời mang đến những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.


Rõ ràng, nếu doanh nghiệp xác định được đâu là "nỗi đau" cần ưu tiên giải quyết trong vận hành, bán hàng, hoặc gắn kết với khách hàng... thì sẽ biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ đâu và khi đó, chuyển đổi số sẽ không chỉ còn là khẩu hiệu nữa.


Nói một cách xót xa, chính Covid-19 đã thúc đẩy mọi doanh nghiệp phải chuyển đổi số nhanh chóng để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục trong bối cảnh đột ngột đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong giai đoạn Covid-19, có thêm 36% các doanh nghiệp đã chuyển đổi số hoặc có ý định ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh bất định đó, doanh nghiệp nào có sự đầu tư chiến lược vào công nghệ từ trước thì sẽ thích ứng nhanh chóng, không chỉ sống sót qua đại dịch mà còn giành lấy thị phần từ các đối thủ chậm chân hơn. Chính vì thế, kế hoạch chuyển đổi số kéo dài từ 5 – 10 năm trước đây của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã được rút ngắn xuống chỉ còn 2 – 3 năm, đưa chiến lược chuyển đổi số trở thành ưu tiên số 1.


- Anh từng nói về cam kết của FPT: cùng khởi động, cùng đầu tư và cùng về đích với khách hàng trong hành trình chuyển đổi số. Với khẩu hiệu "nghĩ lớn, khởi động thông minh và nhân rộng thành công", vậy năm qua FPT đã làm được gì với cam kết đó?


- Thực tế trong năm qua, Covid-19 đã thúc đẩy chúng tôi khởi động nhanh hơn. Và rất vui mừng trong hành trình đó, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã cùng FPT khởi động. Tôi lấy ví dụ như trong lĩnh vực thủy sản. Chúng tôi đã hoàn tất tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho một doanh nghiệp tên tuổi để họ đạt được giấc mơ, khát vọng chiếm 45% thị phần tôm thế giới.


Với lĩnh vực sản xuất, hệ thống điều hành sản xuất thông minh akaMES tại nhà máy của VinFast do FPT triển khai thành công, cho phép quản lý, giám sát và đồng bộ hóa việc thực thi các quy trình sản xuất từ nguyên liệu thô đến thành phẩm theo thời gian thực, giúp tối ưu vận hành và chi phí. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, hiện TPBank là khách hàng lớn nhất sử dụng giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ akaBot của FPT, sử dụng 70 robot phần mềm thay con người hoạt động liên tục không ngừng nghỉ ở một số công việc.


Trong lĩnh vực y tế, những nền tảng, giải pháp của chúng tôi giúp đội ngũ y bác sỹ nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân và tối ưu hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Một trong những dự án đáng tự hào của năm 2020 là FPT đã hoàn tất Hệ thống thông tin quản lý ngành y tế Đồng Tháp giúp kết nối dữ liệu thành công cho 22 bệnh viện trên toàn tỉnh, bước đầu hình thành xa lộ thông tin kết nối chia sẻ dữ liệu trong toàn ngành y tế tại Đồng Tháp với trên 9,2 triệu lượt hồ sơ khám, chữa bệnh... nhờ vậy người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng thuận lợi hơn. Còn rất nhiều những câu chuyện như vậy trong năm 2020 mà tôi mong muốn nhân rộng trong những năm tới.


Kinh tế số được cho là cơ hội hiếm hoi để Việt Nam bứt tốc bước vào một giai đoạn phát triển mới. Theo ông, Việt Nam có những thế mạnh và điểm yếu gì trong cuộc đua hiện nay, so với những nền kinh tế khác?


Tôi tin tưởng, phát triển kinh tế số sẽ mang lại sự thay đổi toàn diện mọi mặt trong xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của Việt Nam. Trong những năm gần đây, nền kinh tế số của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, giúp Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh thứ hai ở Đông Nam Á. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, chúng ta cần có giải pháp hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số; có giải pháp để chia sẻ và khai thác kho dữ liệu dùng chung; đào tạo nguồn nhân lực số nòng cốt để chủ động tham gia quá trình này.


Vị thế của Việt Nam trên thị trường công nghệ thông tin thế giới đang rất tốt. Được tiếp sức bởi các yếu tố kinh tế, xã hội ổn định, người Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn lên về năng lực công nghệ nhờ truyền thống yêu Toán học, khả năng tiếp thu nhanh nhạy. Có thể tự hào khi hầu hết các xu hướng công nghệ hot trên thế giới từ AI, Big Data, Cloud, RPA... đều đang được nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ ở Việt Nam. Nước ta hiện có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp số cùng với sự sẵn sàng chuyển đổi số của cộng đồng này và chủ trương tạo điều kiện thuận lợi từ Chính phủ thì đây là những điểm mạnh để thúc đẩy kinh tế số.


- Nếu được hỏi về những kiến nghị chính sách đối với Chính phủ để hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp trong thời gian tới, anh sẽ đề đạt gì?


Mức chi cho công nghệ thông tin của Việt Nam mới dừng ở 0,3-0,4% GDP trong khi trung bình ở các nước ASEAN là 1,3-1,5%. Việt Nam nên có quy hoạch ngân sách cho công nghệ thông tin nói chung và chuyển đổi số nói riêng; tăng mức chi cho công nghệ thông tin, giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời chúng tôi kỳ vọng không có bất cứ sự phân biệt nào giữa các khối doanh nghiệp công – tư, quy mô lớn nhỏ khi xem xét trao cơ hội thực thi các dự án chuyển đổi số quốc gia.


Năm 2021, FPT có kế hoạch gì, đâu là mục tiêu ưu tiên, đặc biệt khi năng lực cạnh tranh của FPT nói riêng cũng như Việt Nam nói chung tại sân chơi toàn cầu có những dịch chuyển rõ nét ở thời điểm hiện nay?


Chúng tôi đặt ra cho mình một kế hoạch tham vọng. Trong thập kỷ này, FPT sẽ bước vào Top 50 công ty dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu. Tại thị trường trong nước, chúng tôi sẽ tiên phong dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia mang lại những giá trị khác biệt cho người dân, doanh nghiệp.


Để đạt mục tiêu này, FPT sẽ tập trung vào các chương trình chính là phát triển nguồn lực con người bằng việc nâng cao năng lực tư vấn – quản trị, trẻ hóa đội ngũ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư công nghệ lõi của CMCN 4.0 như AI, Big Data, Cloud, phát triển hệ sinh thái nền tảng, giải pháp "Made by FPT" đẳng cấp quốc tế.


Đồng thời, FPT sẽ tập trung kiến tạo nền tảng số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng điểm quốc gia mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp không phân biệt loại hình, quy mô, lĩnh vực. Với nhu cầu chuyển đổi số đang tăng rất cao, tăng trưởng dự kiến 18-25%/năm, FPT tự tin đang có những lợi thế nhất định để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.


Nguồn: Chungta


Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn