Vì sao tên là FPT, tại sao số 13 trở thành con số phong thủy của nhà F, ba vòng tròn giúp FPT lựa chọn lĩnh vực kinh doanh dễ dàng là gì? Cùng đọc đoạn trích trong sách Đồng đội dưới dây để giúp hiểu rõ hơn về điều này nhé.
1. Đặt tên
Ngày 13/09/1988, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NCCNQG) Vũ Đình Cự đã ký quyết định số 80-88 QĐ/VCN thành lập công ty có tên là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm và giao cho ông Trương Gia Bình, một tiến sĩ đang công tác tại Viện Cơ, làm giám đốc. Các công ty Tin học Việt Nam đã thành danh lúc bấy giờ như Appinfor, Seatic, 3C, Genpacific… tất nhiên chẳng quan tâm gì đến sự ra đời của công ty này vì nó hoạt động khác ngành nghề. Nhưng chỉ vài năm sau họ đã bị “sốc”.. khi tin rằng một công ty chế biến thực phẩm thì không thể chuyển sang làm máy tính.
Thật ra có cái tên này là do ông Vũ Đình Cự gợi ý. Thứ nhất, Công ty thuộc Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia nên dứt khoát phải có chữ Công nghệ. Thứ hai, Đại hội VI của Đảng thời kỳ đó đã xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, toàn xã hội phải nỗ lực sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm đủ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Vì thế nên có chữ Thực phẩm.
Ông Trương Gia Bình nghe thấy có lý, vả lại các ông cũng chưa biết sẽ làm gì, ngoài hợp đồng sấy chuối bằng phương pháp lạnh đang thực hiện nên đã nhanh chóng chấp thuận.
Nhưng tại sao công ty lại có tên là FPT?
Lúc đó Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới, mở cửa ra thế giới. Xu hướng chuộng ngoại đã khiến cho mọi công ty đều đặt tên tiếng Anh, một phần để tiện giao dịch quốc tế, nhưng phần chính là để… cho oai. Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm liền được dịch sang tiếng Anh thành The Food Processing Technology Company.
Một cuộc trưng cầu ý kiến dân chủ để chọn tên Công ty cho ngắn gọn hơn được tổ chức. Theo kinh nghiệm dân gian “Ở đây bán cá”, trước hết chữ Company bị bỏ đi vì ai chẳng biết đây là công ty.
Phương án đầu tiên được rút gọn thành FoodProTech. Nghe cũng hay hay nhưng vẫn còn khá dài. Có nhiều phương án đưa ra, có phương án chỉ còn 1 chữ cái.
Sau đó có người nói với ông Bình, có một công ty quốc tế chỉ dùng có 3 chữ cái để đặt tên là IBM. Ông Bình hỏi lại, công ty đó lớn cỡ nào, người đó nói IBM là công ty lớn nhất thế giới. Và thế là 3 chữ cái FPT được sử dụng để đặt tên cho công ty.
Năm 1990, khi FPT thực sự trở về với mục đích của những người sáng lập ra nó, tức là Công nghệ Thông tin, 3 chữ FPT vẫn được giữ nguyên, nhưng ý nghĩa của nó được đổi thành The Company for Financing & Promoting Technology - Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ, cho phù hợp với môi trường hoạt động mới.
Ngày 19 - 12 - 2008, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần FPT, chỉ còn giữ 3 chữ FPT chứ không còn mất công “dịch” ra xem nghĩa là gì nữa.
Thú vị là khách nước ngoài không bao giờ nhớ được tên FPT, họ toàn gọi thành FTP, tức là tên một giao thức trên internet.
2. Bí ẩn số 13
Không biết từ khi nào, đối với FPT, số 13 đã trở thành huyền thoại.
Con số xui xẻo ấy khiến người ta nhớ đến chuyện Chúa Jesu bị đóng đinh vào ngày 13 thứ Sáu, tông đồ phản bội chúa là tông đồ thứ 13, tàu vũ trụ Apolo thứ 13 gặp tai nạn khủng khiếp… Cả nhân loại không thích số 13, khách sạn quốc tế không xây tầng 13, thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng không thích trả lương vào tháng 13.
Vậy cái gì đã làm cho người FPT gắn chết với số 13?
Chỉ có một cách giải thích duy nhất là theo Tử vi. Số mênh một con người, theo Tử vi, được định đoạt bởi ngày anh ta sinh ra. Số mênh FPT cũng thế, nó ra đời vào ngày 13/9/1988 và vì thế cuộc đời của nó đã gắn chết với số 13.
Tương truyền, ngày 13/9/1988, Giáo sư Viện trưởng Vũ Đình Cự sau giờ nghỉ trưa đã lôi một số tài liệu ra ký. Đúng 13 giờ 13 phút 13 giây, Giáo sư Viện trưởng đặt bút ký vào tài liệu thứ 13 sau khi xem hết sức qua loa. Ông không ngờ, trong lúc bất cẩn, mình đã khai sinh ra một công ty CNTT lớn nhất của Việt Nam trong tương lai.
Không ai nhớ chính xác khi mới thành lập, FPT có bao nhiêu cán bộ, nhưng mọi người đều tin FPT có đúng 13 sáng lập viên.
Số điện thoại nội bộ đẹp nhất là 1313 dành riêng cho ông Trương Gia Bình.
Không chỉ số nội bộ, số điện thoại di động của ông Bình cũng là 1313 (090340 1313). Nghe nói khi FPT đề nghị MobiFone ưu tiên cấp số điện thoại này cho Tổng giám đốc FPT, thì đề nghị được chấp nhận ngay vì đối với họ những số loại này nhiều như cát !
Khi tập đoàn FPT chuyển về trụ sở mới ở FPT Cầu Giấy (Hà Nội), tầng 13 được dành riêng cho các lãnh đạo cao cấp nhất.
Cả Tập đoàn FPT, từ công ty mẹ cho đến công ty con cháu… đều khai sinh vào ngày 13 của một tháng nào đó trong năm.
3. “Ba vòng tròn”
Các doanh nghiệp đều thừa nhận “chọn lĩnh vực kinh doanh” là một trong những công việc khó khăn nhất. Thế nhưng ở FPT, việc đó không quá khó, chính là nhờ họ thuyết ba vòng tròn năng lực do "anh thợ cả" Bình đưa ra trong chương trình LB (Leadership Building): chỉ cần vẽ 3 vòng tròn, nếu chúng không giao nhau thì quên nhanh, nếu phần giao nhỏ thì xem xét thêm, nếu phần giao lớn thì có thể triển khai.
Vậy cụ thể đó là những vòng tròn gì?
Đầu tiên là Vòng tròn đam mê.
Một cán bộ đến gặp Nguyễn Thành Nam với câu hỏi: “Tại sao FPT không định làm thương mại điện tử?” thì nhận được câu hỏi lại “Ai nói là FPT không định làm? Nhưng ai làm? Cậu có thích làm không? Có dám bỏ việc hiện tại để làm không? Nếu không thích thì thôi đừng hỏi”.
Vòng tròn đam mê thực chất là mô hình hóa câu hỏi rất được ưa thích trong FPT “Cứ máu có lẽ là xong”. Không có người thực sự đam mê, việc gì cũng không nên làm.
Vòng tròn thứ hai là Vòng tròn năng lực.
Những người bảo vệ các dự án kinh doanh mới ở FPT luôn phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng Giám khảo như “Mình có lợi thế gì hơn người khác? Mình có gì hay hơn người khác? Cái hơn của mình có dễ bị copy không?...”
Nếu việc định làm mà có nhiều người khác cũng có thể làm tốt không kém thì cần phải rất cân nhắc có nên làm hay không. Chỉ làm những gì mà bản thân có năng lực vượt trội.
Vòng tròn thứ ba là Vòng tròn lợi nhuận.
Các câu hỏi thường phải trả lời là: Có phải lĩnh vực hội tụ số (DC) không? Thị trường có lớn không? Khả năng chiếm bao nhiêu thị phần? Tốc độ tăng trưởng của thị trường là mấy chữ số? Có thể tăng trưởng cao hơn tốc độc trung bình của thị trường là bao nhiêu? Lợi nhuận sẽ như thế nào, có đủ hấp dẫn không?...
Ở FPT, không phải những dự án triển vọng có lợi nhuận mà chỉ những dự án triển vọng có lợi nhuận cao và rất cao, mới được xem xét.
Từ khi có học thuyết ba vòng tròn, trong các báo cáo kế hoạch kinh doanh năm của các bộ phận đều có hình ba vòng tròn vẽ đè lên nhau. Nhờ có chúng mà FPT liên tục chọn đúng các hướng kinh doanh mới, giúp cho quy mô công ty ngày càng mở rộng.
Nguồn: Sách Đồng đội